theo Tuổi trẻ | 13/03/2014 20:00
Đặc biệt là hai chiếc đài (radio) cũ, mà hơn 25 năm trước các anh gửi về từ nơi xa...
Về Thái Bình thăm các gia đình liệt sĩ hi sinh trong trận Gạc Ma ngày 14-3-1988, chúng tôi lại nhìn thấy những kỷ vật của các anh.
Đặc biệt là hai chiếc đài (radio) cũ, mà hơn 25 năm trước các anh gửi về từ nơi xa...
21 năm sau ngày bố hi sinh và đến giờ là 25 năm, trên bàn học và bây giờ là bàn làm việc, cô giáo Nguyễn Minh Hà vẫn giữ chiếc đài con con cũ kỹ mà bố để lại trước chuyến đi cuối cùng. Đã gần 30 năm nhưng chiếc đài kỷ vật này vẫn dùng được.
Chiếc đài của cha và đĩa khoai tây trên bàn thờ
“Sau khi bố hi sinh, đơn vị có chuyển về một túi đồ của bố, trong đó có chiếc đài này. Mỗi lần nghe đài, tôi lại nghĩ đến bố. Mỗi lần nhìn thấy chiếc đài này là một lần nhớ bố. Khi lấy chồng, tôi mang theo nó, để trong phòng ngủ. Mẹ tôi vẫn còn giữ cái quần đùi, áo lót của bố. Có một cái bàn chải đánh răng đã mòn, đã cùn tưởng như không thể dùng được nữa, mẹ vẫn cất đi. Nhìn cái bàn chải ấy, chúng tôi nghĩ ngày đó bố và các chú, các bác khó khăn, vất vả và chắt chiu như thế nào, thấy thương lắm...” - Minh Hà nói, giọng lạc đi vì đôi mắt đã ngập nước.
Cha của Hà - liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm - đã ra đi khi mới 32 tuổi, lúc đang là trợ lý thi công thuộc Trung đoàn công binh hải quân E83.
Bố hi sinh khi Hà mới 5 tuổi, em gái Nguyễn Thu Huế mới 2 tuổi. 25 năm trôi qua nhưng những ký ức, những kỷ niệm về người bố hiền lành, yêu vợ thương con vẫn chưa một lần phôi phai trong tâm khảm Nguyễn Minh Hà. “Bố rất vui tính, hay hát trêu mẹ: “biển một bên và em một bên...”.
Cô giáo Minh Hà rơi nước mắt khi kể lại kỷ niệm về cha.
Sau này mỗi khi nghe bài hát này, tôi lại khóc vì nhớ và thương bố, thương cả mẹ nữa. Sau khi bố hết phép, tôi theo bố ra Hải Phòng, được ở với bố một tháng trước khi bố vào Đà Nẵng. Bố còn mua len nhờ các cô làm bếp đan cho tôi một bộ quần áo len.
Ngày 20-11-2009, trên chuyến xe từ Hà Nội về đến nhà bố ở xã Dân Chủ (Hưng Hà, Thái Bình), Hà cứ ôm chặt biểu tượng Tổ quốc ghi công bằng pha lê bên trong có chứa giọt gen của bố vào lòng. “Ngày xưa được bố bế bồng, ôm ấp nâng niu, còn bây giờ thì con lại ôm những gì còn lại của bố trong lòng. Tôi cứ nói trong thâm tâm mình: bố ơi, bố đã được về nhà mình rồi. Con đang đưa bố về đây” - Minh Hà kể, đôi mắt đỏ hoe.
Trong khi chiếc xe chở thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm chuyển hướng về Hưng Hà, thì xe chở thân nhân liệt sĩ Trần Văn Phòng rẽ hướng chạy về huyện Kiến Xương.
“Cứ để đấy, cho anh về anh nghe...”
“Bố của liệt sĩ Trần Văn Phòng suốt chuyến xe cứ trầm lặng nhìn ra ngoài cửa kính. Hôm ấy mưa phùn bay lất phất, giăng bụi trắng xóa làm cho cái không gian và không khí càng chùng xuống, tê tái. Cái trầm ngâm của cụ y như cái trầm ngâm của Phòng lúc nhìn ra ngoài biển trước chuyến đi định mệnh. Tôi còn nhớ lúc công bố kết quả giám định tại Viện Pháp y quân đội, nghe đọc đến tên con trai mình, người bố lấy khăn lau nước mắt. Ông tin chính xác là con trai mình đã được trở về với quê hương, với gia đình. Đó là lần duy nhất tôi thấy ông khóc. Nhưng tôi tin chắc rằng ông đã khóc thầm 21 năm rồi và bây giờ đang cố gắng kìm nén xúc động”, đại tá Nguyễn Kiều Kinh (trưởng phòng chính sách - Quân chủng Hải quân) bồi hồi nhớ lại hình ảnh không thể nào quên ấy.
Còn con gái liệt sĩ Trần Văn Phòng (hiện là kiến trúc sư làm việc tại TP.HCM) thì khóc suốt, cứ vòng tay ôm quan tài bằng gỗ phủ cờ Tổ quốc chứa xương cốt của bố, không nói được gì suốt hành trình gần 3 giờ đồng hồ từ Hà Nội về Thái Bình. “Con bé bảo để tiểu sành giữa hai chú cháu để bố được ngồi giữa con gái và một người bạn, đồng đội” - đại tá Nguyễn Kiều Kinh cho biết.
Chuyến xe ấy là một câu chuyện đặc biệt và cảm động ít ai biết. Bởi đại tá Nguyễn Kiều Kinh chính là người bạn, người đồng đội cùng trong lực lượng công binh hải quân với liệt sĩ Trần Văn Phòng. Anh Phòng khi ấy là đại đội phó chính trị công tác tại Trung đoàn công binh E83. Còn anh Kinh là trợ lý chính trị tiểu đoàn 847 (Trung đoàn công binh M31).
“Tầm 5g chiều trước khi Phòng xuống tàu, chúng tôi chia tay bằng một bữa cơm đạm bạc. Phòng nói chuyện ít lắm, cứ trầm ngâm nhìn xa xăm ra biển, hút thuốc lá liên tục. 7g tối thì Phòng xuống tàu. Lúc chia tay, Phòng dặn đi dặn lại: nếu ngày về được đi phép thì đón tàu hỏa xuống Đà Nẵng chơi với gia đình mình rồi hãy về Quảng Ninh (khi đó gia đình anh Kiều Kinh còn ở Quảng Ninh). Chúng tôi không nói được gì nhiều vì đơn vị đang tập trung xuống hàng, công việc nhiều và quá gấp. Không ai nghĩ đó là chuyến đi định mệnh của cuộc đời người lính. Phía trước là những thứ không thể ngờ... Khi ra Trường Sa, chúng tôi mỗi người đi một đảo. Phòng đi trước, tôi đi sau nên không biết trong số hi sinh có bạn mình. Xong chuyến thứ nhất, vào bờ đọc báo thấy tên Phòng, tôi bàng hoàng... Tôi luôn hình dung bữa ăn cuối cùng với Phòng, chỉ có thịt hộp, rau muống luộc. Không nghĩ đó là bữa ăn cuối cùng với bạn” - đại tá Nguyễn Kiều Kinh bỗng chùng giọng khi nhớ lại.
Mẹ của liệt sĩ Trần Văn Phòng với chiếc đài cũ, kỷ vật duy nhất của con trai.
Trời mưa phùn, rét mướt. Ai cũng tím tái trong cái lạnh 10-12OC. Đón được con, được chồng, được cha về nhưng mặt ai cũng trầm tư hoặc đẫm nước mắt. Suốt hành trình là sự im lặng và tiếng khóc nghèn nghẹn. “Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về lời dặn của bạn trước lúc đi. Tôi không về được Đà Nẵng thăm gia đình bạn nhưng ngày hôm nay lại cùng vợ con bạn đưa bạn về quê hương. Tôi không ngờ sau này mình là người đi đón và đưa bạn về tận nhà...”, đại tá Nguyễn Kiều Kinh trầm giọng kể.
Xe chạy thẳng một mạch về Thái Bình. Không ai có bụng dạ ăn uống. Người thân ở nhà đã làm sẵn bàn thờ, căng bạt. Cả làng già trẻ trai gái ra tận đầu làng đón nghìn nghịt người. Các cựu chiến binh của thôn, xã đều mặc quân phục chỉnh tề, tự đứng ra lo kèn trống. Mẹ của liệt sĩ không nói thành lời khi ôm vào lòng chiếc tiểu sành bên trong là xương cốt của con trai mình. 21 năm trôi qua, anh đã về với mẹ, nhưng không phải trong hình hài như ngày anh đi...
“Khi đưa con ra nghĩa trang liệt sĩ, trong đầu tôi cứ hiện lên hình ảnh của con lần về phép cuối cùng (tháng 6-1987). Con trai tôi còn mua một cái áo gụ biếu mẹ. Trước khi đi, em nó bảo khi về sẽ mua vải tặng bố mẹ may quần áo. Nó thấy bố mẹ mặc quần áo rách rưới vá víu lung tung nên thương. Ngày ấy vải vóc còn quý hiếm lắm”, ông Trần Văn Thiêm, bố của liệt sĩ, hồi tưởng. Ông Thiêm năm nay tròn 80 tuổi, cũng từng là một người lính. Cả năm người con trai của ông đều là bộ đội nhưng chỉ có liệt sĩ Trần Văn Phòng là bộ đội hải quân.
Còn mẹ của liệt sĩ Trần Văn Phòng năm nay đã bước sang tuổi 83. Bà vẫn giữ chiếc đài - kỷ vật duy nhất của con trai. Ngày ấy, đã nhiều lần anh viết thư về bảo mẹ bán chiếc đài để có tiền chi tiêu nhưng bà không chịu. Nhiều lần túng quá, bà vẫn giữ lại. “Chỉ là cứ để đấy cho anh về anh nghe...”. Ngày đón di cốt anh về, người mẹ già chờ con 21 năm đã tự tay bật chiếc đài cũ ấy bên cạnh bàn thờ, như để con nghe được âm thanh quê nhà...
MY LĂNG/Soha.vn
|