Bắt đầu làm nhạc cụ dân tộc từ năm 16 tuổi, cái duyên đưa ông Vược đến với nghề làm nhạc cụ cũng thật tình cờ. Ông nói: “Từ bé tôi đã mê âm nhạc. Tôi rất mê và thích những giai điệu của dân tộc và tò mò về cách thức sử dụng những nhạc cụ dân tộc ấy. Lúc đầu tôi đi rừng lấy gỗ. Sau đó tìm hiểu về các loại gỗ và chất liệu rồi tôi mới mày mò tự học làm đàn dân tộc”.
Dù tuổi đã cao nhưng ông Bùi Văn Vược vẫn đam mê
với công việc chế tác các loại nhạc cụ truyền thống
|
Các loại nhạc cụ truyền thống do ông Vược làm ra rất đa dạng, từ cây đàn bầu, tam thập lục, đàn đáy, đàn nguyệt, tì bà... cho đến những cây nhị, hồ, líu... Sản phẩm của ông Vược làm cũng nổi tiếng không kém những sản phẩm làm ở Đào Xá và đã được khách hàng quen ngoài Bắc như Học viện Âm nhạc Quốc gia, Thủy Nguyên (Hải Phòng), Đồng Xâm (Thái Bình), Hà Nội... và trong Nam có khách hàng từ Lâm Đồng, Phú Quốc... cũng như được nhiều nghệ sĩ sử dụng biểu diễn.
Để làm ra được cây đàn như ý, theo ông Vược, phải trải qua nhiều công đoạn rất công phu, cùng với sự tỉ mỉ của đôi tay tài hoa như chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, bịt da trăn, đánh bóng, trau chuốt, và hoàn thiện... Ông như người "nghệ sĩ nông dân" gửi vào từng sản phẩm những tinh túy nhất của tâm hồn và quê hương...
Theo ông Vược, khâu quan trọng nhất trong các khâu làm đàn là chọn nguyên liệu. Bưng đàn là bộ phận khá quan trọng trong cây đàn được ông Vược quan tâm nhất, theo ông bưng đàn phải là da trăn. Thân đàn cần làm bằng gỗ lát hoặc gỗ dổi, tùy theo loại đàn. Tất cả các công đoạn đều được ông Vược làm theo phương pháp thủ công đúng với kĩ thuật cổ, vì thế âm thanh của đàn rất chính xác.
Nghe ông ngâm nga giọng hát và lựa phím đàn lúc trầm lúc bổng, chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê cháy bỏng trong tâm hồn người thợ già mang tâm hồn nghệ sĩ.
Bài: Thục Hiền - Ảnh: Trần Thanh Giang (BAVN)