Đến tháng 2 năm Bính Thân (1656), quân Đàng Trong do Nguyễn Hữu Tiến làm Tiết chế, Nguyễn Hữu Dật làm Đốc chiến, đã ồ ạt tiến đánh tới tận Nghệ An, giành được nhiều thắng lợi rất quan trọng. Tin ấy báo về, khiến chúa Nguyễn Phúc Tần mừng vui phấn chấn. Tháng 6 năm 1656, Nguyễn Phúc Tần thân đem đại binh ra châu Bắc Bố Chính để tiếp ứng và cũng tại đây, chúa Nguyễn Phúc Tần đã nhận được lời tâu chí tình và sâu sắc của quan Đốc chiến là Nguyễn Hữu Dật. Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 4) cho biết:
"Nguyễn Hữu Dật đến hành tại để yết kiến. Chúa hỏi về việc binh, Hữu Dật liền đem hết mọi tình trạng ra tâu bày. Nhân đó, Hữu Dật tâu rằng:
- Dụng binh đã hai năm nay mà chỉ mới lấy được bảy huyện của Nghệ An. Thắng đã khó mà chi phí cũng rất nhiều. Nay, thế chưa thể cho phép nhân đó mà đánh tiếp được, vậy, xin đắp lũy ở phía nam sông Lam để giữ đất chờ thời. Vả chăng, việc dụng binh trước hết phải nhờ đến tướng. Nay, những người cầm quân phần nhiều là bậc thân cận (của Chúa), có người không giữ người cầm quân phần nhiều là bậc thân cận (của Chúa), có người không giữ kỉ luật, đi đứng không phải phép, có người dung túng cho quân sĩ cướp bóc để mất lòng dân... như thế là không hợp với đạo toàn thắng. Xưa, Hàn Tín, Bành Việt và Anh Bố (cả ba đều là danh tướng của nhà Hán, Trung Quốc) là tướng trí dũng, (một lòng) giúp nhà Hán làm nên cơ nghiệp, mà họ nào có ai là người đất Phong, đất Bái (đất quê hương của Hán Cao Tổ) đâu? Thần dám kính xin Chúa, nên cẩn thận chọn kĩ các tướng có tài phương lược để giao việc cầm quân, bất kể đó là thân hay sơ, còn những người dù là họ hàng cố cựu mà không hiểu việc binh thì chỉ nên hậu đãi bổng lộc suốt đời chứ không thể để họ giữ binh quyền. Được như vậy, việc sai dùng người đều xứng tài của họ, đánh đâu thắng đó.
Chúa cho là phải, thưởng cho (Nguyễn Hữu Dật) vàng bạc và thanh bảo kiếm rồi sai đến quân thứ”.
Lời bàn:
Đánh giá của Nguyễn Hữu Dật về cuộc tiến quân ra Bắc lúc ấy quả là rất sâu sắc, nếu không phải là người cương trực và khách quan, quyết không nói nổi. Nhưng, đáng suy gẫm hơn cả vẫn là ý kiến về phép chọn tướng của ông.
Chọn người làm quan mà chỉ căn cứ vào mức độ gần gũi họ hàng thì công đường rốt cuộc cũng chỉ là một gia đình đặc biệt. Vả chăng, một khi mức độ thân sơ họ hàng được coi là chuẩn, thì mọi chuẩn mực khác như tài năng, đức độ... đều bị coi thường, thậm chí là bị bỏ rơi. Mà ở đời, có gì đáng sợ hơn, khi mà tài năng và đức độ bị rẻ rúng? Chúa nghe, vừa khen vừa thưởng cho Nguyễn Hữu Dật, tiếc là không thấy sử chép việc Chúa đã làm gì với đám tướng lĩnh vốn là họ hàng thân cận của Chúa nhưng lại... bất tài. Trong cơ thể người ta, hình như cái tai là cơ quan mất cân đối nhất: lỗ tai thì nhỏ mà vành tai thì to, lại gồm đến mấy vòng. Chỉ trừ tai điếc, còn thì mọi âm thanh hay dở đều có thể vào dược. Cho nên, nghe lời hay nào có khó gì? Cái khổ muôn đời vẫn là làm theo lời hay kia. Mà, việc này lại không thuộc chức phận của tai.
Xin chớ trách Nguyễn Hữu Dật khi thấy ông đề nghị hậu đãi bổng lộc suốt đời cho họ hàng nhà Chúa. Vào thời một người làm quan, cả họ được nhờ, chuyện... ăn theo như thế có gì là lạ. Vả lại, nếu như không nói kèm câu đó, liệu cái đầu của Nguyễn Hữu Dật có còn được nữa hay không? Có những điều người ta nói ra không phải vì người ta thực lòng muốn vậy, ngẫm mà xem!
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)