Ông Trịnh Đình Năng bên sản phẩm lò đốt rác thải y tế độc hại (ảnh lớn). v Rất nhiều bằng khen được treo tại phòng làm việc của ông Năng.
Từ bỏ bản hợp đồng trị giá 10 tỉ của công ty nước ngoài
Sau khi thất bại trong việc nghiên cứu tách vàng, bạc từ quặng, ông Trịnh Đình Năng đã thu thập được nhiều kiến thức quý báu về việc tạo nhiệt trong sản xuất. Ông Năng chia sẻ, thời gian sau này ông vẫn luôn ấp ủ nghiên cứu một đề án cho riêng mình.
Bản thân cha ông trước đây là một bác sĩ nên ông luôn quan tâm tới lĩnh vực y tế. Ông cho rằng: Mỗi ngày, môi trường sống của chúng ta phải tiếp nhận hàng trăm tấn rác thải y tế từ các bệnh viện, nếu không được xử lý sớm sẽ là nguồn gây bệnh đe dọa trực tiếp tới đời sống của cộng đồng dân cư. Từ những suy nghĩ đó, ông đã tiếp tục nghiên cứu viết đề án.
Năm 2009, ông gửi đăng ký sáng chế “Lò đốt rác thải rắn y tế nguy hại” cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Năm 2012, ông bảo vệ thành công và được cấp bằng sáng chế độc quyền cho đề án này. Lò đốt chất rắn rác thải y tế nguy hại của ông là một hệ thống thiết bị lò, gồm: Đầu đốt đồng bộ, thực hiện đốt liên hoàn không gián đoạn, kết hợp với thiết bị công đoạn thiêu đốt là công nghệ Nano khép kín, phân hủy triệt để khói, bụi, mùi độc hại.
Sau khi ông Trịnh Đình Năng được cấp bằng sáng chế độc quyền, một công ty chế tạo máy hàng đầu của Đức đã liên hệ để mua lại sáng chế của ông với giá hơn 300.000 euro (khoảng 10 tỉ VND). Tuy nhiên, ông đã từ chối đề nghị của họ mà chỉ đồng ý hợp tác cùng sản xuất. Lý do ông đưa ra là việc nghiên cứu này không chỉ của riêng ông mà là của cộng đồng người Việt Nam. Đây là trí tuệ và chất xám của người Việt.
Ông cũng thẳng thắn cho những người nước ngoài biết khả năng họ mua lại bản quyền này sau khi đưa vào sản xuất rồi sẽ bán lại cho Việt Nam. Như vậy là đất nước ta sẽ phải mua chính công nghệ của người Việt Nam sáng chế với một cái giá không hề rẻ. Hơn nữa, việc ông muốn giữ độc quyền sáng chế để sản xuất ngay tại Việt Nam sẽ đem lại công ăn việc làm cho những người ở quê hương Bắc Kạn của ông.
“Ăn đứt” sản phẩm tiên tiến của nước ngoài
Sáng chế độc quyền “Lò đốt rác thải y tế nguy hại” của ông Trịnh Đình Năng có nhiều tính năng vượt trội hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến trên thế giới. Ông Trịnh Đình Năng khẳng định: Hệ thống lò đốt rác thải y tế là hệ thống đã hoàn chỉnh có thể vận chuyển được chỉ cần đấu điện, nước, xây một cái bể nhỏ và có thể xử lý môi trường nước.
Tất cả các lò đốt ở Việt Nam chưa có lò nào cân bằng áp suất như hệ thống này. Công nghệ mới của lò là đốt liên hoàn, phụt lửa vào vật đốt chứ không như các lò khác là phụt dầu vào. Tại trung tâm lò đốt, nhiệt độ có thể lên tới 1.800 độ C. Thời gian đốt cũng rất nhanh. Tuổi thọ của đầu đốt có độ bền cao và không có sự cố kỹ thuật hay tắc đường dẫn dầu.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, lò đốt do ông Trịnh Đình Năng sáng chế là công nghệ lò đốt rác thải y tế đầu tiên ở Việt Nam đạt quy chuẩn 30 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiết kiệm trên 80% nhiên liệu đốt so với lò nhập ngoại. Nếu đốt bằng dầu diezen chỉ hết 5.000 đồng/kg rác thải và 2.000 đồng/kg khi đốt bằng dầu thải. Trong khi đó, các loại lò của Mỹ, Nhật Bản, Anh hiện nay phải chi phí từ 70.000-80.000 đồng/kg rác thải.
Chính vì thế, ông Đỗ Tuấn Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đánh giá cao sản phẩm này và cho biết: “Hệ thống xử lý rác thải do ông Năng sáng chế phù hợp trong với những cơ sở có lưu lượng rác vừa phải, đã áp dụng được những công nghệ tiên tiến. Hiệu suất sử dụng cao và tiết kiệm nguyên liệu. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm để hạn chế giá thành cho sản phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường”.
Sau khi được cấp bằng sáng chế, ông Trịnh Đình năng đã thành lập Công ty Hỏa Tự Llong có trụ sở tại thôn Nam Đội Thân, xã Nông Thượng, thị xã Bắc Kạn. Ông Năng cho biết thêm, công ty của ông hiện cũng đang sản xuất và bán những sản phẩm lò đốt rác thải y tế cho nhiều hệ thống bệnh viện của cả nước như Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thanh Hóa… Nếu được đầu tư và mở rộng sản xuất, chắc chắn sản phẩm của ông sẽ còn hạ giá thành phẩm hơn hiện nay rất nhiều.
Không chỉ dừng lại ở đây, hiện ông Năng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu ứng dụng thêm loại lò đốt xử lý rác thải đô thị. Khi tôi trò chuyện với ông, ông còn khoe với tôi công trình vừa mới nghiên cứu xong về việc tách vỏ củ dong riềng.
Ông Năng cho biết, trên địa bàn của ông hiện nay mô hình trồng cây dong riềng đang phát triển rất mạnh, nhưng việc chế biến lại chưa được chú trọng, công nghệ của ông nếu được áp dụng sẽ góp phần không nhỏ vào việc giảm công trong quá trình sản xuất và tạo ra được sản phẩm nhiều dinh dưỡng hơn rất nhiều.
Tôi chia tay với vị kỹ sư chân đất này khi màn đêm đã bắt đầu buông xuống, song cả người nói chuyện và người nghe đều khó mà dứt ra được những câu chuyện lôi cuốn về khoa học công nghệ.
Ông Năng có một cái duyên khi nói về những chuyện khoa học, một lĩnh vực rất khô khan mà tưởng những người ngoài ngành như tôi rất khó có thể kiên nhẫn lắng nghe. Hy vọng rằng, khi quay trở lại đây, mảnh đất hoang vu với lác đác 2 - 3 công nhân của ông sẽ là một xưởng máy với nhiều lao động địa phương để tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội.