Vợ chồng anh Chánh- chị Sum.
Buổi chiều định mệnh
Chuyện bắt đầu vào 4/1990, lúc đó anh Chánh (sinh 1964) đang làm nhiệm vụ tại Campuchia, được đơn vị cho về phép thăm gia đình. Khi về, anh có mang theo một khẩu súng ngắn K54. Sau khi ăn xong bữa cơm đoàn tụ, anh mới lấy súng ra kiểm tra lau chùi để chiều tối còn phải trở về đơn vị. Lúc đó khoảng 15h chiều, vợ anh là Trần Thị Sum (sinh 1966) đang ngồi gần, chị còn giục anh lắp súng lại nhanh để còn chẻ mít ăn tráng miệng. Đứa con đầu tiên của vợ chồng anh mới được 3 tháng tuổi bất chợt khóc to… Súng cướp cò, chị nằm trên vũng máu. Viên đạn đi xuyên qua phần mềm từ hông trái xuống bụng dưới rồi trổ luôn qua đùi cắm xuống đất. Viên đạn quái ác không cướp đi tính mạng của chị nhưng đã để lại một hậu quả rất thương tâm cho cả gia đình trong suốt 23 năm trường khổ. Vết thương đã liền da, nhưng do ảnh hưởng đến dây thần kinh nên nỗi đau vẫn còn đó. Đằng sau tiếng kêu rên thảm thiết hàng ngày của chị, là một sự ăn năn đến cùng cực của một người chồng.
Sau cái ngày “cô hồn” ấy là cả một quãng đường dài nặng gánh cho một sĩ quan trẻ. Con thì còn quá nhỏ, vợ thì bị thương tật, mất sức lao động vĩnh viễn đến 60%. Bao nhiêu áp lực cơm, áo, gạo, tiền chỉ một mình anh gánh vác. Vừa làm nhiệm vụ của một cán bộ Nhà nước, vừa phải chăm sóc gia đình. Vết thương của chị Sum sau 8 năm vẫn hành hạ chị ngày một nặng hơn. Năm 1998, anh xin được phục viên để tiện bề lo liệu cho gia đình. Tiền lương của anh không đủ mua thuốc cho vợ và nuôi con. Anh phải làm thêm đủ thứ nghề, từ lặt đậu mướn, cạo mủ cao su, câu cá, nhũi tép… để có thêm thu nhập lo cho gia cảnh ngặt nghèo. Nhìn những con tép đang tung tăng bơi nhảy dưới nước, anh không giấu được nỗi buồn: Anh rất yêu Sum, ngày xưa Sum rất đẹp, người luôn năng động và làm việc gì cũng nhanh như tép, còn bây giờ thì..! Anh chịu cực đến đâu cũng được, nhưng nhìn vợ bị tàn tật mà lòng anh đau quá. Thấy anh buồn, tôi cố ý hỏi xen ngang câu chuyện, anh có dự định hay ước mơ gì không? Có chứ, dự định là làm đến sức có thể để đủ tiền đi phẫu thuật cho Sum, còn mơ ước lớn nhất của vợ chồng anh là có được một giấc ngủ yên.
23 năm không ngủ
Trời về khuya càng lạnh, khoảng 2h đêm bỗng có tiếng la to: Trời ơi, em đau quá anh ơi, em chịu hết nổi rồi, cứu em với. Hàng xóm cứ tưởng hai vợ chồng gây nhau, nên nửa đêm phải bật dậy chạy sang can ngăn. Sự thật không phải vậy, mà là chị Sum khi trời lạnh lại bị lên cơn co giật trong đau đớn. Nhất là mùa gió bấc, trong khi mọi người đang say ngủ, thì chị Sum phải nhảy cò cò, lăn lộn ngoài sân, đấm thình thịch vào chỗ đau, miễn làm sao cho nóng từ trong người nóng ra thì mới mong giảm bớt sự hành xác. Chị Nguyễn Thị Xuân Đào, một người hàng xóm cho biết, mới đầu cũng không ngủ được, nhưng vì thấy thương gia cảnh người ta bị nạn, hơn nữa chú Chánh cũng là người đường hoàng, biết thương vợ con nên hàng xóm ai cũng thông cảm, lâu dần rồi quen. Đó là người hàng xóm, còn người ở chung nhà, ngủ chung giường thì chắc chắn phải cùng thức với những cơn đau cả thể xác lẫn tinh thần. Chị Sum đã trải qua 8 lần phẫu thuật, nhưng kết quả cũng chỉ là “tiền mất tật mang”. Người chị già đi trước tuổi, chân bên phải cơ teo chỉ còn lại bằng cẳng tay con nít. Nước mắt cũng không còn để khóc những đớn đau. Nhiều lúc thấy chồng cực khổ, chạy vạy từng đồng để lo thuốc thang mà muốn chết quách đi cho xong, nhưng chợt nhớ đến câu nói của anh Chánh lúc bị nạn, “em ơi đừng bỏ anh” mà không còn ý nghĩ dại dột đó- Chị Sum nghẹn lời chia sẻ.
Năm 2004, khi mọi nỗi đau đã trở thành thói quen, anh lại nhớ đến đồng đội và việc công nên đã tình nguyện phục vụ tại địa phương (hiện đang là Chủ tịch hội CCB xã Chà Là). Làm ở xã, nhưng anh vẫn phải tranh thủ thời gian rảnh chạy về nấu ăn, tắm giặt cho vợ, cạo mủ cao su… Người dân nơi đây ai cũng biết gia đình anh Chánh, họ biết bởi đây là một trường hợp quá đặc biệt. Con trai có vợ ra ngoài làm ăn riêng, nhà chỉ còn lại hai người. Tài sản đất đai đã bán đến mức có thể để chạy chữa cho chị. Chỉ còn lại vài gốc cao su cùng đồng lương ít ỏi của anh là nguồn thu nhập chính. Một khoản thu không đủ chi cho số tiền thuốc hàng tháng gần 10 triệu đồng.
Ai thấy cũng thương cảnh “gà trống nuôi vợ”, quý bởi tính chung tình. Sống có trách nhiệm với xã hội, cho dù hoàn cảnh có nghiệt ngã đến đâu. Tôi hỏi anh như đùa, anh rất đẹp trai, khi vợ bị nạn, trong suốt 23 năm đó có bao giờ anh đi “ăn phở”. Anh cười, trả lời rất nhanh: Tôi yêu vợ bằng trái tim, bao nhiêu năm qua tim vợ tôi vẫn còn thổn thức chưa ngủ yên, thì đâu có lý do gì tôi phải đi “ăn phở”. Mỗi nhà một cảnh, nhưng cảnh và người như anh Chánh, thì bằng cách này hay cách khác, ai cũng muốn giúp đỡ để anh tiếp tục cống hiến và giữ vững hạnh phúc gia đình.