Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ, hằng ngày có một người như “con thú hoang” lội suối băng rừng đi tìm cây thuốc, chữa trị cho dân bản.
Thầy Tà Cam - vị cứu tinh của dân bản.
Đã từ chối lời mời vào Hội đông y huyện, ông chỉ muốn làm con nai, con hoẵng với núi đồi… Ông là Hồ Tà Cam (47 tuổi) người dân tộc Vân Kiều, trú tại thôn Bản Bù, xã Tân Lập (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).
20 năm tìm thầy… học nghề
Hỏi thăm nhà thầy thuốc Hồ Tà Cam, già làng Tà Hư chỉ đường rồi cười bảo: “Bữa nay mi may mắn mới gặp được nó đó, lần mò trong rừng cả tháng trời mới về, người đen nhẻm, gầy như ma đói, thế mà nó khỏe lắm, gùi được rất nhiều loại lá, cây thuốc từ rừng về đó”.
Thôn Bản Bù nằm dưới chân đồi Không Tên, một thời ghi dấu biết bao chiến công hiển hách của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cả thôn hiện có hơn 86 hộ dân, đời sống gắn liền với sản xuất nông nghiệp và nghề rừng. Chính vì vậy, việc tiếp xúc với các dịch vụ chăm sóc y tế là rất khó khăn. Nhiều gia đình phải chịu đựng cảnh người thân ra đi trong bệnh tật, ngã vực hay rắn độc cắn. Trước cảnh cùng cực của dân bản, chàng trai trẻ Tà Cam quyết định ra đi học nghề thuốc để chữa trị cho bà con, dân bản.
Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm thuốc cứu người, cha ông là Hồ Côi, từng là một thầy thuốc nổi tiếng chuyên trị bệnh bằng lá dấu (thuốc của người dân tộc thiểu số) nhưng vì phải thường xuyên tiếp xúc với chất độc để thử thuốc nên mất sớm. Muốn kế tục truyền thống của gia đình, phần vì thương dân bản bị đày đọa trong cơn bạo bệnh mà không có tiền đi viện, tiền thuốc thang… ông đành để vợ trẻ, con thơ ở nhà rồi theo những tay buôn chuyến Việt- Lào đi tìm thầy để học cách chữa trị rắn độc cắn.
Người trong bản kể lại rằng, hồi đó Tà Cam còn trẻ lắm, sau 5 năm học nghề chữa bệnh rắn độc cắn ở đất Lào về, trông hắn như người rừng, tóc dài đến ngang vai, da đen như cột nhà cháy, lại còn đóng khố nữa. Thời gian đó, ông tìm được một người thầy ở bản Hồ Nhưng, Tà Khống, Xavannakhẹt, nhưng không dễ gì người ta mang hết bí quyết, kinh nghiệm để chỉ bảo cho một người không quen biết. Thế là ông đành cặm cụi làm công cho gia đình này, từ bổ củi, gánh nước đến săn bắt thú… đều được ông làm chu đáo. Thương tình trước cậu thanh niên chăm chỉ, ông cho đi theo hái cây thuốc mỗi lúc lên rừng, rồi tận tâm chỉ bảo cho ông. Sau khi học được khá nhiều bài thuốc về cách chữa trị rắn độc cắn, Tà Cam bái biệt và xin phép thầy về nơi mình đã sinh ra để hành nghề bốc thuốc cứu người.
Gặp chúng tôi, ông nhớ lại trường hợp đầu tiên được ông chữa trị là anh Hồ Thung (27 tuổi) người cùng thôn. Vào một buổi tối, Hồ Thung sau khi ăn cơm xong ghé nhà người quen trong bản chơi, không may trên đường đi giẫm phải rắn hổ mai, đây là một loại rắn cực kỳ độc, vì xưa nay dân gian vẫn loan truyền nhau rằng “rắn mai tại chỗ, rắn hổ về nhà”. Nhận được tin của bà con Hồ Tà Cam đến ngay nhà người bị rắn cắn, mọi phương thuốc học được, ông đều áp dụng. Rất may, một tuần sau thì Hồ Thung khỏe lại và không còn nguy hiểm đến tín mạng.
Để đền ơn cứu mạng, Hồ Thung biếu ông một con dê đực chừng 20 kg, nhận không được, từ chối cũng không xong, Tà Cam mời bà con dân bản đến rồi tự tay mình chọc tiết để cúng làng và thiết đãi dân bản.
Thầy Tà Cam đang bốc thuốc cho một bệnh nhân. |
Thấy tay nghề của mình chưa hoàn hảo, chỉ chữa rắn độc cắn thì không thể giúp nhiều trường hợp đau ốm khác. Tà Cam đã bán đi đôi bò của mình để lấy kinh phí vào xã Thanh, huyện Hướng Hóa học nghề chữa bệnh đường ruột. Không may khi vào đến thì vị thầy thuốc này đã mất cách đó hơn một năm. Không chịu về tay trắng, ông lại bắt xe vào vùng A Lưới, Thừa Thiên Huế, qua quen biết và có người giúp đỡ, một thầy thuốc ở đây đã nhận ông làm con nuôi rồi truyền nghề cho ông.
Kể về việc đi học nghề của mình, Tà Cam nói, có những người thầy rất giỏi về cây thuốc nhưng sống ở những vùng rất xa xôi, muốn vào được đó chỉ còn cách “cõng” mì tôm, băng rừng, lội suối. Đó là trường hợp khi ông tìm đến một người thầy chuyên trị về bệnh xương khớp. Người thầy này sống trong một vùng rừng rậm giữa vùng biên giới Việt Lào, cô lập với thế giới xung quanh. Nhưng tài nghệ thì rất siêu cường và nhất quyết không chịu nhận học trò. Ông phải dựng một lán trại ngay sát bờ suối để tiếp xúc rồi học lỏm những bài thuốc của vị thầy này.
Để có tay nghề bốc thuốc và trị bệnh như hiện nay, Tà Cam đã phải đánh đổi rất nhiều thứ, trong tâm nguyện của ông là chỉ để cứu người. Nhiều trường hợp đã được ông cứu sống, họ tìm mọi cách để đền đáp lại tấm lòng của ông. Đó là trường hợp của một người ở Quảng Bình mà ông không còn nhớ tên, bà con nơi đây kể rằng người này bị bệnh ung thư và được bệnh viện trả về sau một thời gian điều trị. Tà Cam đã dựng một căn lều tách biệt ra hẳn với dân bản và điều trị cho người này trong vòng 2 năm. Một thời gian sau người này khỏe hẳn và biếu ông rất nhiều thứ quý giá, nhưng Tà Cam chỉ nhận một con gà và thúng xôi để cúng bản làng.
Từ chối Hội đông y và muốn làm “cánh chim rừng”
Trước khả năng và biệt tài của Tà Cam, Hội đông y huyện Hướng Hóa đã mời ông vào hội, nhưng vì muốn làm “cánh chim trời” nên ông đã khước từ. Ông cho biết: việc mà ông thích nhất chính là luồn lách trong rừng để tìm cây thuốc. Có nhiều bận vì tìm cây thuốc “quá đà’’ ông đã lạc sâu vào vùng đất bạn Lào phải bắt xe đò về. Có những lần lạc sâu trong rừng ông phải ăn lá cây rừng và uống nước suối để tìm đường về nhà…
Trong ngôi nhà sàn bạc thếch vì mưa nắng, nhấp một ngụm nước chè đắng chát, già làng Hồ Rắt (thôn bản Bù) tâm sự: “Tìm được thằng Cam khó hơn tìm chim, quanh năm suốt tháng nó luồn lách trong rừng để tìm cây thuốc cho dân bản, muốn biết nó ở đâu, làm gì, chỉ còn nước ngồi chờ nó về”.
Còn Trưởng thôn Bản Bù, Hồ Văn Đình chia sẻ: “Dân bản mang ơn Tà Cam nhiều lắm, không có hắn nhiều người chỉ còn nước chờ chết chứ tiền đâu mà đi viện, nhiều người bị rắn độc cắn nếu không có Tà Cam thì giờ xanh cỏ rồi”...
Khi chúng tôi đến, may thay gặp được ông vì ông đang chữa trị cho hai trường hợp, một người bị rắn cắn và một cậu bé chừng 8 tuổi bị gãy tay. Sau một tuần chữa trị bằng thuốc của ông tự cắt, hai người đã đỡ hẳn, riêng cháu bé bị gãy tay xương đã liền lại.
Ở tuổi 47, ông vẫn rất khỏe mạnh. Thoắt một cái đã vào rừng sâu, hai ba ngày sau một gùi thuốc được ông đưa về. Trò chuyện với chúng tôi, ông tâm sự: “May là trời cho mình sức khỏe mình mới đi tìm thuốc về chữa cho bà con được. Mình làm nghề này chỉ muốn cứu những người bị bệnh chứ không tiền bạc chi…”.
Ông Lâm Chí Đức, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hướng Hóa cho biết: nhiều trường hợp bệnh viện phải liên kết với một số người có khả năng chữa trị các bệnh về xương và các vết thương do rắn độc cắn. Nhiều người trong họ là những thầy thuốc ở các bản của người dân tộc thiểu số. Họ rất giỏi về việc dùng các thứ lá (lá dấu) để trị bệnh, Hồ Tà Cam là một trường hợp như vậy.