Bác sĩ Tôn Thất Hưng - Giám đốc BV Tâm thần Huế tâm sự:
- Bệnh tâm thần có nhiều loại. Nói đến bệnh tâm thần, người ta nghĩ ngay tới 2 chữ: phức tạp. Các bác sĩ nam lo cho bệnh tâm thần đã là một nỗ lực, vậy mà nữ BS. Anh Đào của chúng tôi lại chăm sóc các bệnh nhân tâm thần một cách tận tụy. Vừa rồi, cô Mừng ra viện gặp chúng tôi có ngỏ lời: “Nhờ có cô Anh Đào, tôi đã được trở lại làm người”. BS. Anh Đào của chúng tôi là vậy đó.
Tôi xuống phòng bệnh tìm gặp BS. Anh Đào, thấy chị đang ngồi bên bệnh nhân, hai người cười nói với nhau như đôi bạn thân đang chia sẻ tâm tình. Không nỡ cắt chuyện của “đôi bạn”, tôi đành lui lại.
Gặp các thầy thuốc trong bệnh viện, hỏi chuyện, ai cũng khen BS. Anh Đào giỏi tâm lý, thường trò chuyện với bệnh nhân để tìm ra bệnh cho họ, tìm cách chữa. Các bệnh nhân đến tay Anh Đào thường là những ca “hóc búa”.
Nhớ ngày 14/6/2011, một ông chồng đưa vợ đến BV Tâm thần. Bệnh nhân là một phụ nữ mới 32 tuổi, quê ở Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị. Tên cô là Nguyễn Thị Nguyệt. Nguyệt mở mắt đó, song đôi mắt như chẳng thèm nhìn ai.
Chỉ cần nhìn, BS. Đào đã biết ngay Nguyệt bị bệnh trầm cảm. Hỏi ra, càng rõ. Từ năm 2009, Nguyệt đã có ý định tự sát nhiều lần và đã được điều trị ở nhiều nơi nhưng vẫn mất ngủ dài dài, ngày càng bi quan chán nản. Nỗi đau trong tâm lên đến đỉnh điểm là khi cô quăng hai con xuống giếng và nhảy theo để chết cùng con.
Sau 3 tuần uống thuốc và được thầy thuốc theo dõi chuyển biến từng ngày, Nguyệt đã ngủ được, mắt nhìn mọi người đã thân thiện, chịu tiếp xúc, Anh Đào bắt đầu trò chuyện với bệnh nhân. Là người giỏi tâm lý, chị đã khiến Nguyệt dần kể chuyện mình cho bác sĩ nghe. Lấy tình cảm của bạn nữ, Anh Đào khuyên can Nguyệt về lẽ sống ở đời, Nguyệt tỉnh táo dần.
Sau nửa năm trời được các thầy thuốc hết lòng điều trị, Nguyệt ra viện, tiếp tục điều trị ngoại và sống bình yên cho tới bây giờ.
Gần đây nhất, Võ Thị Mừng (40 tuổi, quê ở Thủy Lương, Hương Thủy) được nhập viện tâm thần.
Anh Đào trò chuyện với ông bố chồng bệnh nhân, ông cho biết:
- Con dâu tôi bị mất ngủ, đau đầu kéo dài, bi quan, chán nản đã cách đây 12 năm. Mừng đã khám và điều trị thuốc trong 1 năm đã tạm ổn, chúng tôi cắt điều trị. Hai năm trở lại đây, bệnh đã tái phát, có điều trị ngoại trú. Điều con dâu tôi lo nhất là chồng bị tiểu đường ngày một nặng lại đi làm nghề thợ nề mãi tận ngoài Hà Nội và cách đây 5 ngày, cháu nó bị mất 3 triệu đồng. Thế là lại suy nghĩ lung tung, buồn bã, có ý định tự sát...
Kết hợp với thuốc, cũng theo dõi sát hành vi của bệnh nhân, kết hợp với các liệu pháp tâm lý, thư giãn, âm nhạc, kích hoạt hành vi và lao động, BS. Anh Đào đã trở thành bạn thân của Võ Thị Mừng, bệnh nhân đêm ngủ được, vui vẻ, hết ý tưởng tự sát, không còn bi quan nữa và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, biết lo lắng cho con cái, chồng lại mới từ Hà Nội vào thăm, niềm vui ập đến khiến Mừng càng tỉnh táo hơn. Đúng ngày 16/01/2014, Võ Thị Mừng ra viện.
Đến BV Tâm thần Huế, nói chuyện về BS. Anh Đào, kể mãi không hết. Bệnh nhân đến tay cô là một người điên, nhưng khi chia tay đã trở lại làm một con người yêu đời, ý thức tự sát đã bay đâu mất.
Có đến bệnh viện tâm thần mới biết chữa bệnh tâm thần là phức tạp. Nhưng được nghe Anh Đào thủ thỉ thì thật yên tâm:
- Bệnh viện tâm thần chúng tôi có 70 giường, song lúc bệnh viện đông nhất là 120 bệnh nhân. Đó là một gánh nặng cho các bác sĩ, song vì lẽ sống, chúng tôi xúm tay vào lo... Nói chung, chữa trị cho bệnh nhân tâm thần, điều cốt yếu đầu tiên là người thầy thuốc phải có một tấm lòng thương yêu. Từ tấm lòng ấy sẽ nhìn ra bệnh tình và tìm ra cách chữa cho bệnh nhân của mình.