Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn đó trong lòng người trở về ký ức về đồng đội, về những người đã nằm xuống. Điều ấy đã thôi thúc thương binh nặng Vũ Đình Lưu, trú tại số 9/17 đường Đặng Việt Châu, phường Cửa Bắc, TP Nam Định, bao năm qua vẫn đi tìm đồng đội, tìm lại kỷ vật còn sót lại của cuộc chiến tranh vệ quốc oai hùng. Và người cựu binh ấy đã lập ra một bảo tàng kỷ vật chiến tranh.
Hành trang người lính tại bảo tàng kỷ vật chiến tranh của ông Lưu
Từ trăn trở của một thương binh
Sinh năm 1945, năm 24 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh thanh niên Vũ Đình Lưu lên đường nhập ngũ. Nay khi tóc đã điểm bạc, ông kể chúng tôi nghe chuyện đời lính của mình. Ông Lưu từng là Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Thời kỳ đạn bom khói lửa ấy, ông cùng đồng đội chiến đấu anh dũng trên khắp các chiến trường ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ như: Thành cổ Quảng Trị, Đường 9 - Nam Lào. Năm 1974, trong một trận đánh trên chiến trường Quảng Trị, ông bị thương nặng và phải rời quân ngũ. Thời bình, ông làm Giám đốc Liên doanh Việt - Xô tại Đà Nẵng. Từ năm 1991, ông trở về quê ở Nam Định làm Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh Nam Định, tới năm 2004 ông nghỉ hưu.
Bảo tàng kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh Vũ Đình Lưu với gần 1000 kỷ vật, được sắp xếp khoa học trong căn nhà nhỏ rộng chừng 40m2 nằm kề ngôi nhà ông đang ở. Ông cho hay: Việc sưu tầm kỷ vật được ông bắt tay từ năm 2004 trong một chuyến đi vào Đà Nẵng thăm lại chiến trường xưa. Khi ấy chứng kiến người dân khu vực thường đào những đồ vật còn sót lại trong chiến tranh đem bán, thấy vậy ông cũng mượn một cái xẻng ra đào thì vô tình tìm được một chiếc màn, vài mảnh đạn và một khẩu súng. Khẩu súng thì ông giao nộp, còn những kỷ vật khác ông đem về nhà cất giữ làm kỷ niệm. Từ đó, ông luôn nung nấu ý tưởng sưu tập những đồ vật của đồng đội. Và rồi khi ông quyết định thành lập bảo tàng (tháng 2-2007), mọi chuyện cứ như gặp quý nhân, tự nhiên các kỷ vật được các anh em cựu chiến binh, người nọ bảo người kia mang đến. Khi bảo tàng mới thành lập, thì mới có 360 kỷ vật. Đến nay sau hơn 4 năm mở cửa, số lượng kỷ vật đã tăng lên gần gấp đôi và thu hút rất đông khách tham quan. Điều rất mừng là bảo tàng tư nhân của ông được phép hoạt động theo quyết định của UBND tỉnh Nam Định.
Hiện ông vẫn không ngừng tìm kiếm thêm kỷ vật. Đồng hành với ông là chiếc xe Honda Future cũ, cứ thế ông đã rong ruổi đến hầu hết các tỉnh, thành phố từ miền Bắc đến miền Trung. Ông bảo: Đi xe máy mới đi, vào được tận các bản làng, vùng sâu, vùng xa. Sau mỗi chuyến đi ông mang về khi thì vài chiếc huy hiệu, cái mũ tai bèo, con dao nhíp hay cuốn nhật ký chiến trường còn viết dở… Mỗi kỷ vật sưu tầm được dù lớn, dù nhỏ đều mang dấu ấn một hành trình. Đôi khi đó là cuộc hành trình gian nan khi xe hỏng, người thương binh hơn 60 tuổi đời phải dắt chiếc xe nặng cả tạ, cuốc bộ hàng cây số mới có cửa hàng sửa chữa… Việc đi lại tìm kỷ vật đã vất vả nhưng việc xác định lai lịch, nguồn gốc di vật đôi khi còn khó khăn gấp bội.
Bao nhiêu kỷ vật, bấy nhiêu nỗi lòng
Từ khi khai trương, bảo tàng của ông Lưu ngày nào cũng có khách đến tham quan và ngày càng được nhiều người biết đến. Nơi đây đã trở thành "địa chỉ đỏ” để các cựu chiến binh gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm xưa và là nơi giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử đấu tranh giữ nước của cha ông. Dẫn chúng tôi tham quan bảo tàng, ông như chìm trong miên man của miền ký ức xưa, rành rọt giới thiệu cho chúng tôi về bảo tàng – kho báu của ông. Theo đó, bảo tàng được chia thành 3 phần trưng bày chính. Phần thứ nhất là các kỉ vật trong thời kì kháng chiến chống Pháp như gươm giáo, mã tấu, áo chấn thủ, kèn đồng, các lọ thuốc kháng sinh do Cục Dược phẩm Việt Nam sản xuất đầu tiên năm 1949, những chiếc ba lô, đồng hồ… Phần thứ hai trưng bày các kỷ vật thời kì bao cấp như chiếc quạt cóc, bàn kính, phích… Các loại tiền từ những năm 1945, các giấy tờ từ thời bao cấp, loa truyền thanh, xe đạp, giấy đăng kí kết hôn… Phần thứ ba là các kỷ vật của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trang bị cho các biệt động Sài Gòn, lính đặc công, không quân Việt Nam, bộ binh, lính xe tăng, công binh...
Ông Vũ Đình Lưu và lọ thuốc kháng sinh do
Cục Dược phẩm Việt Nam sản xuất đầu tiên năm 1949
Ông Lưu cũng chia sẻ: Bảo tàng của ông đa phần là những kỷ vật rất gần gũi với người lính, từ những thứ nhỏ nhất mà bảo tàng cấp quốc gia cũng không có. Mỗi hiện vật ở đây là đời người, một câu chuyện cảm động… Nói rồi ông lấy ra trong chiếc tủ kính một chiếc lọ cũ và giới thiệu: Đây là một chiếc lọ của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Uôn. Bà có 3 người con hy sinh, trong đó có người con thứ 3 mà bà rất yêu quý. Từ khi người con thứ 3 này nhập ngũ thì cứ mỗi ngày bà lại bỏ vào lọ một hạt đỗ. Khi đầy cái lọ này thì cũng là ngày người con thứ 3 của bà hy sinh ở chiến trường.
Không gian bảo tàng kỷ vật chiến tranh
Ông vừa kể vừa chỉ cho chúng tôi xem hiện vật làm ông ngày đêm trăn trở. Đó là câu chuyện của một người lính Mỹ da đen, trước khi chết anh ta đưa lại cho ông mấy thứ, trong đó có mái tóc của người phụ nữ mà anh hằng yêu dấu. Nhưng do loạn lạc chiến tranh nên ông đã đánh mất những kỷ vật đó, cũng như số hiệu của người lính Mỹ này.
Hay câu chuyện về chiếc gùi của liệt sỹ Đinh Thành Chiếu - anh lính đi mở đường Trường Sơn. Khi anh Chiếu hy sinh, người ta gửi cái gùi này về cho gia đình anh. Gia đình đã lập bàn thờ và đặt chiếc gùi lên bàn thờ đó. Cứ đến ngày giỗ của anh Chiếu thì tất cả họ hàng, con cháu trong dòng họ đều đến thắp hương tưởng nhớ anh. Mọi người lấy tay xoa lên cái gùi và thắp hương như cách để nhớ đến anh. Thế rồi, nhân một lần ông Lưu vào làng Vân Trình, huyện Nho Quan (Ninh Bình), người ta giới thiệu ông đến gia đình anh Chiếu. Ông ngỏ lời xin gia đình chiếc gùi cho bảo tàng, thì gia đình dứt khoát không cho. Ông đã phải lặn lội về gia đình liệt sĩ Chiếu đến lần thứ 4, thì chị dâu của liệt sỹ Chiếu "xiêu lòng” và vận động họ hàng đồng ý cho ông chiếc gùi. Hôm tổ chức lễ trao tặng chiếc gùi, không khí diễn ra rất cảm động. Đến giờ ông Lưu vẫn thấy thật sự trăn trở vì thấy chiếc gùi đối với gia đình anh Chiếu thiêng liêng quá.
Giọng trầm trầm, ông Lưu bộc bạch: Với những kỷ vật chiến tranh, sau này tôi cũng bàn giao cho Nhà nước chứ cũng không giữ làm gì. Tôi luôn mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn trong quá trình bảo quản, để sau này nếu có trao tặng lại cho Nhà nước thì các hiện vật vẫn còn tốt.