Bình dị đời người thương binh
Nhắc tới người thương binh Nguyễn Công Huy (ảnh) ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dường như ai cũng biết tên, dù chưa gặp mặt. Chúng tôi tìm về xã Nam Xuân. Thì ra đó là người thợ sửa chữa đồ điện tử. Gọi nơi ông làm việc sao cho phải nhỉ. Gọi là quầy thì nghe như có hơi hướng thương mại một chút, mà ông thì không có gì để buôn bán cả. Thôi thì tạm gọi là một cái ki-ốt nho nhỏ vậy. Một mình ông tỉ mẩn lắp đặt linh kiện cùng vài ba người đến nhận đài đã được ông sửa chữa. Một vài người bọc đài trong tấm khăn cũ, rụt rè nhờ ông “ngó coi”. Người thương binh nặng, mất trên 90% sức khỏe, điềm đạm ngồi hầu chuyện với người này, người khác. Giọng ông đều đều, rỉ rả. Ông rời trại an dưỡng, dành cho thương binh nặng, giờ ông đang sống bình yên trong ngôi nhà có một người vợ hết mực thương yêu chồng tàn nhưng không phế, và lần lượt sinh cho ông 4 người con khôi ngô, có nếp có tẻ. Vậy là ông bằng lòng với cuộc sống hiện tại lắm rồi.
Nhắc đến những ngày cơ cực khi mới về làng, ông chỉ nói đơn giản:
- Ngày đó ai chẳng vậy, riêng gì tôi. Nhiều bạn bè cùng đại đội tôi không được may mắn trở về quê hương. Có anh em cho đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.Tôi chỉ biết gắng gỏi cho các con cơm đủ ăn, áo đủ mặc, được cắp sách đến trường như bạn bè chúng trong thôn, xóm. Lỡ có thiếu thốn, chòm xóm cũng không để thương binh phải rơi vào cơ cảnh đâu mà.
Ông nói về câu chuyện nghề nghiệp trái ngoe của mình:
- Tôi vốn là thợ xây, tốt nghiệp trung cấp xây dựng. Nhưng đến năm 1970 nhập ngũ nên tay thợ chưa kịp trau dồi đã phải xếp lại rồi bỏ luôn. Bị thương, trở về địa phương mình thành người vô nghề nghiệp. Vả lại, có nghề cũng đành bó tay. Chân tay bị liệt, còn làm ăn gì được nữa. Cũng may là có người con gái thương anh thương binh về làng, không so đo, tính toán. Một lòng tần tảo nuôi chồng nuôi con . Chúng tôi có một gia đình, tuy nghèo đấy, nhưng đầm ấm thương yêu nhau. Đói no, cơ hàn cùng chia sẻ.
Nhưng không lẽ ngồi đó, ngó vợ lam lũ đêm ngày. Những đứa con thơ lần lượt ra đời, rồi lớn lên. Phải lo cái ăn cho 4 con nhỏ, quả không đơn giản tí nào. Nhưng không chỉ có ăn mặc, mà còn phải học hành, ít chi cũng được như chúng bạn trong thôn, xóm. Đẻ chúng ra, để chúng thiệt thòi, thương không ngủ được. Vậy là tôi tìm đến nghề điện tử này. Thoạt đầu là mua sách về đọc, tự học. Dùng những chiếc đài cũ kỹ tháo ra, lắp vào. Đối chiếu từng linh kiện nhỏ với sách hướng dẫn. Khi đã có chút ít hiểu biết, mày mò sửa chữa miễn phí một vài đài hỏng, tôi tự tin nhận đài về sửa chữa. Làm nhiều thành quen thôi mà, không phải quá khó.
- Vậy là anh đã có thu nhập, góp sức với vợ, nuôi con. Thiệt mừng cho anh.
Không rõ vì cớ chi, anh thương binh lại cười thành tiếng:
- Không có mô. Mần ni là để lương tâm mình đỡ khổ, nghĩa là mình muốn thực sự góp sức cùng vợ, chứ không an nhàn ngồi không. Sửa chữa được một cái đài, công xá chỉ vài ba chục nghìn, nhằm nhò chi. Tất cả trông nhờ vào mấy sào ruộng, mấy con lợn của bà nhà tui. Nhưng làm miết rồi cũng có cái thú. Bà con thương mình, đem đài đến như một sự động viên, ủng hộ. Còn mình làm cho chu đáo, rồi người nọ mách người kia… cũng có khách đều đều. Tay chân không đến nỗi để không.
Người dân xã Nam Xuân đồn đại về cái ki-ốt của ông thương binh Huy, chỉ một phần nhỏ thôi. Bởi vì, trong xã, trong huyện Nam Đàn số thương binh vượt khó nhiều lắm, không kể hết. Người be bờ làm ruộng, người trồng cây lấy quả, người ngược xuôi buôn bán… đủ nghề kiếm sống. Ông Huy hơn người ở chỗ, hướng cho các con ăn học, có tương lai nghề nghiệp bằng kiến thức của mình.
Ông Huy thực sự không muốn làm cái việc nhàm chán mà nhiều người hay làm là ôn nghèo kể khổ. Nhưng hoàn cảnh của ông thì quả là gian nan vất vả. Nhiều bữa vợ chồng đành ăn uống qua loa mấy củ khoai cho xong bữa, để nhường lưng cơm cho các con no bụng, học khuya. Ngoài trời, gió rét căm căm. Áo ấm không đủ che, mấy đứa con, mỗi đứa một góc nhà, trùm thêm chăn để học. Suốt những năm học phổ thông, 4 đứa con ông, 3 gái 1 trai đều là học sinh giỏi toàn diện của trường. Có con thi học sinh giỏi ngoại ngữ, vật lý.
Đó mới thực sự là tấm gương cho nhiều bậc cha mẹ trong xã, trong huyện. Nhưng sự cảm phục gia đình thương binh Nguyễn Công Huy không dừng lại ở đó. Sau mỗi năm học, điều kinh ngạc cho bà con chòm xóm lại lớn hơn khi hết đứa lớn sang đứa nhỡ, đứa bé, đứa bé hơn… út ít trong nhà đều thi đỗ ĐH. Có đứa đậu liền 2 trường. Giấy báo thi đỗ ĐH ngoài Hà Nội gửi về ngôi nhà đơn sơ có tên người nhận là Nguyễn Công Huy, xóm 1, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cô con gái đầu thi đỗ vào trường ĐH sư phạm Vinh. 2 năm sau, cô con gái thứ 2 cũng thi đỗ vào chính trường người chị đang học. Nhưng gia đình ngày đó túng quá, liệu sức không chu cấp nổi cho con học ĐH, người cha đành xin rút hồ sơ để chuyển cho con sang trường cao đẳng. Ông nói:
- Đó là một quyết định không dễ dàng. Tôi và mẹ nó mất nhiều đêm trằn trọc không ngủ được. Gia đình người ta, con đỗ đạt là niềm vui lớn, làm cỗ khao cả họ hàng để thỏa niềm vui. Nhưng con mình thi đậu, vui thì có vui nhưng lòng dạ bời bời trăm mối lo. Chị cả cháu còn những 2 năm học nữa. Sau cháu còn hai em, đứa nào cha mẹ cũng phải lo, không thể để đứa con nào quá thiệt thòi. Thương con đến ứa nước mắt, thương lắm. Nhưng không còn lựa chọn nào hơn. May sao, cháu cũng hiểu thấu lòng cha mẹ, chia sẻ với chúng tôi.
Đến cô con gái thứ 3, kỳ thi năm đó gíấy báo đỗ 2 trường ĐH từ Hà Nội lần lượt về tới nhà. Đỗ một lúc 2 trường, lại thêm nhiều băn khoăn, lựa chọn. Nhưng ngày nhập học cũng đã đến. Đứa con hiếu thảo, bền chí của gia đình nghèo từ biệt người cha thương binh, người mẹ tần tảo, từ biệt các chị và em cùng bạn bè, bà con chòm xóm lên tàu. Trong niềm vui của cô sinh viên lần đầu nhập trường không thể ngăn được những giọt nước mắt thầm chảy trong đêm đầu tiên xa nhà. Thương cha, thương mẹ, thương cho cảnh nghèo mà đầm ấm đã nuôi lớn cô trong chừng đó năm. Cô nhủ mình, thôi đừng nghĩ ngợi nhiều nữa, để thương để nhớ vào trong lòng, lo học hành, để cha mẹ khỏi buồn.
Cậu em trai út ít rồi cũng lớn lên cùng năm tháng. Cũng theo gương mấy chị, cậu chăm việc nhà, lo học hành. Ngày vào cấp 3, em đã nộp đơn thi khối chuyên toán ĐH Vinh. Nhà trường đã gọi em nhập học. Nhưng khổ nỗi, nhà xa, chu cấp cho em trên TP quá tốn kém. Cha em đành để em học tại trường huyện, đi đi về về trong vòng vài cây số. Em nghĩ, đã có chí thì trường nào học cũng được. Nếu có thiệt thòi ít nhiều, sau này sẽ tìm cách bù đắp thêm. Vậy là em yên tâm ở lại trường huyện. Sau 3 năm học, cũng như người chị trước đây, em đã thi đỗ cùng lúc 2 trường ĐH sáng giá bậc nhất: Trường ĐH Y khoa và trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Trong đầu cậu bé 18 tuổi bộn bề những cân nhắc. Nhưng cuối cùng em đã chọn ĐH Bách khoa là trường em sẽ tới học, mở mang kiến thức. Và một niềm thầm kín em mang theo khi giã từ gia đình: Gắng để mai sau đền đáp công ơn mẹ cha. Nhưng đó là chuyện của mai sau nên em giấu kín trong lòng, cố vui để lúc chia tay cha mẹ đỡ bịn rịn.
Chuyện nhà, ông Huy vẫn rỉ rả kể, mà đôi bàn tay vẫn tí tách trên từng con chíp tivi. Lâu lâu ông ghé mắt, kéo ngọn đèn chiếu rọi vào sâu trong cụm linh kiện. Trông ông, như thể không để tâm mấy tí vào câu chuyện. Nhưng chuyện của ông, chi tiết nào cũng hiện lên hình ảnh 4 người con hiếu học của mình. Không khoa trương to tát, ông chỉ kể về những nét đáng yêu của con mình, biết lặng lẽ thương yêu, biết chia sẻ với người cha thương binh, người mẹ nhọc nhằn. Những đứa con nay đang ở xa. Đứa thì ở Vinh, đứa ở tận Hà Nội. Có lẽ vì xa con mà lòng người cha lắng nỗi niềm thương nhớ. Và niềm tự hào của người cha, dẫu kín đáo, vẫn hiện rõ trên nét mặt người đàn ông điềm tĩnh, từng trải cuộc đời.