Có một câu nói rất hay: "Tay phải làm từ thiện đừng để tay trái biết”. Hiểu được ý nghĩa của câu nói đó.
Bà Phương chuẩn bị bữa cơm từ thiện
Tôi muốn có vài dòng nói về việc làm của bà Nguyễn Thị Phương - người có trái tim nhân hậu đã nhiều năm tổ chức bếp ăn từ thiện và giúp đỡ những người cai nghiện ma túy, như món quà mừng bà 70 tuổi.
Cách đây 16 năm- năm 1997, bà Phương, Trưởng ban Mặt trận và Phó ban điều hành khu phố cùng MTTQ và Hội Phụ nữ phường 10, quận 3 (TP. Hồ Chí Minh) thành lập bếp ăn từ thiện. Đó là bữa ăn cho những người già neo đơn, trẻ em tàn tật, sinh viên nghèo… Lúc đầu, bếp chỉ phục vụ bữa ăn trưa cho khoảng 50 người. Đến năm 2010, lên đến 150 người, tại số 44, đường Rạch Bùng Binh, phường 10, quận 3. Cứ 11 giờ trưa là các thực khách quen thuộc đến nhận phần cơm, trong đó có nhiều sinh viên nghèo. Họ cho biết: "Cứ tan giờ học buổi trưa, chúng cháu chở nhau bằng xe đạp đến bếp ăn mẹ Phương là có được một bữa cơm no. Bà là người mẹ thứ hai của chúng cháu”. Bà Huỳnh Thị Sanh, hơn 80 tuổi là một trong những khách hàng thân thiết của bếp ăn hơn 10 năm nay chia sẻ: "Nếu không có bếp ăn từ thiện này, chẳng biết đời tôi sẽ trôi về đâu!”.
Tháng 3-2013, bà Nguyễn Thị Phương cùng Hội Cựu chiến binh phường 10, quận 3 tiếp tục tổ chức ba bếp ăn từ thiện ở Trung tâm y tế ba huyện thuộc tỉnh Bình Định. Đó là huyện Vĩnh Thanh - 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, có 47% dân tộc thiểu số. Bếp thứ hai ở Trung tâm y tế huyện An Lão, bếp thứ ba ở Trung tâm y tế huyện Hoài An.
Kinh phí để bà Phương mua lương thực, thực phẩm và than củi là do các mạnh thường quân ủng hộ. Nhưng cái chính là do Chi hội từ thiện Huỳnh Mai, thành viên của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố hỗ trợ. Tôi hiểu, bà Nguyễn Thị Phương là "linh hồn” của việc làm này. Nếu không chịu khó đội chiếc nón lá, len lỏi đi hết đường ngang ngõ tắt trong các con hẻm ở phường và nhiều nơi xa xôi khác và phải giữ mối quan hệ thân thiết với các nhà hảo tâm thì không thể duy trì được những bếp ăn từ thiện đầy tình thương như thế. Bà Phương cùng các đoàn thể trong phường còn vận động những nhà hảo tâm xây dựng được hơn 20 căn nhà tình thương cho người nghèo tại TP. HCM và một số tỉnh, thành khác.
Bà Nguyễn Thị Phương còn có biệt danh là "Bà Phương xì ke”, vì một thời bà từng giúp 109 thanh thiếu niên trên địa bàn dân cư đi cai nghiện ma túy. Khởi đầu công việc bà gặp vô vàn khó khăn, từ việc thuyết phục gia đình hợp tác đưa con em đi cai nghiện, tới việc lo thủ tục, kinh phí và thuốc men. Những trường hợp cai nghiện tại nhà, bà Phương phải đến hàng ngày, tận tay đưa thuốc cắt cơn cho con nghiện uống. Biết là rất nguy hiểm nhưng bà nghĩ không niềm vui nào lớn hơn khi thấy họ trở lại với cuộc sống bình thường.
Hơn 100 người nghiện ma túy được bà Phương giúp cai nghiện thành công được coi như một kỳ tích, nhưng với bà đó là việc làm cứu giúp người, không phải là công trạng gì. Bà tâm sự: "Tôi mừng lắm, bởi hầu hết những người tôi giúp cai nghiện thành công, giờ đã có cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Có người trở thành ca sĩ, người làm nghề kinh doanh, người là bộ đội chuyên nghiệp… Còn nhiều, nhiều nữa! Đó chính là những món quà vô giá mà cuộc đời đã ban tặng cho tôi”.