Cụ Nguyễn Quý Thưởng trò chuyện cùng các bà Nguyễn Thị Điểm (trái) và Nguyễn Thị Lịch (phải).
49 năm, thời gian đã phủ trắng những mái đầu xanh, những nữ thanh niên phơi phới tuổi xuân của phong trào "Ba đảm đang" năm nào nay đã thành cụ, thành bà, kẻ còn người mất. Nhưng trong ký ức của họ, nhiệt huyết của một thời oanh liệt ấy vẫn như lửa cháy.
Bài 1: Những người “nhóm lửa” cho phong trào lớn
Đã có một thời, phong trào "Ba đảm đang" gắn liền với người phụ nữ Việt Nam như một biểu tượng, một kỳ tích minh chứng cho sức mạnh của các bà, các mẹ, các chị, các em gái trong kháng chiến cứu nước. Trở về nơi khai sinh ra phong trào vô cùng đáng tự hào ấy, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện do chính những người trong cuộc kể, càng thấy cảm động và khâm phục biết bao nghị lực, sức mạnh của những người phụ nữ mộc mạc, chân chất trên quê hương Đan Phượng Anh hùng.
“Nhóm lửa”
Tôi may mắn gặp được cụ Nguyễn Quý Thưởng, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kiêm Chủ tịch Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện Đan Phượng, rồi Bí thư Huyện ủy Đan Phượng từ năm 1957 đến năm 1979. Năm nay, dù đã bước sang tuổi 88 nhưng cụ Thưởng vẫn còn mạnh khỏe, nhanh nhẹn và vô cùng minh mẫn. Khi hỏi về phong trào “Ba đảm nhiệm” (tiền thân phong trào “Ba đảm đang”) của phụ nữ Đan Phượng năm 1965, cụ sôi nổi hẳn. Cụ Thưởng nhắc ngay đến ba người phụ nữ thời đó đã mạnh dạn đề xuất phong trào với lãnh đạo Huyện ủy. Đó là các bà Lê Thị Nhàn, Nguyễn Thị Quýnh và Bùi Thị Thái, cán bộ chủ chốt của Hội Phụ nữ Đan Phượng.
Thời điểm năm 1965, cả nước sục sôi không khí chiến đấu và lao động sản xuất xây dựng quê hương, tiếp lửa cho chiến trường miền Nam. Hầu hết thanh niên “Ba sẵn sàng” nô nức lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ở lại quê hương đa phần là phụ nữ. Làm thế nào để phát huy được sức mạnh của lực lượng này là băn khoăn lớn của lãnh đạo huyện Đan Phượng thời kỳ đó. Vì vậy, khi đại diện Ban Chấp hành Hội LHPN huyện xin ý kiến chỉ đạo về việc phát động một phong trào dành riêng cho phụ nữ, lãnh đạo Huyện ủy Đan Phượng ủng hộ ngay. Cụ Thưởng nhớ vào thời điểm đó, nỗi lo lớn nhất của các chị là kinh phí hoạt động. Là Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện - người nắm “chìa khóa” ngân sách khi đó, cụ Thưởng đã chỉ đạo: “Nghèo thì nghèo thật nhưng các cô cứ làm đi, huyện sẽ lo. Đất nước còn khó khăn, phải tiết kiệm từng hào nhưng khi cần thì hàng trăm cũng phải tiêu!”. “Được lời như cởi tấm lòng”, chị Thái, chị Quýnh, chị Nhàn hăm hở về bàn bạc, xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức phong trào và bắt tay ngay vào việc “nhóm lửa” mà không hề nghĩ rằng, việc làm ngày đó đã góp phần thổi bùng lên một phong trào mạnh mẽ, rộng khắp cả nước trong nhiều năm về sau.
Phong trào được Bác Hồ đặt tên
Ban đầu, phong trào có tên “Ba đảm nhiệm” với ý nghĩa: Phụ nữ hậu phương có thể đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho nam giới đi chiến đấu; đảm nhiệm gánh vác việc gia đình khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm sẵn sàng phục vụ chiến đấu. Liên tiếp trong tháng 2-1965, BCH Hội Phụ nữ huyện đã tổ chức ba hội nghị: Hội nghị toàn thể nữ đảng viên của huyện và cơ sở; hội nghị toàn thể nữ chủ tịch, bí thư, chủ nhiệm hợp tác xã; hội nghị toàn thể hội trưởng hội phụ nữ và cán bộ nữ các ngành trong huyện. Những nội dung cụ thể, cách làm đơn giản để cổ vũ cho phong trào “Ba đảm nhiệm” đã được các chị nhanh chóng vận dụng vào hoạt động, như: Phong trào nuôi bèo hoa dâu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để ngâm ủ mạ, cải tiến chuồng trại chăn nuôi...
Bà Nguyễn Thị Điểm, nguyên Xã đội trưởng, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp rồi Bí thư Đảng ủy xã Song Phượng, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng năm nay đã ngót 70 tuổi nhưng khiến chúng tôi ngạc nhiên khi vẫn đi xe máy vèo vèo, dáng người nhanh nhẹn, giọng nói còn sang sảng. Bà kể, hồi đó mình mới 18 tuổi, tham gia phong trào ngay những ngày đầu, hăng hái lắm, chỉ nghĩ đơn giản là nam giới đi hết rồi, không có đàn ông ở nhà thì phụ nữ làm thôi. Cấy thẳng hàng hay cày bừa, trồng điền thanh, nuôi bèo hoa dâu để làm phân xanh... việc gì phụ nữ cũng làm được, mà còn làm rất tốt. Cô gái trẻ Nguyễn Thị Điểm ngày đó đã từng được phong danh hiệu “Kiện tướng nuôi bèo hoa dâu” nhiều năm liền. Cô cùng Đội Khoa học kỹ thuật của xã Song Phượng nuôi bèo hoa dâu giống cung cấp cho cả huyện, mùa đông rét đến mấy cũng chân trần lội xuống ruộng dập bèo, phun thuốc...
Sinh năm 1945, nhiều hơn bà Điểm hai tuổi, bà Nguyễn Thị Lịch, nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Song Phượng từ năm 1963 đến tận năm 1979. Chồng đi chiến trường, ở nhà còn mẹ già, con nhỏ mới vài tháng tuổi nhưng khi phong trào “Ba đảm nhiệm” được phát động, bà đã hăng hái tham gia. Bà bảo, thương nhất là những đêm đi họp về khuya, con khóc ngằn ngặt vì khát sữa nhưng được mẹ chồng thông cảm nên vẫn tích cực “bám” phong trào. Bà Lịch nhớ, hồi đó vui nhất là những buổi học “cấy thẳng hàng” trên sân kho hợp tác xã. Hội Phụ nữ xã tổ chức mỗi thôn hai đội học cày, học cấy; chị em luân phiên nhau đến học cấy thẳng hàng tại sân thôn Tháp Thượng, mỗi đội học một tuần, ngả cây mạ ngay ngắn trên nền gạch. Từ những buổi học ấy mới có những “đồng hợp tác xanh tươi cấy dày thẳng tắp, anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc” (lời bài hát Hà Tây quê lụa của nhạc sĩ Nhật Lai). Ngày đi làm, tối đi họp, rồi đến từng nhà vận động thanh niên tòng quân, đi nhiều đến mức “nhẵn ngõ, chó quen” trong khi thức ăn chỉ là mấy quả cà muối, su hào luộc chấm tương... thế mà không hề biết mệt. Cũng trong năm 1965, bà Lịch được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với bà, đó thực sự là phần thưởng vô cùng thiêng liêng, quý giá.
Với sức hút mạnh mẽ của phong trào “Ba đảm nhiệm”, chỉ sau một thời gian ngắn, ở Đan Phượng đã hình thành những phong trào lớn mang dấu ấn riêng của phụ nữ, như: Phong trào nuôi lợn ở Song Môn; nuôi bò ở Địch Thượng; san gò lấp trũng, trồng cây của các xã Hồng Thái, Liên Minh; phong trào “bốn đẹp” xây dựng nếp sống văn hóa mới; “ba không, ba đảm”, “nhuộm màn, dệt xô vì miền Nam”... Cũng chỉ sau thời gian rất ngắn, phong trào lập tức đã gây được tiếng vang và lan tỏa rộng khắp các địa phương miền Bắc. Tháng 3-1965, Hội LHPN Việt Nam đã chính thức phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” trên toàn miền Bắc. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đổi tên thành phong trào “Ba đảm đang”. Và rồi được sự tiếp sức của chính quyền nhân dân, trên mọi mặt trận từ đồng ruộng, nhà máy, trường học, bệnh viện, công trường xây dựng các phong trào thi đua “Tay cày, tay súng”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Giỏi một nghề, biết nhiều việc”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Thầy thuốc như mẹ hiền”... nở rộ như hoa mùa xuân và gặt hái được nhiều quả ngọt. Với phong trào “Ba đảm đang”, lịch sử đã ghi một mốc son trong quá trình hoạt động của Hội LHPN Việt Nam cùng với việc xuất hiện rất nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu, lập thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang chống Mỹ cứu nước”.