Anh trai chết trong nhà tù Côn Đảo vào những năm chiến tranh chống Mỹ, mẹ hóa điên, bà Nguyễn Thị Lắm (năm nay 69 tuổi ở ấp Quý Thành, xã Nhị Quý, huyện Cai Lậy, Tiền Giang), lần lữa bao duyên tình để ở vậy chăm sóc mẹ.
Anh Long giúp mẹ tập đi sau khi bà Lắm bị gãy chân.
Chuyện của mẹ
Nghe tiếng người lạ, thỉnh thoảng từ gian buồng phía sau lại có tiếng hỏi nhát gừng: “Ai đến thăm Trần Thị Tranh?”. Trần Thị Tranh là mẹ bà Lắm. Nghe tiếng hỏi của bà Tranh, bà Lắm cười nhẹ nhàng, trả lời vọng vào: “Có người thăm má nè, nhưng mà phải ngủ rồi mới ra trò chuyện được”. Quay sang chúng tôi, bà Lắm kể: “Má tui đã 97 tuổi rồi nhưng vẫn còn quậy được. Hễ nghe tiếng lạ là bà lại hỏi vậy. Đỡ cái là chỉ quậy loanh quanh giường thôi chứ tui không còn phải xích lại nữa...”.
Chữ “xích” bật ra cửa miệng thì nước mắt bà Lắm cũng lăn dài trên mặt. 50 năm trước, đang cái tuổi hai mươi trẻ trung xinh đẹp thì bà Lắm bắt đầu khổ. Năm đó, đám dạm hỏi của một chàng trai xóm trên với bà vừa được mấy ngày thì cha mất, phải hoãn. Ít lâu sau, bà Lắm bắt đầu nhận thấy những biểu hiện lạ từ mẹ mình khi bà Tranh cứ thỉnh thoảng lại nhìn qua bên con sông Nhị Quý mà lảm nhảm. Thương mẹ, bà Lắm bắt bà Tranh phải ở nhà, còn mình tiếp tục làm tiếp hai công ruộng có sẵn nuôi hai mẹ con. Chín tháng sau hung tin tiếp tục ập xuống. Người anh trai Nguyễn Văn Lộc theo cách mạng từ mười năm trước, bị địch tra tấn trong nhà tù Côn Đảo đến hi sinh. Bà Tranh bị điên thật sự.
“Tui đi làm về không thấy má đâu, nghĩ chắc bà đi đâu đó. Thế mà tối không về, đến sáng hôm sau tui mới tìm thấy má ở tuốt trên Cai Lậy, chân không dép, đầu đội trời nắng chang chang”, quệt nước mắt, bà Tranh kể lại. Thế là bỏ lại cả hai công ruộng dang dở, bỏ cả chuyện dạm hỏi, bà Lắm dắt mẹ lên Bệnh viện Chợ Quán (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM bây giờ) để chữa trị. Bon chen thân gái giữa đất Sài Gòn, bà Lắm bữa phụ quán cơm, bữa làm lao công, sáng tối vào chăm sóc mẹ. Được hơn một tháng, bà Tranh lại trốn mất biệt khỏi bệnh viện. Phải mất hai tháng sau, nhờ đăng báo, bà Lắm mới được người ta chỉ cho nơi mẹ đang lang thang giữa khu Chợ Lớn. Biết bệnh mẹ mình không thể chữa được, bà đành đưa mẹ về quê phụng dưỡng. Cũng từ đó mỗi khi ra đồng, bà Lắm phải xích mẹ vào cột nhà vì cứ vừa rời ra, bà Tranh lại lang thang biền biệt.
“Đứa con trời cho”
Trong câu chuyện của mình bà Lắm cứ nhắc đi nhắc lại anh Dương Đức Long là “thằng con của trời cho”. Gần 40 năm nay, hai mẹ con chẳng bao giờ nói với nhau một lời về chuyện con nuôi, con ruột, dẫu anh Long đã biết chuyện mình là con nuôi từ khi đi học.
Anh Long sinh năm 1976, con của người vợ thứ hai trong một gia đình ở TP.HCM. Chẳng biết lẽ gì, Long được 13 tháng tuổi thì cha anh ẵm con xuống cho một gia đình hiếm muộn ở cùng xóm với bà Lắm. Bà Lắm nhớ như in ngày nhận con: “Lúc ấy chẳng hiểu sao nhà kia lại không chịu nhận nuôi thằng Long nữa. Có người thấy vậy hỏi tui có thích nuôi con không. Hơn 30 tuổi đầu, tự nhiên lúc đó nghe có con tui ừ đại”.
Ngày ngày bà Lắm ẵm anh Long đi một vòng trong xóm kiếm người gửi để đi làm đồng. Bú thép cả làng và chỉ có “sữa bột Bích Chi thời bao cấp”, anh Long ốm liên miên. “Cứ dăm bữa nửa tháng tui lại ẵm nó lội bộ lên Bệnh viện Cai Lậy, riết quen mặt hết bác sĩ trên đó”, bà Lắm nhớ lại.
Lớn lên, học tối dạ vì không có người kèm cặp nhưng việc nhà thì bạn bè cùng trang lứa không ai bằng Long. Nấu cơm bằng rơm, chẻ lá đan lát, mọi việc Long đều khéo. Đến năm lớp 6, Long quyết định bỏ học ra đồng giúp mẹ nuôi bà ngoại và rồi trở thành lao động chính trong nhà.
Dáng vẻ nhỏ nhắn, mái tóc bạc gần nửa, khuôn mặt hằn đầy nếp nhăn, anh Long trông già hơn tuổi. Nhưng trong suốt câu chuyện, nụ cười bao giờ cũng thường trực trên khuôn mặt người thợ hồ hiếu hạnh. Lúc nhỏ, “bà ngoại điên” và “đứa con lượm được” luôn là tâm điểm để bạn bè trêu chọc. Bực lắm, nhưng anh Long không dám hỏi mẹ nhiều vì không muốn làm mẹ mình buồn.
16 tuổi, Long gặp cha của mình. “Hôm ấy cha về nhà hàng xóm khi trước cho tui để tìm lại. Mặc đồ tây, đeo kính râm, về đầu xóm ông nhờ ngay tui dẫn đường”, anh Long kể. Khi gặp được cha của mình, biết tất cả sự thật, Long thấy cũng bình thường. Anh tâm sự: “Gặp cha tui rất mừng...”. Khi ấy cha Long đang định cư ở Canada. Lần đó về ông định đón lại đứa con đã cho đi 16 năm trước. “Thằng Long quá may mắn”, “Số Long là số hoàng tử”... Chuyện Long được cha từ nước ngoài về đón râm ran cả làng. Rồi cả làng chưng hửng khi Long rất lễ phép, kính trọng, một dạ hai thưa với người cha vừa tìm lại được nhưng vẫn ở lại với bà ngoại và mẹ nuôi nghèo khó. “Lúc ấy cha tui thuyết phục sẽ bảo lãnh cả hai mẹ con qua Canada. Nhưng chỉ nghĩ đến việc để bà ngoại vật vờ trong bệnh viện tâm thần, cả hai mẹ con tui muốn trào nước mắt” - anh Long kể.
Thế rồi đều đặn, anh Long vẫn thăm hỏi, liên lạc thường xuyên với cha nhưng từ chối ý định sum vầy ở nước ngoài mỗi khi ông về nước. “Tui thương cha, vẫn quan tâm lo lắng cho cha nhưng cuộc sống, gia đình ông đã ổn định, tui không thể bỏ mẹ và bà ngoại, sống trái đạo lý được. Đến khi cha mất vào năm 2007, hằng năm đến ngày giỗ tui đều dành dụm ít tiền, dẫn con lên thắp hương mộ ông nội cho tròn đạo làm con...”, anh Long cười hiền.
Ít học, biến hai công ruộng của gia đình thành mảnh vườn 30 gốc nhãn, anh Long làm thuê làm mướn khắp nơi để nuôi mẹ và bà ngoại. Rồi nhờ mai mối, anh Long cũng có được người vợ hiền và hai đứa con. Đứa lớn đã vào lớp 3, đứa nhỏ đang học mẫu giáo lớn. Hằng ngày anh Long đi làm phụ hồ, vợ quanh quẩn lột nhãn thuê, phụ giúp người ta bán hàng ngoài chợ, còn bà Lắm chăm sóc cho hai đứa cháu. Mấy tháng trước, vì chạy ngăn đứa cháu 4 tuổi không cho lao ra đường, bà Lắm té gãy chân, không còn đi lại được, vợ anh Long phải nghỉ luôn ở nhà để chăm sóc mẹ, bà và lo cho hai đứa con. Cả gia đình gồm sáu miệng ăn giờ chỉ trông vào 130.000 đồng công thợ hồ mỗi ngày của anh Long và thu hoạch từ mấy gốc nhãn. Nghèo nhưng vẫn ngập tràn yêu thương, hạnh phúc.