Năm Nghĩa là tên thường gọi của nhà ngoại cảm Vũ Thị Minh Nghĩa, năm nay 62 tuổi, ở xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Suốt gần hai chục năm lăn lộn, vắt kiệt sức mình trong các cánh rừng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, bà Năm đã lưu giữ hàng nghìn di vật quý báu, thổn thức, có ý nghĩa của đồng đội mình - những người anh hùng trẻ tuổi đã vị quốc vong thân. Đến nay đã có tới 4.000 hiện vật đến từ đáy các huyệt mộ thấm đẫm máu đào những người lính vệ quốc được trưng bày tại nhà bà Năm…
Dường như, chỉ có “đại công trường” khai quật, tìm kiếm 1.499 hài cốt liệt sĩ ở “địa ngục trần gian” xung quanh trại tù binh Phú Quốc (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) là bà Năm “thi công” cùng với nhiều người khác nữa. Còn lại, hàng trăm hàng nghìn chuyến đi tìm kiếm hàng nghìn bộ hài cốt khác khác, toàn bộ là bà Năm tự “định vị”, tự tay đào bới, tự tay cất bốc và lượm lặt các di vật của đồng đội mình. Di vật nào cũng thấm máu, chôn chung với xương cốt các liệt sĩ.
Xin được hỏi lại, có nơi nào trên thế giới trưng bày nhiều di vật mang lên từ đáy huyệt mộ của những người lính đã “vì nước đã quên thân” như thế không? Điều đáng sửng sốt hơn, là tất cả các di vật đều được khai quật, lưu giữ bởi bàn tay 1 người phụ nữ với số phận tận cùng cay đắng.
Kỷ vật của các liệt sĩ trưng bày trong bảo tàng.
Từ ngày rời quê lúa Thái Bình sau cơn chết lâm sàng 28 tiếng đồng hồ, ngậm ngùi tổ chức cưới vợ cho chính chồng mình xong, bà Năm vào hẳn miền Nam sinh sống và hiến trọn đời mình cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Thuê nhà trọ, ăn mỳ tôm, uống nước suối, ăn quả rừng, lập lán dã chiến, có khi chỉ 1 mình ở vài tháng trong rừng để khai quật các hầm mộ, cọ sạch các hòm đạn vừa đào được, bỏ các bó xương đồng đội vào đó rồi gùi cốt ra khỏi rừng.
Về nhà cọ rửa, phân loại, xắp xếp kỹ càng, trước khi đích thân bắt xe đò, tự tay đem trao trả xương cốt ấy cho từng gia đình. Những di vật mang lên từ các nấm mồ, lúc đầu bà Năm cất trong nhà trọ, sau chật quá, mà chủ nhà cũng… sợ “ma”, nên bà Năm đành phải “sơ tán” đi gửi. Bà phải khênh đi gánh lại trong mỗi lần chuyển nhà trọ vô cùng cực nhọc.
Đến lúc, được nhà nước và các doanh nghiệp hỗ trợ tiền, đất (rộng tới 6.000m2 ở xã Hòa Long) để dựng Đền thờ các liệt sĩ, được nhà chùa giúp các liệt sĩ “quy hướng tâm linh”, bà Năm mới thỏa nguyện lập một bảo tàng di vật liệt sĩ. Bà nhờ cán bộ của Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc vào nghiên cứu, phân loại, bảo quản, trưng bày. Bây giờ, về hình thức, đó là một bảo tàng tư nhân có quy mô, có tính chuyên nghiệp và ý nghĩa đến mức ai đến thăm cũng khó cầm lòng cho đặng...
Khoảng 4.000 hiện vật ở “bảo tàng tại gia” này có thể xếp thành các nhóm như sau:
- Những thứ mặc, đeo trên cơ thể người lính, từ đỉnh đầu như cái mũ, cho đến bàn chân như đôi dép… Những thứ này có thể của ta hoặc của địch mà ta đã thu dạng “chiến lợi phẩm” rồi sử dụng.
- Những thứ trong hành trang người lính như: Máy ảnh, túi, ví, sổ tay, thư từ, nhật ký chiến trường.
- Tiếp đến là vật dụng mà người lính sử dụng, như súng, đạn các loại, bi đông, hòm đạn lớn, bé…; những thứ mà địch dùng để tra tấn, bắn giết người lính Cụ Hồ, như đinh mười đóng lên thân thể, dây dù để trói người bắn giết tập thể…
Kỷ vật của các liệt sĩ trưng bày trong bảo tàng.
Trong phòng “bảo tàng” rộng, bờ tường cao có gắn các hàng chữ to, màu đỏ, đó chính là những lời ai điếu xót xa mà bà Năm dành cho đồng đội của mình: “Hết giặc rồi sao (các anh) không dậy mà vui?”; “Đồng đội ơi, tôi gọi mãi sao không ai trả lời?”; “Tổ quốc yên rồi, các anh đâu hết?”.
Trên bờ tường và khắp các khu trưng bày là tầng tầng lớp lớp di vật. Nhiều nhất vẫn là những cuộn dây dù xanh, trắng được địch dùng để trói các chiến sĩ bộ đội, trước khi bắn, tra tấn họ đến chết (hoặc chôn sống). Có anh y tá đem xuống “mồ” đủ các loại thuốc; có anh nhà báo đem cả chiếc máy ảnh Pentax bọc trong 6 lớp nylon, kèm theo các tấm ảnh đen trắng còn khá rõ nét.
Và, suốt bao năm, với nhiều nghìn liệt sĩ đã được bà Năm tìm kiếm, cất bốc, trao trả cho các gia đình, đưa vào các nghĩa trang; thì bao giờ bà cũng nhận được ảnh chân dung của các liệt sĩ từ phía gia đình gửi. Bà Năm đã kỳ công cho chụp lại, in tráng toàn bộ các chân dung đó, cùng cỡ, cùng hai màu đen trắng rồi trưng bày kín lên các bức tường, các tấm pano trong phòng “truyền thống”.
Đây là cả hệ thống các lọ thủy tinh đựng giấy tờ ghi tên, tuổi, địa chỉ của các liệt sĩ. Họ đã “chuẩn bị hành trang để sẵn sàng hy sinh” rất chu đáo. Tất nhiên, nhiều nhất vẫn là hệ thống súng đạn nằm chung với xương cốt liệt sĩ trong các hầm mộ.
Đây là chiếc bi đông bị đạn kẻ thù bắn toạc một góc, chiếc radio vẫn nguyên hình hài nằm chung với một bộ xương trắng! Nhiều nhất vẫn là những chiếc ví, những con tem, chứa cả tập giấy tờ văn bản bị đạn xuyên thủng một lỗ tròn vo, xuyên qua ví rồi xuyên vào tim người lính trẻ vệ quốc ấy (ví như trường hợp của liệt sĩ Trần Văn Dũng, sư đoàn 9). Di cốt nữ liệt sĩ Lý Thị Miền, ở trạm xá Bảo Lâm, Bà Rịa - Vũng Tàu còn được khai quật lên với cả… tấm gương trang điểm tròn xoe, xinh xắn.
Với di vật từ cái gọi là “mồ” của liệt sĩ Trần Ngọc Thành (đơn vị hậu cần 82, hy sinh năm 1968) thì lại khiến người ta ghê rợn: 9 cái đinh khổng lồ, sắc nhọn, dù đã hoen gỉ. Đế quốc Mỹ đã dùng đinh này đóng thẳng vào lồng ngực anh Thành khi anh kiên quyết không hợp tác với kẻ thù.
Đặc biệt nhiều là “thế giới tinh thần phong phú” của các liệt sĩ. Thư và sổ tay của rất nhiều liệt sĩ đã được trưng bày; thậm chí bà Năm còn đào được cả giấy khai sinh của liệt sĩ Lê Đắc Mẫn; thư “tình” của liệt sĩ Nguyễn Hữu Liệu; sổ tay bay bướm, đầy tính thẩm mỹ với các hoa văn họa tiết diêm dúa của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Toán; bên cạnh là “Nhật ký chiến trường” của liệt sĩ Bùi Văn Rung. Chưa hết, liệt sĩ Hà Thanh Dương còn đem theo cả giấy chứng nhận Huân chương chiến công xuống mồ, để rồi bà Năm kỳ công tìm kiếm, đào bới, mang nó trở lại dương gian.
Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với câu chuyện về liệt sĩ Trần Văn Dũng (khai quật tại căn cứ Bào Lâm, Bà Rịa - Vũng Tàu), trong mộ, cùng với xương cốt còn có một chiếc nhẫn vàng ròng “còn nguyên giá trị”. Bên cạnh là đôi bông tai của nữ liệt sĩ Lê Thị Tòng, thuộc đơn vị T4, được khai quật tại bờ sông Sài Gòn, thuộc Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Nhờ hình dáng và chất liệu đôi bông tai này, mà gia đình nữ liệt sĩ vỡ òa sung sướng nhận ra chính xác xương cốt của người thân…
Lại một ngày 27.7 tri ân các anh hùng liệt sĩ nữa đến rồi, người viết bài này xin được nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ, cũng nghiêng mình rơi lệ trước tấm lòng của bà Năm Nghĩa! Những ngày và đêm ở trong Bảo tàng di vật liệt sĩ, trong nhang khói lởn vởn, trong tiếng nhạc Hồn Tử sĩ bi tráng, và bên vài chục bộ hài cốt phủ cờ đỏ sao vàng vừa được bà Năm đi đào về, tôi đã khóc vì những gương mặt người trẻ ngã xuống cho non sông cứ xếp kín, cứ trải rộng miên man trên các bức tường khổng lồ... Chợt giật mình: Nếu trưng bày đầy đủ di vật của các liệt sĩ đã nằm xuống “cho tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”, thì thử hỏi phải có bao nhiêu bức tường như vậy mới đủ nhỉ (?!)
Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao Động