Chị nhận mình là người có nhiều mẹ nhất Việt Nam. Chị từng có một lúc 20 người mẹ, 4 người đã khuất núi nay còn 16 mẹ sống vui tuổi già nơi trung tâm dưỡng lão do chị bán nhà để có tiền xây dựng nên.
Các cụ già vui sống ở Trung tâm dưỡng lão Tân An.
Tôi gặp chị, người có khuôn mặt phúc hậu nhưng cũng chất chứa bao nỗi niềm về ký ức tuổi thơ bất hạnh. Chị từng là người “đưa đò” cho bao lớp học sinh trường tiểu học Phù Đổng (Thăng Bình, Quảng Nam) qua sông kiến thức. Chị nở nụ cười mãn nguyện rồi nói: “Tôi là người hạnh phúc nhất bởi tôi giờ là con của 16 người mẹ”.
Bán nhà nuôi “người dưng”
Câu chuyện về chị Trịnh Thị Lời bán một lúc 2 căn nhà ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) cách đây 6 năm để có tiền xây dựng Trung tâm dưỡng lão ở Tân An (Hiệp Đức) được nhiều người biết đến.
Xây trung tâm dưỡng lão để đón những người già đơn thân, hoàn cảnh éo le về phụng dưỡng, một nghĩa cử cao đẹp nhưng chị đã từng chịu nhiều tai tiếng. Trung tâm dưỡng lão của chị bây giờ đã khang trang, sạch đẹp và khá quy mô.
Gặp chị sau ca phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống. Lưng còn đeo đai định vị cột sống, đi lại khó khăn, vậy mà chị vẫn tất tả ngược xuôi lo cho trung tâm và các cụ già. Để có số tiền hơn 15 triệu đồng một tháng, ngoài kêu gọi ủng hộ, chị cùng chồng chăm sóc vườn cây cảnh để có thêm kinh phí.
Ba tháng trước, trong một lần vận chuyển, bốc vác chậu cây cảnh chị bị sái lưng. Đi khám, bác sĩ bảo phải mổ. Chị lên giường mổ, tất thảy 16 người mẹ khóc ròng vì thương chị, sợ chị không đi lại được bởi bác sĩ tiên lượng trước việc tê liệt tay chân khó tránh khỏi.
Ca mổ thành công, bác sĩ dặn phải 6 tháng cố định cột sống không được vận động mạnh. Được ba tháng, chị không thể ngồi yên một chỗ, chị lại cùng chồng chăm bón vườn cây, tìm khách bán cây. Mỗi một cây cảnh, chậu hoa bán được, chị dành hết số tiền có được để lo bữa ăn, giấc ngủ cho các mẹ. “Ơn trời. Tôi không bị liệt. Tôi chỉ sợ mình nằm xuống không ai lo cho các mẹ” - chị Lời cười nói.
Cái ơn với cuộc đời chị sớm nặng mang. Năm tròn 5 tuổi, ba chị em chị sớm chịu cảnh mồ côi mẹ. Chiến tranh, ba chị cũng qua đời mấy năm sau đó. Cô bé Lời được cô ruột nhận về nuôi, trở thành mẹ thứ hai. Gia đình cô cũng nghèo khó, sống nhờ bằng bát cơm độn khoai, độn sắn của bà con chòm xóm.
Lớn lên, ăn học trở thành giáo viên và có một mái ấm riêng. Nhưng chị vẫn đau đáu một điều, mình mang ơn đời biết bao giờ trả hết? Chồng chị cũng là giáo viên, suốt thời gian dài hai vợ chồng tích góp tiền của làm nhà cửa. Có nhà cửa đàng hoàng ở thị trấn Hà Lam, con cái đề huề học giỏi là ước mơ của biết bao nhiêu người.
Năm 2007, chị nghỉ hưu. Tấm biển bán nhà được treo lên. Bán nhà chị dành hết số tiền có được để xây Trung tâm dưỡng lão. “Chồng con biết tâm nguyện của mình nên ủng hộ. Các con thương mẹ, chồng thương vợ nên tôi mới làm được. Đó là cái may mắn hạnh phúc với tôi”.
Một năm sau trung tâm hoàn thành, chị lại ngược xuôi đi tìm những người già neo đơn để nhận về phụng dưỡng. Từ thành phố Tam Kỳ lên huyện miền núi Hiệp Đức, Quế Sơn, Nông Sơn…, chỗ nào có cụ già neo đơn chị tìm đến. Đến nơi, chị tìm tộc họ, chính quyền xin phép nhận về phụng dưỡng không một đòi hỏi gì. Số lượng tăng dần, chị nhận về trung tâm 20 cụ bà neo đơn, hoàn cảnh éo le đã lớn tuổi.
“Không ai hiểu được khát khao trong tôi. Mỗi lần nhìn thấy các mẹ là hình ảnh ký ức về người mẹ ruột cứ hiện về. Tôi thèm được sà vào lòng mẹ như trẻ thơ. Giờ thì tôi mãn nguyện rồi. Mỗi lần lên thăm, các mẹ chào đón bằng những vòng tay. Mẹ nào cũng dành ôm hôn nắm tay hỏi han đủ chuyện. Cái cảm giác đó nó ấm áp thiêng liêng lắm. Mỗi lần như thế tôi lại khóc”, chị Lời nghẹn ngào.
Chị nhìn lên tờ lịch rồi nói: “Còn mấy hôm nữa trung tâm có giỗ. Bốn mẹ qua đời. Hai mẹ được tộc họ mang về. Hai mẹ gửi nơi cửa chùa. Mỗi lần tiễn mẹ đi về bên kia thế giới, tôi đau thắt lòng”- chị trào nước mắt.
Đang nói chuyện, có khách vào mua cây cảnh, chị gạt nước mắt ra chào khách. Một chậu cây cảnh được bán chị ríu rít cảm ơn. Chị cười: “Mình cảm ơn họ nhiều vì mỗi một cây bán đi là có thêm kinh phí để nuôi các mẹ. Chế độ mỗi mẹ một tháng 600 ngàn. Để minh bạch chuyện tiền nong tôi giao hết cho anh em quản lý chi tiêu dưới sự giám sát của Ủy ban mặt trận Tổ quốc huyện Hiệp Đức. Trước tôi hay đi xin, kêu gọi nhưng nay không làm nữa. Người có lòng khắc tìm đến, nhiều người nghèo khó hàng tháng vẫn gửi vài trăm ngàn cho các mẹ. Chăm bón cây cảnh, tìm mối, đối tác tiêu thụ, tôi có thêm tiền nuôi các mẹ. Hai sổ lương hưu vợ chồng tiêu không hết thì bỏ thêm vào quỹ phụng dưỡng các mẹ”. Ngoài 16 mẹ ở trung tâm dưỡng lão, chị Lời còn có người mẹ thứ 17 đó chính là người cô ruột Trịnh Thị Lại năm nay đã 75 tuổi, đang sống cùng vợ chồng chị tại thị trấn Hương An (Quế Sơn).
Bến dừng chân cuối đời
Khuôn viên Trung tâm dưỡng lão Tân An đầy màu xanh. Khách lạ vào, từ dãy nhà nằm dưới tán cây rợp mát, các cụ bà vội vã chống gậy ra đón.
Từ phòng ngủ, có tiếng hỏi vọng ra: “Con Hai đó à”. Đó là giọng cụ Lê Thị Nhâm, người lớn tuổi nhất trung tâm. Chống gậy ra thềm, biết không phải chị Lời, cụ Nhâm kéo ghế ngồi tựa lưng vào tường mắt nhìn chăm chăm ra đầu ngõ. Mắt cụ đỏ ngầu, cụ mếu máo: “Con Hai nó mổ cột sống mấy tháng rồi. Thương nó mà không biết mần răng. Cầu trời, nó chóng khỏe lên đây với mấy mẹ”.
Biết cụ buồn, mấy cụ bà khác lại nắm tay chọc cụ cười: “Con Hai biết bà khóc nó buồn lắm đó. Con nó dặn các mẹ lúc nào cũng phải vui. Bà không nhớ à?”. Cụ Nhâm lại móm mém cười: “Tôi nhớ rồi. Tại nó thương tôi và tôi thương nó quá mà”. Cả 16 cụ bà ở đây đều gọi chị Lời bằng con Hai đầy thân thương.
Chị Lời chăm sóc cô ruột và cũng là mẹ nuôi của mình . |
Được đưa vào trung tâm từ ngày đầu, cụ Nhâm là một trong những người mẹ đầu tiên của chị Lời. Quê vốn ở Quế Lưu (Hiệp Đức), cụ Nhâm sống một mình trong căn nhà tồi tàn không chồng con, không người thân.
Chị Lời gặp cụ Nhâm trong một lần cùng chồng đi tìm cây cảnh, biết hoàn cảnh cụ, chị Lời xin phép chính quyền địa phương đón cụ về trung tâm. Năm nay đã 92 tuổi nhưng cụ Nhâm vẫn hồng hào, minh mẫn. “Có con Hai tôi mới sống đến hôm nay”, cụ Nhâm cười móm mém.
Chị Nguyễn Thị Bốn, anh Nguyễn Văn Cường, hai người hằng ngày có mặt ở trung tâm để chăm nom cho 16 cụ. Chị Bốn người ở Quế Sơn, về trung tâm làm cấp dưỡng từ mấy năm nay, anh Cường là bà con với chị Lời, làm quản lý. Cả hai vì nể phục tấm lòng chị Lời nên nguyện gắn bó giúp sức chị nuôi dưỡng các mẹ.
Anh Cường từng làm cho một Cty ở Đà Nẵng với mức lương cao. Khi biết chị Lời làm việc nghĩa đã xin nghỉ việc về giúp sức với mức phụ cấp chỉ đủ tiền xăng xe hằng ngày do chị Lời chi trả. Quê đều ở xa, nên cả chị Bốn và anh Cường đều ở lại trung tâm cùng với các mẹ, mỗi tháng thay nhau về thăm nhà vài lần.
Anh Cường kể: Các mẹ đã già, quan trọng nhất là đời sống tinh thần. Ở đây các mẹ được bầu bạn trò chuyện với nhau, cùng sinh hoạt tập thể, có người đỡ đần chăm nom nên ai cũng vui. Lớn tuổi, các mẹ hay hờn hay dỗi nên anh chị em phải luôn khéo léo khi chăm sóc. Các mẹ ốm đau, trung tâm đều mời bác sĩ ở bệnh viện huyện lên khám và lo thuốc men.
Cụ Nguyễn Thị Trước năm nay 82 tuổi, tóc bạc trắng. Cụ được chị Lời đưa về trung tâm 4 năm nay. Trước đây, cụ đơn thân hằng ngày ăn xin ở khu vực chợ Cầu Mống (Điện Bàn). Một lần mưa bão, cụ Trước nằm co ro ngoài chợ, nhiều người ngỡ cụ đã chết.
Chị Lời hay tin đã lặn lội ra tận nơi đón cụ về. Từ ốm yếu gầy gò, cụ Trước nay đã khỏe hơn dù tuổi đã cao. Hằng ngày, cụ vẫn có thể nhặt rau, quét dọn sân, chăm sóc vườn rau cùng các cụ. Nhiều người không dám nghĩ đến khi nhớ cảnh chị Lời bế cụ trên tay như xác không hồn.
Hỏi các cụ già ở trung tâm dưỡng lão có muốn về quê cũ, tất thảy đều lắc đầu rồi nói: Ở đây sướng vì có người bầu bạn, sẻ chia, có người chăm nom từ bữa ăn đến giấc ngủ, không còn cảnh đơn bóng như xưa. Tuổi già nên chẳng ai ước muốn gì chỉ mong thảnh thơi, an dưỡng đến cuối đời.