Trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước đầu thế kỷ X, Đỗ Cảnh Thạc là một vị tướng tài ba mưu lược, đã có cống hiến lớn lao trong kháng chiến chống quân xâm lược, nhất là trong chiến trận Bạch Đằng năm 938.
CỐNG HIẾN CỦA ĐỖ CẢNH THẠC TRONG
KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC
NAM HÁN ĐẦU THẾ KỶ X
PGS, TS. Lê Đình Sỹ(1)
Trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước đầu thế kỷ X, Đỗ Cảnh Thạc là một vị tướng tài ba mưu lược, đã có cống hiến lớn lao trong kháng chiến chống quân xâm lược, nhất là trong chiến trận Bạch Đằng năm 938.
Theo Thần phả Đỗ tướng công, Đỗ Cảnh Thạc sinh năm Nhâm Thìn (912), thân phụ là Đỗ Quảng Lăng, mẹ là Trần Thị Thọ, ở Đỗ Động Giang, ấp Động, nay thuộc Thanh Oai, Quảng Oai (Hà Nội). Lúc thiếu thời ông đã nổi tiếng thông minh, khôi ngô, khỏe mạnh. Năm 12 tuổi đã biết cưỡi ngựa, bắn cung, thường theo cha đi săn muông thú.
Thời bấy giờ, ở phương Bắc, Lưu Cung thay Lưu Ẩn cát cứ ở Quảng Châu, tự xưng là hoàng đế, đặt quốc hiệu là Hán, tức Nam Hán. Với việc lên ngôi hoàng đế và đặt quốc hiệu là Hán, Lưu Cung có ý thức coi nước Hán của mình (thế kỷ X) là kế tục nước Hán của Lưu Bang ngày trước, thay thế Đại Tần. Từ tư tưởng Đại Hán đó, Lưu Cung chủ trương tiến quân lên phía Tây chiếm đất Thục; tiến về Đông Bắc, ra tận biển; tiến xuống phía Nam xâm lược Giao Châu, Chiêm Thành và các nước lân cận.
Khi Đỗ Cảnh Thạc lớn lên (năm 913) cũng là lúc vua Nam Hán cử bọn Lý Khắc Chính dẫn quân sang đánh Giao Châu, bắt tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ, chiếm đóng thành Đại La và đánh nống ra các vùng xung quanh để tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Năm 16 tuổi, Đỗ Cảnh Thạc đã có chí lớn, thấy quân Nam Hán ngông nghênh đánh đập dân chúng, cướp bóc lợn gà...thì máu nóng trong ông sôi sùng sục, mắt trợn đỏ ngầu, những muốn moi gan móc mật kẻ thù. Một hôm, quân giặc đến quê ông cướp lợn, ông xông ra giằng lại lợn, bị chúng đánh đập, cáu tiết ông giằng lấy chiếc đòn khiêng lợn, đánh túi bụi. Nhưng vì thế cô, giặc bắt trói ông treo lên cây và xẻo mất một tai. Sau việc đó, ông càng căm thù, quyết chí tìm thầy học võ. Sau ba năm theo học Trường Đường tiên sinh, ông đã trở thành một tráng sĩ võ nghệ siêu quần. Nhưng khi ông vừa trở về ấp Động thì chứng kiến cảnh thật đau lòng. Bọn giặc dày xéo quê hương, nhà ông bị đốt cháy, cha mẹ bị giết. Nén đau thương, nửa đêm ông bí mật vào trại giặc dò xét. Ngày hôm sau chuẩn bị cỏ khô, rồi đến nửa đêm, ông cõng cỏ vào trại, đốt kho lương thảo, kho vũ khí và trại ngựa giặc. Nhân khi quân giặc đang hỗn loạn vì lửa cháy dữ dội, ông xông ra vung kiếm giết được vô số giặc.
Sau sự kiện này, Đỗ Cảnh Thạc tìm đường vào Ái Châu yết kiến Dương Đình Nghệ, vì biết lúc đó Dương Đình Nghệ đã có một thế lực rất mạnh. Tuy nhiên, tính cách ông không hợp với Dương Đình Nghệ. Được gặp Ngô Quyền ở Ái Châu, ông khâm phục tài đức của Ngô Quyền và đã nghe theo lời khuyên của Ngô Quyền, quay trở về ấp Động chuẩn bị lực lượng, chờ thời. Tại quê hương, ông chiêu mộ trai tráng trong vùng, ngày đêm rèn luyện đao cung, võ nghệ và khi thế lực đã mạnh, ông dẫn quân về đóng ở ấp Quèn, lợi dụng địa thế hiểm yếu, xây thành đắp lũy.
Được tin này, quân Nam Hán lại kéo đến vây đánh, nhưng ông đã bố trí quân cung nỏ mai phục, quân Hán bị giết và bị thương nhiều, buộc phải rút lui. Từ thành Quèn, Đỗ Cảnh Thạc đã tổ chức nhiều trận đánh vào trại giặc, khiến quân Hán phải chịu nhiều tổn thất. Có lần, ông sử dụng ba cánh quân đánh đồn giặc ở gần Đỗ Động, giết chết chủ tướng Trương Hoạch, đồn giặc bị san phẳng chỉ trong nửa buổi chiều. Quân ông đại thắng, thu nhiều chiến lợi phẩm. Sau mỗi trận thắng, ông thường tổ chức khao quân, nhân dân phấn khởi mở hội ăn mừng. Thần phả Đỗ tướng công nói rằng, ông đã từng cùng với Ngô Quyền đánh đồn Bạch Hạc, giành đại thắng, giết chết chủ tướng giặc là Lương Ngột.
Năm 931, Dương Đình Nghệ từ Ái Châu tiến ra Bắc tiêu diệt quân Nam Hán, giải phóng thành Đại La. Bọn tướng Hán là Lý Khắc Chính và Trình Bảo phải đền mạng, Lý Tiến trốn chạy về nước. Đất nước sạch bóng quân thù. Dương Đình Nghệ chia các tướng coi giữ những vùng trọng yếu. Con rể là Ngô Quyền trấn giữ miền Ái Châu, Ngô Mân đóng ở Đường Lâm, Đinh Công Trứ giữ Hoa Lư, Phạm Chiêm đóng ở Nam Sách (Hải Dương). Lúc đó, Đỗ Cảnh Thạc vẫn coi giữ đất Đỗ Động... Tại Đỗ Đông, Đỗ Cảnh Thạc khuyến khích nông ngư, tổ chức cho dân làm ăn, buôn bán, giáo dục lễ nghĩa, khiến nhân dân trong vùng đều mến mộ. Ông tiếp tục, đóng chiến thuyền, tích trữ lương thực, chiêu mộ quân sĩ. Chẳng bao lâu, ông đã có một đội quân tinh nhuệ, an ninh trong vùng được giữ vững.
Đất nước đang ổn định thì ở Đại La có biến. Kiều Công Tiễn giết hại Dương Đình Nghệ, tiếm quyền.
Được tin đó, tại Ái Châu, Ngô Quyền ra sức chuẩn bị lực lượng. Nhiều anh hùng hào kiệt khắp nơi về tụ họp. Đỗ Cảnh Thạc cũng đem quân đến với Ngô Quyền. Lực lượng của Ngô Quyền vì thế lớn mạnh nhanh chóng.
Cuối tháng 10 năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền kéo quân từ Ái Châu ra Đại La đánh Kiều Công Tiễn. Đỗ Cảnh Thạc tham dự trong cánh quân tiên phong. Kiều Công Tiễn sai người sang cầu cứu vua Nam Hán; vua Nam Hán là Lưu Cung nắm ngay cơ hội, điều động binh mã. Khi Kiều Công Tiễn bị tiêu diệt thì quân Nam Hán do thái tử Hoằng Thao chỉ huy cũng đã tiến vào nước ta.
Theo Thần phả Đỗ tướng công thì Đỗ Cảnh Thạc đã bàn với Ngô Quyền dùng cọc nhọn đóng ở lòng sông Bạch Đằng và lấy cỏ khô chất đầy 50 thuyền lớn, vẩy thêm dầu mỡ, dấu sẵn ở vùng thượng lưu cách bãi cọc chừng vài dặm để đánh hỏa công. Sau khi lợi dụng nước triều lên, cho quân ra khiêu chiến, nhữ quân thù vào trận địa mai phục, để phóng lửa đốt thuyền giặc.
Trận địa cọc ở cửa sông Bạch Đằng có vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ thế trận của Ngô Quyền. Nó sẽ giúp cho Ngô Quyền "dễ chế ngự" đoàn thuyền của Hoằng Thao. Song trận địa cọc sẽ mất tác dụng nếu đoàn thuyền chiến giặc không bị đánh bại ở phía trước hàng cọc. Vì vậy, đồng thời với việc xây dựng trận địa cọc ngầm, Ngô Quyền đã tập trung sức bố trí một trận địa mai phục quy mô lớn phía sau hàng cọc ở gần vùng hạ lưu và cửa sông Bạch Đằng.
Theo thần tích Ngô Quyền ở Gia Viên và thần tich Ngô Xương Ngập ở Quang Đàm, Ngô Quyền đã giao nhiệm quan trọng vụ này cho các tướng tài và thân tín của mình là Ngô Xương Ngập, Dương Tam Kha và Đỗ Cảnh Thạc(2). Lực lượng do Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy lúc đó bao gồm cả thủy binh và bộ binh, cả quân đội chủ lực và dân binh địa phương. Đỗ Cảnh Thạc bố trí quân chủ lực mai phục ở bên hữu ngạn sông Bạch Đằng. Cánh quân này sẽ chiến đấu trong sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng dân binh địa phương. Theo tài liệu địa phương, những đội dân binh của ba anh em Lý Minh, Lý Bảo và Lý Khả (ở xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên) đã tham gia chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đỗ Cảnh Thạc.
Lực lương thủy quân của Đỗ Cảnh Thạc chủ yếu sử dụng các loại thuyền nhẹ mai phục trong rừng sú vẹt, cơ động trong khu vực đầm lầy, kênh lạch, lợi dụng các cồn đá, bãi bồi. Nhiệm vụ chủ yếu của cánh quân này là phối hợp với cánh quân chủ lực do Dương Tam Kha chỉ huy đóng ở bên tả ngạn, để từ hai phía tiến công chặn đứng và đánh tan đoàn thuyền chiến của giặc khi chúng sa vào trận địa mai phục ở hạ lưu sông Bạch Đằng. Đây là mắt xích quan trọng nhất trong toàn bộ thế trận của Ngô Quyền.
Ngoài nhiệm vụ trên, cánh quân của Đỗ Cảnh Thạc còn có nhiệm vụ lợi dụng địa hình sẵn sàng phối hợp với các cánh quân khác ngăn chặn đoàn thuyền chiến của Hoằng Thao nếu chúng tiến từ cửa Nam Triệu vào sông Cấm.
Cuối tháng 12 năm 938, đoàn binh thuyền Nam Hán do Hoằng Thao chỉ huy từ Quảng Tây (Trung Quốc) vượt biên giới tiến vào cửa sông Bạch Đằng. Ngô Quyền đã khéo léo cho quân đánh nhữ, dụ đoàn thuyền giặc vào trận địa cọc ngầm. Khi nước thủy triều đã xuống mạnh thì đoàn thuyền khiêu chiến bất ngờ đánh quật lại. Các đạo quân chủ lực của Dương Tam Kha và Đỗ Cảnh Thạc từ hai bên tả hữu cũng xông ra, đánh chặn đầu và đánh tạt vào sườn đội hình thuyền chiến của giặc. Đạo quân của Đỗ Cảnh Thạc nhất tề xông lên, chiến đấu vô cùng anh dũng. Những đội thuyền nhẹ của dân binh địa phương dưới sự chỉ huy của Đỗ Cảnh Thạc cũng theo các kênh rạch lao ra tiến công chia cắt đội hình địch. Đạo quân Ngô Xương Ngập cũng từ thượng nguồn tiến xuống. Toàn bộ binh thuyền giặc nằm gọn trong vòng vây của quân ta. Chúng bị đánh chặn quyết liệt phía trước, bị liên tiếp tiến công từ hai bên sườn, giữa lúc nước triều rút mạnh đoàn thuyền địch càng bị đẩy lùi trở lại. Bỗng nhiên bãi cọc nhô lên, đoàn thuyền của Hằng Thao bị chặn lại, nghẽn tắc trước hàng cọc.
Thần tích Ngô Quyền ở Gia Viên và truyền thuyết dân gian vùng An Hải (Hải Phòng) cho biết, sau khi Đỗ Cảnh Thạc, Dương Tam Kha và Ngô Xương Ngập đánh lui đoàn thuyền chiến của địch, dồn chúng về phía trước hàng cọc, Ngô Quyền đã dẫn quân tiếp ứng và đại phá chúng ở trận quyết chiến này. Các cánh quân thủy bộ của ta phối hợp chặt chẽ với nhau, cùng dân binh, tiến công tiêu diệt các thuyền địch khi chúng đã bị dồn vào bãi cọc. Đúng lúc đó, đoàn thuyền chứa cỏ khô do Đỗ Cảnh Thạc chuẩn bị được lệnh nổi lửa thả xuôi dòng nước lao thẳng vào các binh thuyền giặc đang hỗn loạn. Phần lớn thuyền của Hoằng Thao bị cọc đâm thủng, bị đốt cháy hoặc va vào nhau chìm đắm nghiêng ngã. Quân Nam Hán rối loạn, không còn sức chiến đấu, bị tiêu diệt và bị bắt; chủ tướng Hoằng Thao bị giết tại trận.
Cuộc kháng chiến chống Nam Hán xâm lược của quân và dân ta do Ngô Quyền lãnh đạo kết thúc thắng lợi. Đỗ Cảnh Thạc là một vị tương tài giỏi, có công lớn trong chiến trận Bạch Đằng.
Sau chiến thắng quân Nam Hán, Ngô Quyền xưng vương, chia đặt các quan. Đỗ Cảnh Thạc là một tướng trí dũng, được trao chức Thái úy đứng đầu quan võ. Đất nước ta bước vào thời kỳ độc lập tự chủ và phát triển. Đỗ Cảnh Thạc tham gia xây dựng triều chính, tổ chức quân đội. Ông mở các trường luyện võ, đào tạo võ quan, đặt đồn trấn thủ ở những nơi hiểm yếu để đề phòng giặc dã.
Sau khi Ngô Quyền mất, Đỗ Cảnh Thạc làm quan dưới triều Dương Tam Kha; tiếp tục phò tá Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập. Cuối đời ông trở về Đỗ Động, trở thành một "sứ quân" có thế lực rất mạnh trong "Thập nhị sứ quân". Ông mất trong một trận chiến đấu với đạo quân của Đinh Bộ Lĩnh (năm ...). Tuy trải qua nhiều biến cố, nhưng Đỗ Cảnh Thạc luôn một lòng với nhà Ngô. Đỗ cảnh Thạc là một danh nhân quân sự, có nhiều cống hiến trong kháng chiến chống ngại xâm. Ông cũng là một một người trung hiếu, cống hiến cả cuộc đời cho dân cho nước.
|