Người dân xã Nhị Quý, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) trước đây vẫn ngày ngày nghe tiếng rao văng vẳng trên sông của bà Nguyễn Thị Ngọc: “Ai mua chuối, xoài, ổi không?”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc đi lột vỏ nhãn.
Tiếng rao ấy đã giúp bà nuôi bốn con và người chồng bệnh câm điếc bẩm sinh.
Cuối tháng 8 vừa rồi con trai út Bùi Công Bửu của bà nhận tin thi đỗ Đại học Luật TP.HCM càng làm cho làng trên, xóm dưới thêm râm ran khen ngợi, vì bốn đứa con bà đã lần lượt bước vào giảng đường đại học.
Người phụ nữ gần ngũ tuần này kể rằng vừa tròn 20 tuổi bà gật đầu đồng ý lấy ông Bùi Văn Hải dù ông tật nguyền và thường bị trêu ghẹo, để rồi bà quyết định một mình bươn chải kiếm cái ăn nuôi chồng và dành dụm tiền cho các con ăn học.
Bà Ngọc không nhớ nổi đã bao năm lênh đênh trên sông buôn bán mà chỉ nhớ bà chèo ghe từ nhà đến tận chợ Tiên Nhơn thì mất một ngày. Sau khi mua đủ loại trái cây, bà lại lách cách chèo về và cất tiếng rao mời chào.
Nhiều bận bán ế chưa thể về ngay hay đường về còn xa mà màn đêm đã buông xuống, bà ru giấc ngủ ngay trên sông. “Hồi đó nghèo lắm nên cái gì cũng không sợ. Gác chèo, cột dây là lăn ra ngủ. Chuyến nào lời được 50.000 đồng mừng muốn rớt nước mắt” - bà kể.
Khi cái nghiệp buôn bán trên sông hết thời, bà Ngọc bán xuồng mua một cái xe đạp rồi đi làm nghề “thợ đụng”. Ai thuê gì làm nấy từ cắt lúa, nhổ cỏ đến cả công việc nặng nhọc của đàn ông như móc mương, be bờ, hễ ai gọi bà đều đi làm.
Khi các con lần lượt chào đời, bà để chúng ở nhà với cha và ông bà nội. Trời chưa sáng bà đã đùm cơm, nước ra đồng làm mướn đến tối mịt mới về. “Lúc gần sinh thằng Út tui còn nhận đi nhổ cỏ, nhưng đang làm thì đau bụng phải sang bà mụ đẻ luôn. Hên là không đẻ rớt ngoài vườn”.
Một vài năm đi làm “thợ đụng” bà Ngọc lại thất nghiệp khi cả miệt Nhị Quý đổ xô lên liếp làm vườn, không ai thuê mướn như trước.
Trong lúc bà tính chuyện đi buôn gánh bán bưng tiếp thì trong vùng nở rộ các lò lột nhãn thuê. Cũng nhờ làm việc ở đây bà có thời gian ở cạnh và dạy dỗ các con nhiều hơn trước.
Lúc này người chồng cũng bắt đầu phụ lột nhãn đỡ đần bà phần nào gánh nặng gia đình. Hè đến các con lại lẽo đẽo theo bà đến nhà máy lột nhãn phụ. Một thân một mình nuôi con nhưng bà Ngọc không bao giờ bắt các con nghỉ học phụ bà kiếm sống. “Tụi nó nghỉ học một ngày là khóc lên khóc xuống thì lòng dạ nào bắt chúng nghỉ học chứ. Mẹ nó chỉ viết được cái tên, còn cha thì một chữ cũng không biết nên phải cho con đi học thôi”.
Bà không khác gì cánh cò mẹ trong bài thơ của Tú Xương, lặn lội nuôi đủ bốn đứa con và một ông chồng.