Niềm vui hàng ngày của bà Nguyễn Thị Thởi.
Bà từ bỏ tất cả để đi theo lý tưởng cách mạng, bắt đầu cuộc sống mới vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến chống Mỹ trong vùng giải phóng.
Năm 26 tuổi bà quen và lập gia đình với một cán bộ cao cấp trong Trung ương Cục miền Nam. Sau ngày cưới, bà cùng chồng sống đời “ngưu lang chức nữ”. Ông đi công tác biền biệt, có khi một hai năm bà vẫn chưa gặp mặt chồng. Bà nhớ có khoảng thời gian ông bị bắt rồi bặt tin suốt ba năm trời, bà sống trong lo âu lẫn hy vọng rằng chồng mình vẫn còn sống. Một chiều hè, có người đến tìm và trao cho bà bức thư do người từ Trung ương Cục gửi về. Niềm vui như vỡ òa khi bà nhận ra nét chữ của chồng thông báo ông vẫn bình an sau ba năm rút vô vùng bí mật. Khoảng hai tháng sau, một người lái xe ôm tìm đến nhà, trao cho bà vật làm tin của chồng rồi chở bà sang Campuchia thăm ông. Tìm được đến nơi thì ông nhận lệnh phải đi công tác gấp, thế là cảnh chờ đợi lại tái diễn.
Năm năm sau, bà có thai đứa con đầu lòng với ông. Chồng tiếp tục công tác bí mật ở xa. Không một ai biết được cha đứa bé là ai, cấp trên nơi bà công tác gặng hỏi, bà chỉ im lặng. Vì thế, bà bị khai trừ khỏi tổ chức vì tội “chửa hoang” và phải ra vùng địch sống. Bà âm thầm chịu đựng bao lời dị nghị, đàm tiếu của hàng xóm cùng nghi vấn của chính quyền. Ngày đó nếu không có người hàng xóm tốt bụng với biệt danh Hai Bịt Răng đứng ra nhận là cha của đứa bé trong bụng bà, thì chắc xã trưởng cũng trình báo nghi vấn bà có con với Việt cộng lên trên rồi. Bà vẫn âm thầm, lặng lẽ chịu đựng cho đến ngày đứa con đầu lòng ra đời. Ngày bà sinh con mọi người đều đi soi cá, bà ở nhà một mình bỗng thấy quặn đau, định ra đầu xóm kêu cứu. Nhưng mới được vài bước thì bà sinh rớt dọc đường một bé gái xinh xắn. Bà ngồi ứa nước mắt nhìn đứa con đầu lòng ngoan ngoãn ngủ yên không một tiếng khóc. Ba giờ sau, mọi người trở về nhà kêu bà mụ đến cắt rốn cho bé. Ngày đó cả xóm kéo đến thăm bà vì tò mò xem đứa con có giống ông Hai Bịt Răng hay không.
Sau đứa con đầu lòng, bà lần lượt hạ sinh thêm hai trai, một gái. Vợ chồng bà đã giao kèo: khi con được 8 tuổi phải đưa vô vùng cách mạng. Năm 1972, hai người con đầu của bà được ông cho theo đoàn học sinh miền Nam ra Bắc học. Ngày đó trong đoàn giao liên có hai đứa bé 8 và 14 tuổi đi bộ mỗi ngày 9km, vượt đường mòn Trường Sơn ròng rã hơn ba tháng ra Bắc. Con được ông đặt cho những cái tên “lạ”: Quyết Tâm, Quyết Chiến, Quyết Thắng, Đông Xuân - đó là ước nguyện của một người lãnh đạo hết mình vì nước với “Quyết tâm chiến thắng Đông Xuân”. Nhưng ước nguyện đó đã không thành khi cuộc tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân năm 1968 vẫn chưa giải phóng được miền Nam. Đến bảy năm sau, ông bà mới nở nụ cười mãn nguyện cùng chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975.
Hòa bình lập lại, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh với cuộc sống đạm bạc. Đồng lương của ông có hạn nên bà trồng rau, nuôi heo để nuôi con ăn học. Sáng nào người dân ở khu Trảng Bàng cũng thấy bà gánh rau ra chợ bán. Vài người bảo: “Vợ của quan lớn mà đi bán rau sao?”. Bà chỉ cười, không một lời đính chính hay giải thích. Vào thời điểm đó, người dân nào bị oan ức khi đến nhà ông bà sẽ được giúp đỡ hết mình. Sau này nhiều người thắc mắc vì sao con cái đều thành đạt, có địa vị trong xã hội mà bà lại bán rau như vậy, không sợ con cháu buồn hay sao? Bà đáp tỉnh rụi: “Ngày trước tôi bán rau vì nhu cầu cuộc sống, còn bây giờ tôi ra chợ bán là vì niềm vui”. Con cái thường năn nỉ bà nghỉ bán để an dưỡng tuổi già, nhưng bà cương quyết bởi vì đó là niềm vui chứ không vì vật chất. Hiện bà đang sống cùng người con thứ hai tại Trảng Bàng, cứ mỗi cuối tuần gia đình bà lại đầy ắp tiếng cười của con cháu tụ về.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó mà 70 năm đã trôi qua, cô gái thuộc hàng “trâm anh thế phiệt” ngày nào giờ đã 92 tuổi, vẫn minh mẫn, lạc quan, hạnh phúc bên con cháu. Bà vẫn thong thả với niềm vui bên gánh rau, sáng ra chợ, chiều cắt, rửa, bó rau để chuẩn bị phiên chợ sáng mai. Bà không muốn nêu tên mình, chỉ muốn lấy những công việc bình dị làm niềm vui... Nhưng thiết nghĩ đó là một người vợ, người mẹ đáng được vinh danh với tất cả những đức hy sinh tận tụy, chúng tôi xin phép được nhắc đến tên bà. Người phụ nữ đáng kính đó là bà Nguyễn Thị Thởi, sinh năm 1922, vợ cố Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Văn Tốt (bí danh Hai Bình). Còn đứa con ngày nào bà đẻ rơi, từng đi bộ ròng rã hơn ba tháng trời ra miền Bắc học chữ năm xưa, hiện là Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.Hồ Chí Minh.
Theo Xã luận