Cô Linh Quang không chỉ là nhà giáo mà còn là nhà thơ.
Nhưng, chính cuộc chiến tranh nghiệt ngã đã khiến lời hẹn ước năm xưa trở thành ký ức, khi Định mãi mãi nằm lại chiến trường....
Lời thề ước xuyên thế kỷ
Người con gái năm xưa nay đã về hưu sau hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, cô hiện sống một mình trong căn nhà nhỏ tại ngõ 24 (phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội). Cô Chu Thị Linh Quang (SN 1951), nguyên giáo viên dạy văn trường THPT Sơn Tây được nhiều thế hệ học trò yêu mến cả về tài năng và đức độ.
Cô Quang bảo: “Tôi mới chuyển nhà về đây cho gần mẹ anh Định để tiện bề thăm hỏi và chăm sóc lúc mẹ ốm đau. Bà cụ năm nay đã 100 tuổi, lúc trái gió trở trời phải có người ở cạnh chăm sóc”.
Học cùng nhau cấp hai, Định hơn Quang một tuổi, hai người có cảm tình với nhau, nhưng không ai nói thành lời nhưng “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Mãi sau này, khi Định có quyết định đi B (tức vào chiến trường miền Nam chiến đấu), hai người mới hứa hẹn. “Chúng tôi yêu nhau ngày đó kín đáo, sâu sắc lắm, có yêu nhau cũng không nói thành lời mà chỉ dám nói là thích.
Ngay cả những lúc đi cùng nhau, hai người luôn giữ một khoảng cách nhất định. Định là con trai duy nhất trong nhà. Gia đình anh là Việt kiều Thái về nước, anh đã tình nguyện xung phong nhập ngũ để khẳng định lòng yêu nước. Ngày anh Định lên đường nhập ngũ, anh cầm tay tôi hẹn ngày chiến thắng sẽ trở về. Tôi nhìn anh âu yếm và nói “em sẽ đợi anh về”.
Anh bảo, cuộc chiến tranh không biết bao giờ kết thúc, nếu đợi chờ anh quá lâu em yêu ai, lấy ai anh không phản đối, đừng vì anh mà lỡ dở tình duyên, hạnh phúc nhỡ nhàng. Tôi nắm chặt tay anh, nước mắt cứ trào ra và hứa với anh, nhất định em sẽ đợi anh chiến thắng trở về”, cô Linh Quang giọng nghẹn ngào nhớ lại.
Nơi quê nhà, Quang vẫn giữ trọn lời hứa, từng ngày mong ngóng cuộc chiến tranh kết thúc, người yêu trở về, hai người sẽ tổ chức đám cưới, sống hạnh phúc bên nhau. Giữa năm 1971, khi Quang theo học ngành Văn trường đại học Sư phạm Thái Nguyên, người bạn ở quê báo tin, Định đã hy sinh, giấy báo tử đã gửi về gia đình, ngày hôm sau sẽ làm lễ truy điệu. Tin như sét đánh ngang tai, Quang nghỉ học mất một tuần vì suy sụp tinh thần, không ngờ lá thư gần đây của Định gửi về từ chiến trường Lào lại là lá thư cuối cùng, mọi hy vọng về một tương lai tốt đẹp đã khép lại.
Ngày đó với cô Linh Quang như mới xảy ra hôm qua. Nhớ người yêu cô không thể ngăn những giọt nước mắt cứ thế tuôn rơi, không giấu nổi cảm xúc. Cô bảo: “Ba tháng trước khi anh Định hy sinh, tôi đã có một giấc mơ, giấc mơ định mệnh, vào một đêm mưa gió có hai người mặc quân phục đi chiếc xe com-măng-ca đỗ trước cửa nhà, trên tay mang theo Giấy báo tử ghi tên anh liệt sĩ Đào Đức Định. Tôi giật mình tỉnh giấc, người ướt đẫm mồ hôi, bên ngoài trời mưa như trút nước. Tôi cũng không dám kể giấc mơ này với mẹ anh Định, sợ bà lo lắng, buồn phiền mà sinh bệnh. Điều không ngờ giấc mơ đó đã trở thành hiện thực, Định đã mãi mãi không trở về”.
Cô Quang (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh cùng gia đình liệt sỹ Định trong đám cưới con chị gái liệt sỹ.
Không lập gia đình và hơn 30 năm đi tìm mộ người yêu
Dù Định hy sinh ở tuổi đôi mươi, hai gia đình cũng chưa chính thức qua lại, nhưng với tình cảm sâu sắc, chị Quang một lòng chờ đợi và thường xuyên thăm hỏi bố mẹ Định. Đặc biệt, những ngày đầu gia đình Định nhận giấy báo tử, Quang tranh thủ mỗi lần được nghỉ về thăm hỏi động viên bố mẹ người yêu. Bù lại, chị Quang được bố mẹ Định, các chị em yêu quý, coi như dâu con trong nhà.
Đến khi tốt nghiệp, cô Linh Quang về giảng dạy gần nhà, cứ chiều đi làm về cô lại tranh thủ qua thăm hỏi, trò chuyện, mua đồng quà tấm bánh biếu mẹ. Cô Linh Quang chia sẻ: “Mẹ anh Định coi tôi như con gái trong nhà. Nhiều lần, bà khuyên tôi lấy chồng, con gái có thì, không thể chờ đợi mãi một người đã khuất. Hai mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc”.
Như bao người, cô Linh Quang khao khát một gia đình hạnh phúc. Trong sâu thẳm nỗi lòng, cô phải đấu tranh tư tưởng, có nên lấy chồng khi đã hứa với người yêu, hình bóng người yêu không bao giờ xóa nhòa trong tâm trí và lời hứa năm xưa “em sẽ đợi anh về” lại khiến cô không thể chấp nhận ai khác. Có nhiều người muốn cùng cô xây dựng gia đình, khi mọi chuyện êm xuôi thì cô lại nhãng ra và từ chối.
Hơn 40 năm, cô chung thủy với mối tình đầu đã hẹn ước dù nhân vật chính mãi mãi không trở về. Với cô, tình yêu đó không bao giờ phai nhạt, những kỷ niệm đẹp giữa hai người sẽ tiếp thêm sức lực để cô bước tiếp. Cô Quang tâm sự: “Bao nhiêu kỷ niệm những ngày bên anh lại ùa về. Những lá thư tay viết vội anh gửi cho tôi từ chiến trường. Tình cảm chúng tôi dành cho nhau thật mộc mạc, giản dị.
Ngoài những lá thư tay, tấm ảnh duy nhất kỷ vật của anh mà tôi tìm được trên báo Cựu chiến binh”. Đây chính là lý do từng ấy năm cô ở vậy một mình, dành chọn tình yêu với người yêu đã mất và hạnh phúc với công việc dạy Văn và làm thơ. Với cô, liệt sỹ Định là mối tình đầu và duy nhất của cuộc đời mình.
Sự kỳ diệu của tình yêu
Một lý do khiến cô Linh Quang không nghĩ nhiều cho bản thân mình, bởi hài cốt liệt sỹ Định còn nằm lại nơi đất khách quê người, chừng nào chưa đưa được người yêu về quê nhà thì cô không yên tâm. Khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, cô bắt đầu công việc thu thập thông tin, tích cóp tiền từ đồng lương ít ỏi của mình, hy vọng một ngày sẽ tìm được hài cốt người yêu.
Cô Quang bùi ngùi kể: “Thời gian đầu, tôi và gia đình anh đinh ninh rằng Định hy sinh ở Lào nhờ bức thư cuối từ Lào gửi về, nhưng mọi cố gắng chỉ trong vô vọng. Hơn 30 năm tìm kiếm cực nhọc và vất vả, cuối cùng tôi cũng biết anh Định hy sinh cuối chiến dịch Chen La II (Campuchia).
Tháng 5/2013, tôi và người bạn đã lên đường nhưng chưa có kết quả, đành phải chờ dịp khác sẽ đưa anh về. Tôi chỉ mong một ngày anh “trở về”, mẹ anh được phần nào an ủi. Tôi sẽ hàng ngày hương khói cho anh”.
Cô Linh Quang không chỉ là nhà giáo mà còn là nhà thơ. Mọi nỗi niềm sâu kín dường như được cô giãi bày trong những vẫn thơ chan chứa nỗi lòng. Đối với cô niềm vui lên lớp và làm thơ chính là bờ vai tin cậy nhất giúp cô sống và cống hiến. “Nghề giáo và làm thơ là niềm vui, niềm an ủi là chỗ dựa cho tôi vơi đi nỗi buồn thương nhớ người yêu”.