Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, tuy không giàu tiền bạc nhưng gia đình ông lại giàu chữ nghĩa tri thức. Ông bà được mọi người trong tổ dân phố biết đến nể phục, bởi bằng đôi bàn tay lao động đã nuôi được cả 6 người con ăn học tử tế thành tài. Tính cả dâu, rể, gia đình ông có 12 tiến sĩ, cử nhân...
Gia đình Ông Lai (chụp lại từ ảnh gia đình)
Cha mẹ nông dân quyết không để con thất học
Đó là gia đình ông Lê Lai và bà Nguyễn Thị Hoa, ngụ tổ 53 phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng). Ngôi nhà hai tầng khang trang nước sơn còn mới "cóng", bên trong đầy đủ tiện nghi của ông bà ở cuối đường Nguyễn Lương Bằng, nói lên tất cả sự đầy đủ ấm áp của ông bà lúc tuổi già. Ông bà năm nay đều đã ngoài sáu mươi tuổi, nhưng cả hai vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi. Họ vẫn đều đặn vào xưởng sản xuất của gia đình 8 tiếng một ngày, vừa quản lí vừa tham gia sản xuất với hơn chục công nhân đang làm việc tại đây.
Ông sinh năm 1947 lớn lên trong những năm chiến tranh kháng chiến chống Mỹ khốc liệt nhất. Ông vốn ham học nên dù nhà nghèo, nhưng ông cũng theo học được đến trường trung cấp Kỹ thuật Đà Nẵng có tiếng thời bấy giờ. Khi ông vừa nhận được giấy báo của trường Bách công Sài Gòn (tiền thân của trường đại học Bách khoa TP.HCM) thì được tin mình bị bắt lính. Vì không muốn làm tay sai cho ngụy quyền chống lại chính đồng bào mình, nên ông đã tìm cách để mình có thể trở thành một người công nhân cơ khí, thỏa một phần ước mơ thời trai trẻ.
Còn bà là một cô du kích nhỏ xinh xắn nức tiếng khắp vùng lúc bấy giờ được nhiều người để ý. Cô vẫn chưa ưng một ai, mà thầm để ý anh chàng công nhân vừa khéo tay vừa "khéo miệng". Một đám cưới giản dị báo hỉ với hai bên họ hàng, bạn bè gần xa đến chia vui cho cái kết về một tình yêu đẹp của đôi uyên ương. Đất nước thống nhất một nách ba con nhỏ, vợ thương binh (bà Hoa là thương binh loại ¾) không làm được công việc nặng. Cuộc sống gia đình càng trở nên khó khăn khi những đứa con cứ đứa sau nối tiếp chào đời. Đồng lương công nhân thời bao cấp không đủ nuôi sống hai miệng ăn, chứ đừng nói đến 8 miệng ăn như gia đình ông.
Hiểu được hoàn cảnh gia đình khó khăn các con ông đứa nào cũng rất ngoan ngoãn, học giỏi. Là một người có học, ý thức được việc học vô cùng quan trọng với cuộc sống của các con sau này, nên dù hoàn cảnh gia đình khó khăn đến mấy ông cũng không một lần cho phép các con có ý định bỏ ngang chuyện học hành của mình. Ông quyết định nghỉ việc tại nhà máy theo chúng bạn lên rừng xẻ gỗ để con được ăn no có sức đến lớp học chữ. Bà ở nhà một tay chăm con, một tay chăm heo, mở cửa hàng may kiếm thêm tấm áo cho các con đến lớp. Chưa ổn định thì Nhà nước không cho phép khai thác gỗ, ông bỏ nghề xẻ gỗ xoay qua làm pháo để gia đình khỏi lao đao về nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Hai vợ chồng lao động quần quật cả năm chỉ mong các con học hành đến nơi đến chốn. Năm 1989 khi cậu con trai cả Lê Đình Quang thi đỗ vào trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, ông như vỡ òa trong sung sướng bởi những nhọc nhằn khó khăn bấy lâu nay của ông bà đã được đền đáp xứng đáng. Không chịu thua kém anh, các con gái ông bà lần lượt thi đậu vào trường đại học Kinh tế Đà Nẵng với những điểm số cao ngất ngưởng lúc bấy giờ. Tiếp bước các chị, hai cậu con út Đình Chương, Chí Cường cũng lần lượt đậu vào các trường đại học Kiến Trúc TP.HCM, đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Ông Lai cẩn thận lưu giữ những tấm bằng khen của gia đình
Vay nặng lãi nuôi con học đại học
Cùng với sự tự hào thì những ngày tháng vất vả nhất của ông bà cũng bắt đầu từ đây. Ông kể 16 năm nuôi con ăn học tuy không vất vả như những năm hai vợ chồng gồng mình chạy ăn từng bữa cho cả nhà. Nhưng để tránh cho các con không phải bỏ học giữa chừng, không có đứa nào không được đi học ngay từ khi các con còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông ông đã có những định hướng với các con. Vừa để tiết kiệm kinh phí, vừa để cho tất cả các con đều được học hành đến nơi đến chốn, những đứa đầu đều phải tuân thủ nguyên tắc, thi và học ở các trường gần nhà. Chỉ đến cậu con trai thứ 5 Lê Đình Chương mới được đặc cách thi trường xa nhà, do anh Chương đam mê ngành kiến trúc, mà lúc đó ở Đà Nẵng chưa có trường nào đào tạo ngành này.
Sự định hướng của ông Lai, bà Hoa với các con trước ngày thi đại học tưởng sẽ làm chùn bước chúng. Nhưng nó lại là động lực để các con quyết tâm hơn. Để có thể vào được các trường đại học danh tiếng của miền Trung lúc bấy giờ với điểm số cao chót vót, các con ông phải nỗ lực rất nhiều. Còn nhớ năm đầu tiên anh Quang thi vào đại học nhưng không đỗ, ông bà vừa động viên vừa ép buộc khi Quang có ý định thôi học để đi làm. Đáp lại Quang đã đỗ vào trường đại học Bách khoa Đà Nẵng sau ba lần nộp hồ sơ thi đại học. Khác với cậu con trai cả, cậu con út Lê Chí Cường vốn là niềm hi vọng của cả nhà thi đỗ đại học ngay năm đầu tiên.
Tuy đỗ đại học với điểm số không như kì vọng, nhưng chỉ sau ba năm quyết tâm theo đuổi đam mê của bản thân mình cậu đã trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất chuyên ngành mình theo học. Bằng thành tích học tập của mình Chí Cường đã được một công ty chế tạo phần mềm tại Khu công nghệ cao Tân Tạo TP.Hồ Chí Minh tuyển dụng khi đang theo học năm thứ 4 tại trường. Không chỉ các con đẻ của ông mà tất cả dâu rể của ông cũng đều có trình độ đại học trở nên. Ông tự hào hàng năm cứ vào dịp tết đến đại gia đình có dịp đoàn tụ đông đủ, khi ba người con của ông đang lập nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh.
Ông Lai cho biết, trong số các con, cả dâu rể thì mình đã làm bố của 12 ông cử, bà cử. Trong đó tự hào nhất là cậu con rể lớn (anh Thế chồng của chị Ánh Nguyệt). Anh được giữ lại trường đại học giảng dạy, học cao học rồi bảo vệ luận án tiến sỹ ở nước ngoài khi mới hơn ba mươi tuổi. Trong 6 người con của ông hiện giờ có đến 3 người đang nắm giữ chức vụ Giám đốc nơi mình công tác, người "khiêm tốn" nhất cũng giữ chức trưởng phòng. Hiện nay khi các con đã thành đạt có cuộc sống riêng của mình, ông bà cũng như các con cũng không quên được những ngày tháng cơ cực nhất của gia đình.
Ông kể có lúc bốn người con là Quang, Nguyệt, Thảo, Dung cùng ngồi trên ghế giảng đường ông không xoay đâu ra tiền. Chỉ "nhăm nhe" người thân họ hàng ai có tiền để dành là sang mượn để lấy tiền cho con đóng học. Ông phải vay chỗ này đập vào chỗ khác khi họ có việc dùng đến, nhiều lúc bí quá ông liều đi vay nặng lãi để cho con đóng tiền học. Mãi đến cách đây vài năm ông mới trả hết nợ. Bây giờ khi đã cả hai vợ chồng đều đã ngoài 60 tuổi, hàng ngày ông bà vẫn miệt mài lao động cùng hơn chục nhân công trong phân xưởng của gia đình. Niềm vui của ông bà là cuối tuần được đoàn tụ sum vầy cùng những đứa cháu ngoan ngoãn học giỏi, tiếp tục làm rạng danh gia đình.