Ngày người yêu lên đường vào Nam chiến đấu, hai người nguyện thề sẽ cưới nhau làm vợ chồng khi đất nước thống nhất. Hơn 40 năm qua, dù người yêu không trở về và cuộc sống rất cần một điểm tựa nhưng bà từ chối tình cảm của nhiều người đàn ông để giữ trọn lòng thủy chung với người lính thuở nào.
Bà Bông và một trong số ít kỷ vật của người yêu.
Chuyện tình đẹp
Tôi tình cờ gặp bà Bùi Thị Bông (58 tuổi, ở tổ 12, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) khi theo chân một đoàn cựu chiến binh về Thủy Phương. Xe chở chúng tôi vừa dừng đầu địa phận tổ 12 thì bà Bông hớt hải chạy đến. Sau một lúc nhìn mặt, hỏi tên từng người nhưng không tìm được người cần gặp, bà lặng lẽ ra về với vẻ mặt thất vọng.
Tôi sẽ không biết câu chuyện tình yêu đẹp và lòng thủy chung hiếm có của người phụ nữ tóc bạc này nếu không theo bà về nhà. “Từ năm 1975 đến nay, mỗi lần có người lạ về đây là tui lại chạy ra xem có phải người yêu của mình trở về tìm mình không”- bà Bông mở đầu câu chuyện bằng việc giải thích lý do bà đến nhìn mặt, hỏi tên từng cựu chiến binh trong đoàn lúc nãy.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ngôi nhà của gia đình bà Bông là nơi nuôi giấu bộ đội. Con sông Vực gần nhà bà là giới tuyến giữa ta và địch. Cũng như bố mẹ và 4 người em trai của mình, bà Bông tích cực tham gia nuôi bộ đội và chèo đò đưa quân ta bí mật vượt sông Vực đánh giặc. Trong số bộ đội được gia đình bà cưu mang có chiến sĩ Nguyễn Văn Ty, quê ở Thanh Hóa. Anh Ty vào chiến trường Huế khi vừa tốt nghiệp một trường đại học ở Hà Nội. Tình yêu giữa bà và chiến sĩ này nảy nở trong những ngày đồng cam cộng khổ đánh giặc.
Người dân trong vùng và những người lính cùng đơn vị với anh Ty ra sức tác hợp cho cặp trai tài gái sắc. Đôi trẻ nguyện lấy nhau làm vợ chồng khi đất nước thống nhất. Nhưng hoàn cảnh chiến tranh khiến con người ta không ngờ trước được bất cứ điều gì. Năm 1972, chỉ sau hơn nửa năm hai người công khai tình yêu, anh Ty được điều động vào miền Nam chiến đấu. Yêu nhau mãnh liệt nhưng lúc này người con gái 17 tuổi và chàng trai tuổi 22 hiểu rằng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là trên hết.
Trước khi cùng đồng đội hành quân vào miền Nam, anh Ty trao một số giấy tờ tùy thân cùng tấm bằng đại học và một số vật dụng của người lính cho bà giữ. “Anh nói đưa cho tui những thứ này để làm tin và khẳng định chỉ lấy tui làm vợ sau khi đất nước thống nhất. Tui cũng hứa sẽ chờ đến lúc anh trở về và sẽ không lấy ai khác ngoài anh làm chồng”- bà nhớ lại.
Thủy chung một đời
Sau ngày người yêu vào Nam, chiến tranh ngày càng ác liệt và gian khổ nên hai người không có điều kiện thư từ cho nhau. Rồi vùng đất Thủy Phương thường xuyên bị Mỹ ngụy càn quét, những gia đình nuôi giấu bộ đội đều bị giặc giết hại nếu chúng phát hiện. Để đảm bảo bí mật, bà giấu những kỷ vật của người yêu vào một vỏ lon sữa rồi đem chôn ở một góc vườn. Những lúc nhớ người lính trẻ, bà thường bí mật đưa những kỷ vật này lên xem.
Rồi chiến tranh đi qua, mặt đất trở lại yên tĩnh nhưng hậu quả mà chiến tranh để lại khiến người dân vùng Thủy Phương kinh hoàng. Chất độc hóa học mà giặc thả xuống khu vực này trong thời kỳ chiến tranh bắt đầu gieo rắc tai họa khủng khiếp. Nhiều người thân của bà lần lượt ra đi vì bệnh tật do hóa chất gây ra, những người còn lại thì sống trong cảnh phế tàn. Nhưng những mất mát và sự cực nhọc không làm héo tàn con tim yêu thương của bà.
Lúc này, những chàng trai trong vùng và những người lính từng bám trụ tại Thủy Phương trước khi vào miền Nam chiến đấu lần lượt trở về làng tìm lại gia đình, người yêu. Những cảnh sum họp ấm áp ấy khiến bà thấp thỏm hy vọng. Ngày nào có bộ đội trở về làng là bà lại thảng thốt chạy ra xem, bà hy vọng người yêu của mình cũng trở về. Nhưng rồi ngày này sang tháng khác, năm này đến năm khác, trong số những người trở về không có người yêu của bà. Là người con gái duyên dáng, đảm đang và đức hạnh, bà được nhiều chàng trai trong vùng để ý. Nhưng tình yêu và sự thủy chung khiến bà quyết giữ lòng kiên định. “Đến nay tui đã chờ đợi anh tròn 41 năm. Những kỷ vật anh để lại cho tôi hầu hết đã mục nát theo thời gian, nhưng tui vẫn đều đặn mở ra xem cho vơi nỗi nhớ. Có thể anh đã ngã xuống nơi chiến trường nhưng tui vẫn chờ, chưa hẳn vì để được gặp lại anh mà vì để giữ trọn lòng thủy chung với anh”- bà tâm sự với cặp mắt đỏ hoe.
Không gục ngã
Sau chiến tranh, mẹ bà Bông bắt đầu phát bệnh vì chất độc hóa học. Mẹ vừa qua đời cũng là lúc người em tên Dư của bà bắt đầu ngã bệnh. Chân anh Dư ngày càng bị co quắp, đi lại hết sức khó khăn. Trong một trận lụt, để lo thức ăn cho cả nhà, anh Dư lê từng bước khó nhọc đi bắt cá. Phát hiện anh Dư bị mắc kẹt trong cống thoát nước, cha bà vào cứu con khiến cả 2 người bị chết ngạt trong cống.
Rồi 3 người em trai khác của bà cũng lần lượt mắc chứng bệnh lạ, hai chân co quắp và dính vào nhau, hoàn toàn mất cảm giác. “Thằng Tới, thằng Tu rồi đến thằng Hộ lần lượt ngã bệnh. Tui đưa chúng đi bệnh viện nhưng bác sĩ bảo không có thuốc chữa”- bà kể. Cảnh ngộ đó khiến một mình bà vừa phải tần tảo ruộng đồng vừa chăm sóc các em. Mới đây, người em tên Hộ vì không chống chọi nổi với sự hành hạ của bệnh tật nên đã qua đời. Rồi chính bản thân bà cũng đổ bệnh, các khớp chân và tay liên tục đau nhức.
Bà Bùi Thị Bông
Hiện 2 người em trai Tu và Tới của bà tuổi đã ngoài 50, tóc đã điểm bạc nhưng hàng ngày bà vẫn phải chăm lo mọi thứ. “Trước đây, thằng Tu có đứng được nhưng chỉ khoảng 5 phút rồi ngã lăn ra vì đau. Người ta cho đôi nạng gỗ, tui bảo nó tập đi nhưng khó khăn lắm vì chân của nó cứ ép chặt vào nhau, nên hiện vẫn phải di chuyển bằng tay. Còn thằng Tới thì đi bằng tay cũng không được, suốt ngày nằm một chỗ”- bà kể thêm.
Lại nói đến chuyện tình duyên của bà. Bà Bông bảo, từ năm bà 30 tuổi, thấy cảnh ngộ của gia đình bà ngày càng bi đát, nhiều người hết lời khuyên bà nên lấy chồng để có một bờ vai nương tựa. Nhiều chàng trai giỏi làm ăn trong vùng đến ngỏ lời cầu hôn bà kèm theo lời hứa sẽ gánh vác việc chăm sóc những người em tàn phế của bà nhưng bà đều từ chối.
Nhìn thân hình già nua của bà bên 2 người em tóc đã ngả bạc mà không hơn gì những đứa trẻ mới chào đời, tôi không cầm được nước mắt. Hai sự sống lay lắt đó đang nương tựa vào tấm thân gầy mòn vì tuổi già và bệnh tật của bà, nếu chẳng may bà có mệnh hệ gì thì… Nhưng rồi tôi chợt ấm lòng khi nghe bà bảo rằng tình yêu của bà với người lính năm nào đã và đang đưa lại cho bà niềm tin và nghị lực để tiếp tục giữ vẹn lời hẹn thề, để chăm lo cho 2 người em phế tàn, nên bà không thể gục ngã.