Quả bom bi phát nổ cướp đi hai cánh tay và một chân, nhưng bằng nghị lực phi thường, anh Nguyễn Đình Tuấn ở phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã vượt lên số phận nghiệt ngã, trở thành “người đàn ông mơ ước” với cơ ngơi bạc tỉ và cuộc sống hạnh phúc.
Bị cụt tay nhưng hằng ngày Tuấn có thể tự làm được nhiều việc.
Bi kịch
Anh Tuấn sinh năm 1978, là con thứ ba trong gia đình có 5 anh chị em. Năm 1990, khi Tuấn mới 12 tuổi, trong một lần theo lũ bạn đi chăn bò trên khu đồi Cầu Ván thì không may gặp tai nạn bất ngờ. Trong lúc chơi trò trốn tìm, nhặt được quả bom bi còn sót lại sau chiến tranh, Tuấn cùng với 3 người bạn tò mò xúm lại xem, không ngờ bom nổ. Ba người bạn chết ngay tại chỗ, riêng Tuấn ngất lịm đi. Nhiều bộ phận cơ thể Tuấn bị vỏ bom và hạt bi găm dày đặc, 2 chân nát bươm, còn 2 cánh tay đứt lìa. Người nhà đưa Tuấn vào Bệnh viện Chí Linh để cấp cứu. Sau 2 tháng chữa trị, Tuấn được xuất viện về nhà với 1 chân duy nhất.
Hằng ngày nằm bất động trên giường, không thể cựa quậy hay di chuyển, Tuấn khát khao có thể bước được để đến trường cùng các bạn, nhưng anh chỉ còn 1 chân. Tuấn cố bám lấy song gỗ đầu giường để trở mình mà cũng không thể, cố dốc sức bật dậy thì ngã dúi dụi. Những lần như thế, các vết thương ở đầu các chi bị cụt lại bầm tím, tụ máu rồi sưng lên, đau nhức.
Gắng gượng mãi, anh mới lật nghiêng được người và bí quá thì chỉ có cách khóc to để người khác giúp ngồi dậy. Với cánh tay phải chỉ còn khoảng 5cm, cánh tay trái còn 20cm, chân trái bị cụt đến tận háng thì việc tập đi đối với Tuấn là không thể.
Cuộc đời Nguyễn Đình Tuấn là những chuỗi tháng ngày sống trong buồn tủi, bi quan, chán nản và nhuốm màu tuyệt vọng. Anh cũng ước ao, khát khao về một mái ấm hạnh phúc như những người bình thường khác. Cảm thương trước nghị lực và ý của chàng trai vượt qua hoàn cảnh, một người phụ nữ cùng làng, hơn Tuấn một tuổi và đã có một đứa con riêng đem lòng yêu thương anh. Năm 2002, hai người về ở bên nhau. Một năm sau ngày cưới, đứa con trai chào đời là niềm vui và niềm động viên đối với Tuấn.
Năm 2007, hai con bò và đàn lợn bị dịch bệnh lăn đùng ra chết, vậy là số tiền vay mượn, gom góp được của đôi vợ chồng đổ xuống sông, xuống biển. Trắng tay, bao nhiêu vốn liếng mất sạch, gia cảnh trở nên kiệt quệ trong khi Tuấn lại chẳng làm được việc gì. Vì không chịu được nỗi khổ cực, lam lũ nên người vợ sau 5 năm đầu gối tay kề đã dứt áo ra đi, bỏ lại anh cùng đứa con trai mới lên 4. Kể đến đây Tuấn bỗng im lặng, cổ họng anh như có vật gì chắn ngang: “Nói thật, nỗi đau ấy còn đau hơn vết thương do bom nổ. Tôi khóc nhưng nước mắt không rơi. Ruột gan bầm thắt lại”.
Bản lĩnh của người đàn ông bất hạnh từng trải đã không cho phép anh gục ngã, nhất là vào lúc này, con trai anh đang cần một chỗ dựa cả về tinh thần lẫn vật chất. Nén nỗi đau, mất mát anh gượng dậy để chiến đấu với số phận. “Điều tôi quan tâm nhất bây giờ chính là cố gắng dạy dỗ, nuôi con ăn học nên người. Để nay mai, lỡ con có vấp ngã trên đường đời thì nó cũng học được cách tự đứng dậy mà bước tiếp”, anh nói. Có lần trong lúc bế tắc nhất, Tuấn đã đem con về gửi cho ông bà nội để hành khất ăn xin, sống nhờ vào lòng trắc ẩn của mọi người. Anh muốn đến một nơi nào đó xa xôi để quên hết đi quá khứ đầy nước mắt. Có lúc anh lưu lạc đến tận cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Tuấn bảo: “Thấy tôi khổ sở nên nhiều người động lòng thương cho tiền, cũng nhiều lắm. Nhưng nghĩ đến tương lai của đứa con, sau gần 1 năm, tôi lại khăn gói về nhà”.
Không được gục ngã
Không muốn trở thành gánh nặng, là “người thừa” cho gia đình, Tuấn xin bố mẹ cho vào trông giữ, chăm sóc 3 hécta rừng đồi trồng vải và bạch đàn tái sinh của gia đình. Cứ thế, 3 năm liền anh đi đi về về giữa nhà và trang trại. Sau đó, nhận thấy việc đi lại khó khăn nên Tuấn quyết định ở hẳn trên đó. Một mình anh tự làm tất cả các việc từ nấu cơm đến tắm, giặt quần áo, gánh nước. “Công việc đầu tiên là tập nhóm lửa nấu cơm. Một ngày cố gắng múc được 3 lít nước (mỗi lần 1 lít) từ dưới suối lên để đổ vào chum dùng cho việc sinh hoạt. Rồi thái rau..., dần dần cầm được cả dao chặt tỉa cây, vác được cả cuốc xới đất nữa” - anh cho hay.
Khi hỏi 3ha rừng xanh tốt này chắc do gia đình đào hố trồng và đi thuê, Tuấn cười tự tin: “Một mình tôi đào hố trồng tất đấy”. Để chứng minh những gì mình nói là sự thật, Tuấn đến góc nhà dùng đôi tay ngắn cũn khéo léo quắp lấy cây rựa đưa lên vai rất nhẹ nhàng, thuần thục rồi cùng cây nạng gỗ lao đi phăng phăng. Tiếp đó, anh khiến chúng tôi khâm phục trước “màn” chặt, phát cây hết sức “điêu luyện”, chẳng khác nào một tiều phu bình thường. Tuấn dùng đầu tay cụt ngủn chỉ còn khoảng 10cm kẹp cán rựa vào nách, dùng khuỷu tay còn lại giữ thân rựa rồi sau đó dùng hông di chuyển giáng những nhát rựa thật mạnh, dứt khoát và chính xác vào những cành vải to bằng bắp tay người lớn. Mỗi nhát rựa kết thúc cũng là lúc cành cây lìa khỏi thân rơi xuống đất.
Chưa hết, như muốn cho thấy khả năng “khổ luyện”, Tuấn vác rựa đến bên những cây tràm to bằng bắp chân, cao gần chục mét. Trong nháy mắt cây tràm đã bị đốn hạ bởi mấy nhát rựa vung ra từ đôi tay cụt và tấm thân nhỏ bé đứng trên chiếc nạng gỗ. Tuấn còn tự mình nâng hạ, vác đi được cả cây gỗ lớn. Hơn 4.000 con gà do một bàn tay anh chăm sóc. Mỗi lần cho gà ăn, anh tự mình vác cả chục bao thức ăn nặng 30kg trèo khắp quả đồi.
Năm 1997, sau khi thu hoạch hết diện tích bạch đàn, anh mạnh dạn chuyển sang trồng toàn bộ cây keo cho năng suất cao hơn. Bên cạnh việc trồng keo, anh còn chăn nuôi thêm bò và lợn. Sau đó thấy nuôi gà có hiệu quả kinh tế cao hơn, anh lại chuyển sang nuôi gà. Lúc đầu vốn ít anh chỉ nuôi vài trăm con. Những năm sau, anh lấy số tiền lãi có được để đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại và nâng số lượng đàn gà lên dần từ 2.000 – 5.000 con. Gà anh nuôi thuộc giống gà chọi lai, chất lượng thịt thơm ngon lại được nuôi thả trên đồi nên thịt săn chắc, bán rất được giá. Mỗi năm đàn gà của anh đều cho lãi ròng trên 100 triệu đồng, riêng năm 2012 anh thu lãi 200 triệu. Chưa kể 3ha rừng keo 6 năm tuổi, dự tính vài năm nữa sẽ đem về cho anh ngót tỉ đồng.