Vừa thấy một người đàn ông trung niên, người gầy đét, thất thểu cầm tập vé số ngang qua tiệm sửa xe gắn máy giữa trưa nắng gắt, vợ chồng anh Nguyễn Văn Phúc liền gọi: “Bác lấy cơm trưa không?”.
Vợ chồng anh Phúc tặng cơm trưa cho người dân khó khăn.
Người được hỏi khựng lại, xúc động không biết nói gì và chỉ sau cái gật đầu, phần cơm nóng hổi đã được tay trao tay.
Anh Phúc hào hiệp
Quay qua quay lại, một người lái xe ôm chừng 50 tuổi, có nước da đen bóng trong chiếc áo sơ mi xộc xệch, vừa nhận cơm vừa phân trần: “Bà ấy đau, không đi được, kêu tôi lấy giúp…”. Xe phóng vụt đi, hai người phụ nữ đồng nát, lụp xụp nón lá đã có mặt. Họ uống trà đá miễn phí và lựa chọn cơm. “Chị thích cơm gì. Bữa nay có cá, thịt kho trứng, tôm…”, anh Phúc hào hiệp. Chớp nhoáng, cơm đã phát hết veo.
Nhiều tháng nay, từ thứ hai đến thứ sáu, tại điểm sửa xe trên đường Phạm Hùng (phường 5, quận 8), vợ chồng anh Phúc phát 30 phần cơm trưa cho người nghèo, người khuyết tật. Số tiền mua cơm mỗi ngày được anh gom góp một phần từ tiền bán dầu nhớt thải, vỏ, ruột và các phụ tùng xe mà khách thay thế. Còn thiếu bao nhiêu, anh chị bù vào. Hỏi anh có biết tên những người đến lấy cơm không, anh Phúc cười hồn hậu: “Không biết!”. Anh bảo, họ khổ lắm rồi, mình cho người được hộp cơm mà hỏi hoài, lỡ người chạnh lòng, người giận.
Không biết tên nhưng anh lại nắm vanh vách hoàn cảnh của từng người. “Bà ấy” của bác xe ôm là người mẹ trên 70 tuổi của bác. Cụ đau nên nhờ con đi lấy cơm giúp, nhà hai mẹ con ở cách đó vài con phố. Mấy chị thu mua ve chai, bán vé số đều thuê nhà ở loanh quanh khu này. Trong 30 phần cơm, khoảng 20 phần phát cho những người nghèo, khuyết tật, người già sinh sống và làm việc ở khu vực gần đường Phạm Hùng; 10 phần được trao cho người vãng lai khốn khó đi qua tiệm sửa xe... 20 người khó khăn ở “cố định” gần tiệm sửa xe, anh Phúc đều đến thăm từng nhà, vừa nắm gia cảnh, vừa động viên họ. Còn khách vãng lai, cũng không cần bất cứ giấy tờ chứng nhận gì, cứ đến là có cơm. Có bữa cơm phần hết rồi, anh lại kêu vợ kiếm hộp nhựa rồi bới cơm bữa trưa của nhà ra biếu người đến muộn. “Không biết tên, không biết nhà, anh vẫn đưa cơm cho họ sao?”. “Nhìn họ tả tơi là đưa thôi!”, anh Phúc trả lời không đắn đo. Chị Lê Thị Thu Hương, vợ anh, cho biết đó là tâm huyết của anh, là điều anh muốn chia sẻ với những người còn khó khăn vì trước đây anh đã từng khổ sở như thế.
Càng cùng cực, càng giàu nhân nghĩa
Là con thứ 5 trong gia đình 6 anh chị em mà tất thảy chỉ có một công ruộng, đến lớp 3, Phúc phải nghỉ học với chuỗi ngày tháng ăn cơm vay, cày ruộng rẽ. 18 tuổi, Phúc theo bạn rời quê Tiền Giang lên TPHCM kiếm sống. Làm thuê tròn tháng thì Phúc bị bỏng gót chân, phải vô bệnh viện điều trị. 22 tuổi, Phúc được gửi vào học việc ở một tiệm sửa xe gắn máy. Hành trang là một hũ muối tiêu của bà cô ruột gửi với lời dặn, ăn hết hũ muối này sẽ thành nghề. Tối đến, anh lại thuê thêm xích lô chạy vài cuốc cắc củm kiếm sống. 3 năm sau, Phúc mở tiệm sửa xe riêng trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh). “Nói là tiệm mà mắc cỡ. Thực ra, chỉ bơm vá xe ở góc cột điện bên lề đường”, anh Phúc nhớ lại. Cũng chính vì nghèo khó, bị coi là trôi sông hàng chợ nên dù cô gái đồng cảnh quê An Giang bán chè bưởi sát bên lề đường đã bén duyên với anh thì cha cô vẫn cấm tiệt. Vào một ngày giữa năm 1999, anh chàng bơm vá xe và cô gái bán chè không xuất hiện trên lề đường như mọi khi. Suốt 1 năm sau, hai người đồng tịch đồng sàng mà không dám có con. Khi bố vợ đồng ý, cả hai dắt díu quay lại Sài Gòn, tạ lỗi cha mẹ và thuê nhà, mở tiệm sửa xe trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8).
Giờ đây, anh đã là chủ chuỗi tiệm sửa xe luôn nườm nượp khách, mua vườn điều trả hiếu cha mẹ, giúp đỡ mọi người… Từng đi lên từ hai bàn tay trắng, Phúc luôn đa cảm với người còn khốn khó. Hàng ngày, tiệm của anh sửa xe miễn phí cho người khuyết tật. Số học trò được anh truyền nghề lên đến gần 100 người. Ai siêng năng, cần mẫn theo học 4 năm, anh sẽ tặng bộ đồ nghề để ra riêng. Thậm chí, anh còn thực hiện công việc khó tưởng: Dạy nghề sửa xe gắn máy cho người khuyết tật.
Ngày về quê ngoại ăn giỗ, chứng kiến Phước (21 tuổi, quê An Giang), bị cụt tay phải và chân trái mà suốt ngày tỉ mẩn làm việc lặt vặt, có lúc một tay moi ruột chiếc xe đạp không được, Phước biết lấy chân còn lại giằng bánh xe xuống, chỉ thấy thế thôi đã làm trái tim Phúc nghẹn lại. Biết chàng trai có khiếu, anh Phúc liền đến bên, nói sẵn sàng dạy cho Phước nghề sửa xe gắn máy. Khách đến tiệm của anh còn ấn tượng với Lê Văn Nhiêu (22 tuổi, ngụ quận 8), người nhảy lò cò sửa xe thuần thục. Khác với Phước là thanh niên ở quê vốn rắn rỏi, Nhiêu lại có dáng thư sinh, trắng trẻo, khó hợp với nghề sửa xe nặng nhọc. Nhưng cầm lòng không đặng trước gương mặt buồn bã của chàng trai trẻ tự dưng mất chân trái vì tai nạn giao thông, Phúc đã động viên Nhiêu về tiệm sửa xe của mình. Để truyền nghề cho Nhiêu, anh Phúc phải giả bộ dạng tật tương tự để cảm nhận được cái khó của người học khi thực hành. Đặt mình vào hoàn cảnh của người học, anh đã nghĩ ra nhiều cách tạo thế giúp tiết kiệm sức lực cho người khuyết tật khi học nghề. Được anh kề cận động viên sớm tối, giờ đây, sau 1 năm học, Nhiêu đã học được 70% phần việc với mức lương 2,7 triệu đồng/tháng.