Trong chuyến công tác về miền Tây, chúng tôi bị lay động bởi một lời truyền của bà con rằng: “Ở đây có ông tiên trăm tuổi sống ẩn dật trên am thất bắc qua một ngọn núi, ông sống bằng hơi sương và hành nghề bốc thuốc cứu độ chúng sanh”.
Quá tò mò về lời truyền hư danh trên, chúng tôi hào hứng băng rừng vượt đảo đi tìm “ông tiên” có tuổi thọ gần một thế kỷ.
Đi tìm “ông tiên” trong chuông Am
Quả đúng như lời sấm truyền của bà con dân đảo, chúng tôi không mấy khó khăn để tiếp cận nơi tu luyện của vị cao nhân này. Đó là một cái am thất xây theo kiểu chùa, ở dưới là phòng thuốc chữa bệnh cho bà con hoàn toàn miễn phí. Trên am có một cái chuông lớn nằm kẹp giữa ba hòn đá nhẵn bóng gối đầu vào sườn núi. Người ta gọi là Am ông Mười hay ông Mười chuông Am ngự trên núi Chùa (thuộc thị trấn Đông Dương, Phú Quốc ngày nay). Vị lương y huyền bí ấy sau 50 năm tu hành ẩn dật tại Am, xây dựng phòng thuốc, thu nhận đệ tử truyền dạy phương thuốc bí truyền, thì ông đã xách tay nải ra đi. Ông đi về huyện Tân Uyên (Bình Dương), mảnh đất chôn nhau cắt rốn và có mồ mả ông bà tổ tiên ở đó. Vì những bí ẩn về ông Mười chưa được thông giải và vì cuộc đời tu sĩ vô cùng thâm sâu của vị lương y này mà chúng tôi ngược dòng từ Phú Quốc quay về Bình Dương tìm gặp cho bằng được ông Mười chuông Am.
“Vương quốc” của ông Mười tọa lạc tại xã Khánh Bình (Tân Uyên - Bình Dương), nằm khuất sau đình thần Khánh Vân, khuất xa tiếng ồn ào của đường lộ, lọt trong một rừng thảo dược quý giá, bên cạnh những đồng lúa thênh thang cánh cò. Ông Mười để tóc buộc túm, râu dài lấm tấm sợi trắng sợi đen, khuôn mặt ông đỏ hồng tôn thêm đôi mắt sáng tinh tường.
Tác phong ấy của ông chả trách khiến người ta liên tưởng đến những ông tiên bà bụt trong các câu chuyện cổ tích ngày xưa. Mỹ từ “tiên ông” cũng từ đó mà ra. Ở tuổi 92, tôi thật sự bất ngờ bởi khả năng tinh thông của ông Mười. Ông ăn nói rành rọt, khúc chiết và dường như cuộc đời của ông chưa từng quên một “lỗi” nào dù là nhỏ nhất. Ông Mười vốn là hậu duệ đời thứ ba trong gia tộc có truyền thống nghề y.
Năm mười tám hai mươi, ông Mười đã học được gần như là trọn vẹn bí quyết gia truyền về thuốc nam từ người cha. Cha ông chưa muốn cho con dấn thân vào nghiệp “hạnh khổ” sớm, khuyên ông lấy vợ, khi nào ổn định đường con cái thì sẽ theo nghề y. Nhưng Mười cãi lời cha, ông vô tư nói rằng: “Con không lấy vợ, con sẽ học nghề bốc thuốc của cha và sau này đi tu”. Cha buồn lắm, vì đứa con sớm giác ngộ đạo nghĩa nên ông lẳng lặng không nói gì”.
“Giặc đến nhà, lương y cầm súng”
Kháng chiến chống Pháp nổ ra, ông Mười gác lại ước mơ nghề thuốc để tham gia bộ đội. Những ngày tháng phải ăn rừng ngủ bụi, đồng đội mắc bệnh, ông Mười trổ tài nghề y. Trong rừng khi ấy cây thảo dược nhiều vô kể, nhờ bàn tay bốc thuốc của ông Mười mà nhiều chiến sĩ thoát khỏi tay thần chết. Đến thời chống Mỹ, ông Mười đã đặt chân lên Phú Quốc (Kiên Giang), ông vẫn phải cầm chắc tay súng đánh đuổi giặc thù.
Những ngày hành quân đi qua khu rừng ở Phú Quốc, ông Mười phát hiện rất nhiều loại thảo dược quý hiếm. Ông mừng phát khóc và thầm nghĩ về một phòng thuốc ngay tại cánh rừng. Rồi ông cũng mở được một phòng mạch dưới chân ngọn núi, bọn thám báo, tay sai chế độ ngụy quyền Sài Gòn theo dõi nhất cử nhất động phòng thuốc.
Chúng dùng đủ mọi cách để ngăn chặn hoạt động tại phòng thuốc của ông Mười, một buổi trưa vắng vẻ, chúng ập vào bắt quả tang ông Mười đang nghe tin tức về quân giải phóng từ chiếc radio. Về trụ sở làm việc chúng định tống ông vào nhà lao nhưng may mắn lại gặp được viên thiếu tá của quân cảnh Phú Quốc đã nhận ra ông chính là ân nhân chữa bệnh vô sinh cho vợ chồng hắn. Hắn sốt sắng làm thủ tục “giải quyết” trắng án cho ông.
Tuy được tha bổng nhưng ông Mười vẫn rất cảnh giác, bọn địch chắc chắn sẽ không để yên. Ông Mười lặng lẽ ra đảo Thổ Châu một mình. Tại đây, ông Mười tiếp tục hành nghề y. Cuộc sống bình yên chưa được bao lâu thì gặp bọn Ponpot tràn sang các đảo phía Tây Nam thuộc Kiên Giang tìm diệt trong đó có hòn Thổ Châu. Chúng gom dân dồn hết lên thuyền đưa vào đất Campuchia thực hiện chiến dịch “diệt chủng”.
Hằng ngày, ông Mười vẫn chăm bẵm vườn thảo dược gần một hec ta.
Ông Mười là người duy nhất được chúng giữ lại vì mọi người đồng loạt chỉ ông là lương y, lâu nay chỉ biết chữa bệnh cứu người. Là nhân chứng sống sót trên đảo, ông Mười đã bí mật vẽ bản đồ đóng quân của bọn Ponpot rồi gửi dân chài mang vào đất liền. Nắm được tấm bản đồ, bộ đội ta đã mở cuộc tấn công đột kích tận sào huyệt, làm tan rã kế hoạch xâm lược của Ponpot.
Con đường hành đạo của ông Mười chính thức khai thông là khi bọn Ponpot bị đẩy lùi. Trên mỗi nẻo đường của phương Nam, từ rừng sâu núi thẳm hay hải đảo xa xôi đều in dấu chân của thầy thuốc Mười Am. Ông xây Am thất, để dừng chân tu hành. Ý nguyện ở ẩn tu hành của ông đã nhen nhóm từ lâu mà vướng bận “trần gian ai oán” nên đành lỗi hẹn.
Khi đã hoàn thành sứ mệnh, ông chọn một cánh rừng thâm u, một ngọn đồi thanh thoáng nơi có thể đón gió biển, hớp sương rừng và ở ẩn nghiên cứu sự thần diệu của thuốc rừng. Tuổi đời ngày một cao, ông vẫn cứ mê mẩn với những bài thuốc cứu người, một vài người phụ nữ mở lòng ra với ông nhưng đành ngậm ngùi lui bước bởi ông chưa bao giờ nghĩ tới chuyện chồng vợ.
90 chưa phải là già
Khu vườn hiện ông Mười đang ở rộng gần một hécta, là phần đất mà cha ông đã để lại. Vỏn vẹn mới ba năm ngày trở về, nhưng tiếng tăm của ông Mười đã lan tỏa khắp nơi. Hỏi sao ông lại bỏ Am thất ở Phú Quốc để về Bình Dương sống, ông Mười ngậm ngùi, đau đáu mà rằng: “Hơn 90 tuổi rồi, về để gửi nắm xương ở mảnh đất của tổ tiên ông bà chứ tôi nào muốn rời Phú Quốc. Hơn 50 năm tôi đã gắn bó, gửi trọn tâm huyết ở đó, tôi tu đắc đạo cũng ở đó, biết bao nhiêu nỗi nhớ không thể nào quên. Phải chấp nhận sự luân thường của kiếp người thôi”.
Từ khu vườn trồng trái cây, ông Mười đã phá bỏ hết để thay bằng cây thảo dược quý. Nhà cao tầng, khu công nghiệp, chợ búa, trường trạm mọc lên san sát thì việc tìm dược liệu quả thật là vấn đề nan giải, gay go.
Ông Mười chống gậy mò mẫm vào tận những khu rừng xa xôi, hiểm nguy như Cát Tiên, Tân Phú (Đồng Nai) để hái thuốc. May thay trong rừng Tân Phú vẫn còn một số cây thuốc quý hiếm, ông thỏa thê hái chất đầy lên xe mang về. Với bí quyết gia truyền cộng thêm nghiên cứu pha chế thảo dược hơn 50 năm, ông Mười có thể chữa được các bệnh như vảy nến, chàm, viêm xoang, gan, thận…
Chế thuốc, phát miễn phí cho bệnh nhân hết ông lại tay nải lên rừng. Ông leo rừng thoăn thoắt, lội suối ào ào. Tay ông chặt cây “ngọt lịm”, đệ tử theo ông chỉ việc gom cây thuốc vào bao mang về nhà. Mỗi lần đi hái thuốc như vậy phải mất hai ba ngày ăn rừng ngủ bụi, vất vả, gian lao mà thú vị vô cùng. Ngồi đong đưa trên cánh võng, ông Mười cứ sốt sắng muốn vào rừng lắm. Ông bàn với đệ tử muốn vào dựng lều ở hẳn trong rừng để bào chế và nghiên cứu thảo dược nhưng tất cả đều ngăn cản không cho ông đi. Quỹ thời gian của ông không còn nhiều nữa, sống đến tuổi ngoài 90 đã là một kỷ lục về trường thọ rồi. Nhưng, tôi và bất cứ ai được gặp ông, được tiếp xúc với ông đều ngỡ ngàng một điều, sức lao động của ông vẫn vô cùng dồi dào. Ngày ông ăn chén cơm chay rồi lao ra vườn làm thuốc, đêm ông ngủ say như một đứa trẻ no sữa.
Không vướng bận gia đình, không gieo oán nợ ân, ông cứ sống hồn nhiên, thanh thoát như vậy. Không vợ con, không người thân thích, đôi khi ông buồn, cô đơn vì điều đó nhưng điều làm ông trăn trở nhất vẫn là hậu duệ kế thừa phương thuốc gia truyền của tổ tiên. Ông Mười trầm ngầm nhìn tôi thật lâu, rồi ông buột miệng bảo: “Cháu có muốn học nghề y không, hay ở lại đây ông dạy cho”. Tôi quá bối rối trước thỉnh nguyện của ông Mười, tôi không có căn để theo nghề y và cũng chẳng đam mê việc bốc thuốc cứu người. Tôi không dám trả lời thật lòng với ông nhưng tôi hứa sẽ tìm cho ông một đệ tử yêu nghề, muốn được học nghề thuốc.
Cụ ông ngồi trên cánh võng, chân khẽ đu đưa theo nhịp bài thơ “Non sông Việt Nam” mà cụ vừa ngẫu hứng ứng tác trên giấy. Cụ đưa cho tôi xem, và bảo bài thơ này cụ sẽ tạc vào phiến đá trên cánh rừng Tân Phú (Đồng Nai), như một biểu tượng cho lòng son dạ sắt của một lương y cả đời hành đạo cứu người.