Cả Hội trường UBND TP Cà Mau lặng đi khi nước mắt rơi trên gương mặt khắc khổ của bà Trần Thanh Lan (SN 1949) - người phụ nữ đơn thân, 20 năm chèo đò nuôi 8 người con ăn học thành tài.
Cuộc sống của bà Trần Thanh Lan bây giờ tràn ngập niềm vui và hạnh phúc
Bà Trần Thanh Lan (thứ tư từ phải sang) được UBND TP Cà Mau tuyên dương gia đình hiếu học năm 2013
Phút chốc trắng tay
Bà Trần Thanh Lan quê ở xã Tân Thành, thị xã Cà Mau. Là chị cả trong gia đình có 3 chị em, bà Lan học hết lớp 5 trường làng ở bên sông Ô Rô rồi phụ cha kiếm sống bằng nghề chạy đò dọc từ Ô Rô, xã Tân Thành ra thị xã. Sau khi lập gia đình, bà về sống với chồng là một thợ máy ở bờ sông Phụng Hiệp, khóm 5, phường 5. Vợ chồng mưu sinh bằng nghề đi ghe, chuyên chở hàng thủy sản từ các huyện về nhà máy chế biến và các vựa thủy sản ở chợ thị xã. Cuộc sống bấy giờ khá ổn định và hạnh phúc với căn nhà xinh xắn bên bờ sông và những đứa con ngoan ngoãn, được đến trường đàng hoàng. Cả hai tự nhủ sẽ dành dụm tiền mua một chiếc ghe lớn chở hàng để chăm lo tương lai cho các con đàng hoàng hơn. Thế nhưng, dự định này đã không thành.
Năm 1985, trong một chuyến chở hàng tôm đông lạnh xuất khẩu từ Năm Căn về Cà Mau, ghe của vợ chồng bà Lan không may bị chìm. Ông bà phải bán tất cả tài sản để bồi thường nhưng không cứu vãn được gì. Cuộc sống đang ổn định bỗng chốc lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Trong lúc tinh thần suy sụp, người chồng đã bỏ nhà ra đi, để lại bà và 8 đứa con bơ vơ bên bờ sông Phụng Hiệp, không tiền, không nhà cửa và nợ ngập đầu. Dân xóm thấy thương tình, cho mẹ con bà mượn miếng đất nhỏ bên bờ sông làm chỗ nương thân. Nhiều đêm nước mắt ướt gối, người phụ nữ ốm yếu này tự nhủ với lòng dù có đói cũng cố gắng không để các con phải bỏ học. Chính suy nghĩ ấy đã như một liều thuốc nhiệm mầu, tiếp thêm nghị lực sống cho bà và các con.
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
Hai năm sau, dù cuộc sống vẫn còn khó khăn trăm bề, chủ nợ cứ kéo đến đòi tiền như cơm bữa nhưng người con trai lớn của bà đã đậu vào Trường ĐH Y Dược TP HCM, trở thành niềm tự hào của gia đình và cả xóm nghèo. Những người con còn lại vừa học giỏi lại hiếu thảo, thường phụ mẹ buôn bán ở bến đò. Khi đã vào ĐH, các con bà cũng làm thêm đủ nghề từ tiếp thị, bán giày, vá xe, chạy bàn... để phụ mẹ lo tiền học phí. Cứ như vậy, 8 người con của bà đùm bọc lẫn nhau và vượt qua được chuỗi ngày khó khăn.
Hiện nay, các con của bà Lan đều đã thành đạt, nhiều người trong số này đã trở về đóng góp công sức cho quê hương. Người con trai lớn Ngô Thanh Tân ra trường trở thành bác sĩ về làm việc tại Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh Cà Mau, cô con gái thứ tư Ngô Kim Chi làm việc cho Xí nghiệp Dược Minh Hải, con trai thứ bảy Ngô Vĩnh Tân đang là kỹ sư xây dựng ở Cà Mau. Những người con còn lại đều làm công nhân tiện, kỹ sư điện tử, bác sĩ, kiến trúc sư ở Hà Nội và TP HCM.