Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Họa sĩ Lê Năng Hiển với bức họa tái hiện trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam Họa sĩ Lê Năng Hiển với bức họa tái hiện trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Đã 34 năm nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trưng bày một bức tranh sơn dầu cỡ lớn (2,8m x 6m) mang tên Trận Bạch Đằng, mô tả trận thủy chiến của quân dân nhà Trần giành chiến thắng vang dội trước quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288. Dưới nét bút tài hoa của người họa sĩ, trận thủy chiến được tái hiện sống động, hoành tráng và hừng hực khí thế. Kỷ niệm 725 năm Chiến thắng Bạch Đằng, chúng ta cùng ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc qua hành trình tìm về lịch sử để sáng tác bức tranh này của họa sĩ Lê Năng Hiển.

Đại thắng trên sông Bạch Đằng ngày 8 tháng 3 năm Mậu Tý (tức 9/4/1288) trước quân xâm lược Nguyên Mông được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, là thắng lợi tiêu biểu nhất của Đại Việt trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Chiến thắng Bạch Đằng mãi ghi dấu son chói lọi trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Chân dung họa sĩ Lê Năng Hiển tự họa

 

Nhằm tái hiện lại lịch sử hào hùng ấy, năm 1979, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đặt họa sĩ Lê Năng Hiển - một nghệ sĩ hội họa tên tuổi - vẽ một bức tranh sơn dầu mô tả trận thủy chiến Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên năm 1288 trên sông Bạch Đằng.

 

Tìm về Bạch Đằng Giang

Vốn có niềm đam mê với đề tài tranh lịch sử, ngay khi nhận được đặt hàng của Bảo tàng Lịch sử, họa sĩ Lê Năng Hiển phấn khởi nhận lời, nghĩ rằng đây sẽ là một công trình lớn, một tác phẩm nghệ thuật để đời, tựa như bức tranh “Trận Borodinho” của Liên Xô. Ông quyết định phải tự thâm nhập thực tế để thể hiện bức tranh một cách chân thực và sống động nhất. Nghĩ là làm, sau khi ghi chép, thu thập tài liệu lịch sử về chiến trận, đem theo lỉnh kỉnh các đồ vẽ, ông hăm hở đi thực địa.

 

Họa sĩ Lê Năng Hiển sinh năm 1921, được nhiều người Hà Nội biết đến từ những năm 50. Ông lặng lẽ sáng tác tranh, thiên hướng đặc biệt của ông là lấy cảm hứng từ đề tài tranh lịch sử. 
Theo giáo sư Sử học Phan Huy Lê: “Họa sĩ Lê Năng Hiển là một nghệ sĩ hội họa có tên tuổi và đã giành nhiều công sức và tâm trí để sáng tác tranh lịch sử, nhất là tranh những chiến công oai hùng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, trong đó có tranh chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đã được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử và được dư luận đánh giá cao”.

Tạm biệt Hà Nội, người họa sĩ đến với bến đò Rừng, thuộc huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, nơi quãng sông Bạch Đằng có chắn cọc. Thuê riêng một chiếc đò nhỏ làm phương tiện, giống như một nhà khảo sát thực thụ, cả tuần liền, ông lênh đênh trên sông Bạch Đằng, đến các chi lưu như ngã ba sông Giá, sông Chanh, nơi đã từng xảy ra trận thủy chiến và đi vòng núi Tràng Kênh, nơi có trận đánh trên bộ để khảo sát, đo đạc, phác thảo ngay tại hiện trường.

 

Sau khi thu thập dữ liệu và tìm hiểu những tài liệu sử, ông bắt tay vào vẽ bản phác thảo. Trên tờ giấy trắng, dần dần hiện lên, nào thuyền ta, thuyền địch, cọc lô nhô, sóng cuồn cuộn, buồm căng gió, cờ tung bay, giáo mác tua tủa, tên bay, mộc đỡ, quân ta chỉnh tề, quân địch nhốn nháo.... Bức phác thảo đã hòm hòm, nhân một đám cỗ đông đủ thành phần già trẻ, trai gái đến cả trẻ em… địa phương ngay tại đền Hộ Quốc Linh Từ - nơi họa sĩ ở trọ trong thời gian nghiên cứu thực địa, ông mời mọi người xem tranh. Ai cũng khen tranh đẹp, nhưng qua tranh luận sôi nổi của những người thưởng tranh dân dã mà đầy tinh tế ấy, rằng ở bức tranh mới thấy có “chiến” mà chưa thấy có “thắng”…, người họa sĩ nhận ra tranh của mình thiếu một cái gì đó. Mọi người về rồi, ông buồn bực giật bức tranh xuống xé tan, vò nhàu, rồi ném xuống đất.

 

 Bức tranh Trận Bạch Đằng

 

Hôm sau, tĩnh tâm, nhớ lại lời của cụ từ nói với mình: “Phải có hỏa công họa sĩ ạ! Không có không xong! Nhất định phải như trận Xích Bích trong Tam quốc, Khổng Minh, Chu Du đánh Tào Tháo!”, ông quyết tâm làm lại phác thảo, dù phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần.

Cuốn Đằng giang Trần Lý gia phả

Tháng 3 năm Mậu Tý 1288, Ô Mã Nhi chỉ huy hàng vạn quân với 600 chiến thuyền có kị binh yểm trợ, rút theo đường ra sông Bạch Đằng.
Quãng sông Bạch Đằng là khu vực hiểm yếu, có đủ điều kiện đáp ứng được yêu cầu bố trí trận địa mai phục trên sông với quy mô lớn. Với tài năng của mình, Hưng đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã chỉ huy bài binh bố trận và chỉ trong vòng một ngày 8 tháng 3 năm đó, khoảng 4 vạn quân, 400 chiến thuyền và toàn bộ các tướng lĩnh Nguyên Mông đi cùng đã bị tiêu diệt và bị bắt sống.

Họa sĩ Lê Năng Hiển bỏ thời gian rà soát lại tài liệu lịch sử, cả của ta lẫn của ngoại, so với thực tế logic, cố tìm ra thiếu sót nào đã khiến bức phác thảo vừa qua không có sức thuyết phục người xem và phát hiện ra không có tài liệu sử nào có ghi chép hỏa công trong trận Bạch Đằng.

Ông đau đầu suy nghĩ: Nếu dùng nhiều thuyền nhỏ vây đánh những thuyền địch đã bị cọc và nước triều xuống chặn đứng thì không thể chỉ trong 1 ngày (từ giờ Mão đến giờ Dậu) tiêu diệt được cả một chu sư 400 chiến hạm của địch như sử sách đã ghi. Vậy thì ngài Trần Hưng Đạo hẳn phải có phép mầu gì đây và tướng nào thi hành mưu kế của ngài bí mật đến nỗi các sử gia cũng mù tịt chẳng ghi chép được?

Đang lúc lấn cấn thì một cơ duyên đã đưa người họa sĩ tài hoa ấy tìm được cuốn gia phả quý giá mang tên “Đằng giang Trần Lý gia phả”. Cuốn gia phả kể lại từ hơn hai mươi đời, trong đó đoạn rõ nhất là nói về mối tình của cụ tổ thứ ba, một võ tướng thất sủng lấy một cô gái bán than. Điều này phù hợp với sự tích trong chính sử về tướng Trần Khánh Dư, vì mắc tội dan díu với công chúa Thiên Thụy, mà bị giáng xuống làm thứ dân, lang thang ở đất Chí Linh.

 

Theo cuốn gia phả, cô gái bán than vốn là dòng dõi triều vua nhà Lý, là Quận chúa Lý Ngọc Phượng, sau vì chính sách phò Trần, diệt Lý mà phải trốn tránh, làm con nuôi cho một trang chủ họ Nguyễn làm nghề bán than, mà vị tướng thất sủng Trần Khánh Dư đã gặp và kết nghĩa vợ chồng. Đến khi có họa quân Nguyên lăm le xấm chiếm, vua Trần Thái Tông vô tình gặp lại Trần Khánh Dư, vua tha tội, phong chức cũ, và gả công chúa Thiên Thụy cho. Vì công chúa tính hay ghen nên Trần Khánh Dư cũng không dám tơ tưởng đến Lý Ngọc Phượng nữa. Đến cuộc kháng chiến Nguyên Mông lần ba, trong trận Bạch Đằng, Tiết chế Trần Hưng Đạo giao nhiệm vụ mật cho tướng Trần Quốc Tiến chỉ huy trồng năm vạn cọc trên sông Bạch Đằng, còn Trần Khánh Dư phải chỉ đạo đốt 1500 lò than củi, cung cấp chất cháy cho 3 vạn bè lửa để đánh tập hậu đoàn thuyền của địch. Việc này Trần Khánh Dư phải nhờ tới Lý Ngọc Phượng và gia đình bố nuôi bày cách đốt lò than không khói, để sử dụng mẹo hỏa công trong đánh trận.

 

Bức tranh Trận Bạch Đằng hiện vẫn được trưng bày 
tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

 

Nghe về mẹo hỏa công được đề cập đến trong cuốn gia phả, họa sĩ Lê Năng Hiển không ngừng suy nghĩ, ông hình dung ra một trận đánh với “ánh lửa từ than ủ lém vào cỏ khô bùng lên, sáng lên rực cháy, áp sát những mạn thuyền khổng lồ, lửa đốt mái chèo, cột buồm cháy rừng rực, dây chão đứt hết, quân địch nhốn nháo, thuyền nọ va vào thuyền kia, cái sau xô vào cái trước, cọc đâm vào mạn thuyền gỗ kêu răng rắc...”.

Cảm xúc đã khiến họa sĩ làm việc ngay trong đêm và đến tảng sáng thì trên tờ giấy Croquis, một bức phác thảo đầy khí thế hào hùng hoành tráng về trận chiến trên sông Bạch Đằng đã hiện lên. Hàng nghìn chiếc thuyền địch mắc phải mẹo hỏa công, thuyền này cháy lan sang thuyền kia, lửa từ thuyền sau bắt sang thuyền trước, lửa bốc cao trong đám khói mịt mù, những bóng địch hoảng sợ thi nhau nhảy xuống sông, thuyền lớn va phải cọc, vỡ thành từng mảng lớn, bị thiêu rụi trong đám khói đen kịt... Trên bờ sông, cờ Đại hoàng nẹp đỏ, thêu chữ Trần phất cao, quân ta reo hò vang dậy, cùng tiếng chiêng trống ầm ầm, tiến quân đổ ra đánh ngang sườn địch, bừng bừng hào khí Đông A...

Bức phác thảo này ngay sau đó đã được Ban Hội đồng Mỹ thuật cùng Ban Sử học của Bảo tàng Lịch sử nhất trí duyệt, và mất đến 5 tháng để tác phẩm “Trận Bạch Đằng” hoàn thành. Cho đến nay, bức tranh Trận Bạch Đằng đã ra đời được 34 năm nhưng khí thế oai hùng của một trận chiến lịch sử toát ra từ tác phẩm thì vẫn còn nguyên vẹn, được những nhà chuyên môn cùng dư luận đánh giá cao và hết sức khen ngợi.

Thủy Trần

Theo Quehuongonline.vn


  Các Tin khác
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65203738

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July