Khi vụ tai nạn lật canô kinh hoàng trên vùng biển huyện Cần Giờ ngày 2/8 dần qua đi thì mọi người cũng dần bình tâm để nhìn nhận mọi vấn đề. Nhưng một thực tế đau lòng vẫn tồn tại là có 9 người ra đi không bao giờ trở lại, trong đó có anh Trần Hữu Hiệp (sinh năm 1988).
Di ảnh anh Trần Hữu Hiệp
Trong lúc đối đầu với sóng dữ, Trần Hữu Hiệp đã dũng cảm cởi chiếc áo phao đang mặc trên người, trao cho một phụ nữ đang chới với giữa dòng nước dữ mà chẳng mảy may đắn đo. Nhường áo phao đồng nghĩa với nhường sự sống của mình cho người khác trong giờ phút sinh tử làm bao người xúc động.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông còn nhiều vất vả, Trần Hữu Hiệp là con thứ 3 và cũng là con út trong một gia đình ở xã Thạch Long, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Thân sinh anh là ông Trần Hữu Trọng (sinh năm 1957), bộ đội phục viên, ông và vợ là bà Nguyễn Thị Thìn (sinh năm 1958) cả hai ông bà sức khỏe đều yếu. Chưa kịp mừng cho con tìm được việc làm ổn định thì chuyện đau buồn xảy ra. Trong ba anh em thì Hiệp được mọi người khen đẹp trai nhưng ít nói nhất nhà. Tốt nghiệp Trường cao đẳng Hóa chất Phú Thọ năm 2008, anh Hiệp công tác tại Hà Nội một thời gian, đến năm 2011 thì được nhận vào làm việc tại Công ty Sản xuất ống thép Dầu khí Tiền Giang. Nhưng chưa đầy 3 năm sau anh ra đi cùng 8 người khác trong vụ tai nạn lật canô ở huyện Cần Giờ, TP HCM.
Thi thể anh được tìm thấy lúc 17 giờ 20 phút ngày 4/8. Anh Hiệp được phía công ty, cơ quan chức năng cùng người thân đưa về quê nhà an táng. Những người thân trong gia đình kể lại rằng, khi gia đình đang làm thủ tục khâm liệm tại bệnh viện thì có một phụ nữ trẻ đang mang thai được chồng đưa đến, khóc thương anh Hiệp. Người phụ nữ này kể trong nước mắt rằng, chị là một trong những người được anh Hiệp kéo vào thành canô để bám giữ, khỏi bị sóng cuốn đi. Chị còn cho biết thêm, là ngoài việc cởi áo phao cho một phụ nữ trên cùng chuyến đi gặp nạn, anh Hiệp cũng tìm cách kéo 3 người khác đang chới với, đưa vào bám thành canô để đợi cứu hộ.
Trần Hữu Hiệp mất đi đã để lại nỗi tiếc thương vô hạn của gia đình, người thân và bạn bè nhưng trên tất cả là sự kính phục lòng dũng cảm của anh. Vì thế, sáng ngày 6/8, người dân xã Thạch Long, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) và bạn bè đã tập trung về gia đình ông Trần Hữu Trọng (thôn 4, xã Thạch Long) để tiễn đưa người con dũng cảm về nơi an nghỉ cuối cùng. Bên cạnh đó là rất đông đoàn viên, thanh niên ở địa phương cũng tới tiễn đưa anh. Anh là tấm gương sáng về sự hy sinh, lòng dũng cảm và trên hết là tình người trong hoạn nạn.
Hành động dũng cảm quên mình để cứu người bị nạn của anh Hiệp khiến tôi nhớ đến câu chuyện em Lê Văn Được, học sinh lớp 9 xã Thanh Ngọc, Thanh Chương, Nghệ An đã quên mình cứu 5 em nhỏ khỏi chết đuối trên dòng sông Gang (rào Gang) cách đây không lâu. Tên em được xướng lên trong chương trình “Vinh quang Việt Nam lần X” diễn ra ngày 13/7/2013 vừa qua. Tôi vẫn nhớ giây phút em rụt rè khi người dẫn chương trình hỏi lớn lên em ước mơ làm gì. Trong ánh mắt ngây thơ, trong sáng, em trả lời là mong muốn sau này lớn lên được nhập ngũ trở thành bộ đội, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc… Nhưng ấn tượng hơn nữa là em bảo rằng, khi thấy các bạn nhỏ gặp nạn thì lao xuống cứu chứ bản thân không hề nghĩ gì. Câu chuyện về hành động dũng cảm của em “cứu làng” tránh khỏi cảnh đại tang đã làm cho bao người xúc động thời gian qua.
Bí thư Trung ương Đoàn, anh Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, quyết định trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho đoàn viên Trần Hữu Hiệp được ký trưa 7/8. Ngày 8/8, Huy hiệu sẽ được trao tặng cho đại diện gia đình anh Hiệp tại Thanh Hóa.
Nhường sự sống của mình cho người khác - đó đích thực là con người vĩ đại!