Nguyễn Tử Mạch (bìa phải) năm 1971
Mùa xuân Nhâm Tý năm 1972, khi đang là phóng viên Báo Tiền tuyến (Mặt trận B5), Nguyễn Tử Mạch xin được về trực tiếp chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 27 Xô Viết Nghệ Tĩnh (nay là Trung đoàn 27-Triệu Hải) và đã hy sinh anh dũng tại Cam Lộ vào ngày 1-4-1972 ( nhằm ngày 18/2 Nhâm Tý), một ngày sau trận đánh mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị của Trung đoàn 27 tại Cam Lộ (30-3-1972).
Nhân ngày giỗ của Nguyễn Tử Mạch, xin giới thiệu lại một trong số rất nhiều những tác phẩm văn chương đủ các thể loại của người lính tài hoa xứ Thanh để lại thay cho một nén hương trầm tưởng nhớ về một trong những đồng đội thân yêu đã nằm lại trên chặng dài đường cứu nước
VẾ ĐỐI CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH – MÓN NỢ VĂN CHƯƠNG XUYÊN THẾ KỶ
Xuân năm 1973, Báo Quân đội nhân dân số Xuân Quý Sửu có đăng một vế mời đối: PHÁO THỦ PHÁO TẦM XA, ĐÁNH ĐỊCH GẦN, TAY THỦ THÊM THỦ PHÁO.
Người viết và ra “đề” là một người lính từng chiến đấu trên chiến trường , nên từng từ trong vế đối đều “dính dáng” đến hình ảnh người lính, súng đạn… Đặc biệt, vỏn vẹn 13 từ trong một vế đối đơn giản và kiệm từ, tác giả qua một tình huống tác chiến cụ thể xảy ra trong cuộc chiến đã biểu đạt rất cô đọng và sắc sảo về một sự biến đổi đột biến trạng thái chiến tranh ở tầm chiến lược. Tác giả đó là liệt sĩ nhà báo Nguyễn Tử Mạch (sinh năm 1948, quê ở xã Thọ Trường, Thọ Xuân, Thanh Hóa, nhập ngũ năm 1966, hy sinh 1/4/1972)
Do hồi ở đơn vị, thoảng khi có chút điều kiện, tôi vẫn viết đôi ba bài thơ gửi đăng trên “Văn nghệ đường 9” nơi Nguyễn Tử Mạch từng là phóng viên. Biết và quý nhau qua chuyện chiến đấu, văn chương, chúng tôi vẫn thường liên lạc và thăm nhau khi có thể. Khoảng một tuần sau Tết Nguyên đán Nhâm Tý-1972, trên đường vào khu tứ giác (Cam Lộ) nhận nhiệm vụ chiến đấu, Mạch qua trạm phẫu trung đoàn, nơi tôi điều trị vết thương để thăm. Một cuộc viếng thăm hối hả cho kịp bước người dẫn đường về đơn vị. Mạch đọc nhanh cho tôi nghe bài thơ “Tiểu đội” của anh, rồi khoe:
- Dương ơi, tớ vừa từ trung đoàn pháo về. Thấy cánh lính pháo lần này đang áp sát vào mặt trận không khác chi bộ binh, xem chừng chiến dịch này “to chuyện” đấy. Nhìn cánh lính pháo binh, tớ nảy ra được vế đối mới toanh, hiện còn “nóng hôi hổi, vừa thổi vừa đọc”. Dương cũng là tay “chơi” vế đối, thử đối cho vui.
Cũng chẳng cần để tôi kịp lấy giấy bút ra ghi, Mạch đọc ào một mạch cả vế đối rồi khoác ba lô, với tay lấy khẩu AK, quày quả bước hút theo người dẫn đường. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Mạch, quần xắn cao trên gối, để lộ đôi bắp chân ngắn tròn săn chắc cứ căng cứng mỗi khi bàn chân bấm vào lớp bùn đất đỏ trên đường vào tuyến trong.
Khi chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị diễn ra, chúng tôi mới thực sự hiểu không chỉ là “to chuyện” mà hơn thế, hình thái chiến tranh đã vượt quá hình dung của những người lính lúc bấy giờ. Riêng vế đối, phần sau đó thử đi thử lại mấy lần không xong, phần mải cùng đơn vị tiếp tục thọc sâu vào giải phóng hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng… bẵng đến khi kết thúc chiến dịch ra, sẵn có mấy nhà báo trên đường về hậu phương, tôi đọc bài thơ và vế đối của Mạch (lúc đó đã hy sinh) nhờ các anh có điều kiện đăng như một nén hương cho người lính tài hoa đã ngã xuống.
Gia đình anh trai Nguyễn Tử Mạch thắp hương tại mộ LS NTM -
25/3/3009 khi gia đình tham gia cuộc hành hương
ĐƯA QUÊ HƯƠNG VÀO CHO ĐỒNG ĐỘI của CCB E 27
Sau này, khi ra Thanh Hóa, đọc trên báo, thấy vế mời đối, vừa mừng (vì vế đối của Mạch được đăng) vừa xót xa (khi tác giả đã không còn để nhìn thấy). Tuy nhiên, cũng như tôi và mấy anh em đồng đội từng cố tìm từ, gạn nghĩa mà chưa thể tìm ra vế đối chỉnh từ, chỉnh nghĩa. Đó là một vế khó về ngữ nghĩa ở tầm vĩ mô. Vậy nên, cho dù sau đó cả chục năm, nhiều lần Báo Quân đội nhân dân cũng đã từng trở lại trên số báo Xuân vế mời đối trên, tuy nhiên, vế mời đối của Mạch đã lại trở thành món nợ văn chương tiếp tục đi hết những năm cuối thế kỷ 20, bước qua thế kỷ 21, trở thành món nợ văn chương xuyên thế kỷ.
Cháu Nguyễn Ngọc Long thắp hương cho chú Mạch - 10/5/2013
Vâng, cứ tưởng như vậy. Bất ngờ cuối tháng 11-2007, Nguyễn Ngọc Long, cháu gọi liệt sĩ Nguyễn Tử Mạch là chú ruột (hiện là giảng viên một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh), qua đọc một bài viết của tôi trên mạng giới thiệu bài thơ “Tiểu đội” của Nguyễn Tử Mạch, Long đã tìm được địa chỉ và gửi email liên lạc với tôi. Với sự cảm phục lớp cha chú tài hoa và dũng liệt, trong bức thư gửi cho tôi mới đây, Long đã mạnh dạn gửi cho tôi một vế đối như cách nói của Long: “Cháu tuy không theo được nghiệp văn chương như các chú, nhưng có lẽ nhờ anh linh chú cháu chỉ bảo, nên cháu có được một vế đối được tạo nên từ vị trí, và cách nhìn nhận của chúng cháu ở thì hiện tại để các chú tham khảo”.
Vế đối lại như sau:
Vế ra:
PHÁO THỦ PHÁO TẦM XA, ĐÁNH ĐỊCH GẦN, TAY THỦ THÊM THỦ PHÁO
Vế đối:
HỌC SINH HỌC TẠI CHỨC, HỌC TỪ XA, PHÁT SINH MÔN SINH HỌC
Bất ngờ và cảm động. Có thể tôi và với nhiều người, vế đối của Long vẫn chưa thật “chỉnh”, song với tôi, ít nhất cũng đã thể hiện được hồn cốt sự tiếp nối các thế hệ trước sau, như một phần kết có hậu của một vế mời đối một thời trận mạc.
Rưng rưng chép lại câu chuyện này như một nén hương lòng ngày giỗ Nguyễn Tử Mạch, và cho khắp cùng những đồng đội thân yêu vĩnh hằng trong chặng dài đường cứu nước.
Từ phải qua: CCB Nguyễn Văn Kiệm - Bộ đội địa phương Quảng Trị -
Lê Bá Dương và CCB Huỳnh Ngọc Đài , nguyên chính trị viên đại đội hỏa lực
nơi Nguyễn Tử Mạch công tác trước khi hy sinh,
thắp hương cho LS Mạch. Tháng 4/2008
Lê Bá Dương và Nguyễ Trung Kiên thắp hương cho đồng đội Nguyễn Tử Mạch
(ngôi mộ số 66 khu LS quê Thanh Hóa - Nghĩa trang quốc gia đường 9 - Quảng Trị)
Nghệ An ngày 17/4/2014
LÊ BÁ DƯƠNG
|