(Dân Việt) - Được coi là biểu tượng của văn hóa Cơ Tu, già A Lăng A Vel ở thôn Tà Làng, xã Bhalê là người duy nhất ở Tây Giang và cũng rất hiếm hoi ở Quảng Nam, biết chế tác và biểu diễn tất cả các loại nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu.
Lưu giữ những làn điệu Cơ Tu
Men theo cây cầu treo qua dòng A Vương và những cánh đồng là tới nhà của già A Lăng A Vel - một ngôi nhà sàn mái cao chót vót, cao nhất nơi thung lũng Tà Làng. Đã 89 tuổi, nhưng già vẫn rất minh mẫn. “Đây là đàn tơm rech, đây là khèn abel, sáo a buốt, trống chgơl…” – già giới thiệu từng nhạc cụ được sắp xếp một cách ngăn nắp trong nhà của mình. Già A Vel nhớ lại: “Năm 10 tuổi, mình đã biết làm nhạc cụ rồi. Hôm đó, mình cùng ông nội phát rẫy, nghỉ trưa, nội mình lấy từ trong gùi ra chiếc abel và thổi. Mình nghe và tự nhiên thấy rất thích. Về nhà, mình quyết tâm phải học cho bằng được”.
|
Già A Lăng A Vel trong căn nhà sàn của mình.
|
Để biết tất cả 19 loại nhạc cụ của người Cơ Tu như đàn tơm rech, đàn jưl, abel, khèn a guôch, sáo a buốt, crdool (sừng sơn dương), thêy (tù và), crtooc (sáo), ching (chiêng), gong (cồng), chgơl (trống), prnoóch (thanh la)… ngay từ thời trai trẻ, già A Vel đã là một tay chế tác và biểu diễn nhạc cụ “khét tiếng”.
Ở cái tuổi 89 nhưng đôi mắt vẫn sáng quắc, đôi chân vẫn còn nhanh nhẹn, già A Vel bảo có được sức khỏe như vậy cũng do việc thổi khèn, gẩy đàn…
Với chiếc khèn abel của ông nội, sau buổi phát rẫy đó, về nhà, già tự bắt chước để làm theo. Nhạc cụ đầu tay này của già tới giờ vẫn được giữ gìn cẩn thận, và lạ, nó lại là một cái khèn tốt nhất của già, luôn gắn bó với già trong những lễ hội, trong những lần thảnh thơi... Cái chất đam mê âm nhạc trong già lại càng tăng lên gấp bội, khi già được ông nội mình - cũng là một tay chế tác nhạc cụ có tiếng – khuyến khích và bày vẽ cho. Già cũng tự tay mày mò các nhạc cụ để chế tác và học cách thổi khèn, thổi sáo. Để bây giờ, nói về nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu, không loại nhạc cụ nào là già không am hiểu tường tận.
Già nhớ, trong những đêm trăng, già ra đồi thổi alướt, gẩy abel, tiếng sáo vang vọng núi rừng, tiếng khèn tỉ tê giấc ngủ. Biết bao cô gái say mê già. Cụ bà Trieng Te – vợ của già - giờ đã trên 80 tuổi, móm mém cười sau làn khói bếp: “Mình say tiếng khèn của ông ấy. Cả làng cùng mê tiếng khèn của ông ấy”.
Nỗi lo thất truyền
Thời trẻ, ngoài việc làm nhạc cụ, già cũng lặn lội khắp nơi, qua cả Lào buôn bán chiêng ché, nhạc cụ. Trong căn nhà sàn rộng hơn 10m2 được già A Vel dựng cao chót vót, xếp đầy đủ, ngăn nắp những nhạc cụ truyền thống Cơ Tu do già tự chế tác trong hơn 70 năm qua. Hiện giờ có thể nói, trong bất cứ lễ hội Cơ Tu nào ở huyện Tây Giang cũng như Quảng Nam, già đều tham dự biểu diễn. Già cũng đã đi nhiều nơi ở Tây Nguyên và TP.HCM để biểu diễn.
Ông Bhriu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, một người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Cơ Tu nói: “Tôi không biết khi già mất đi rồi thì văn hóa Cơ Tu sẽ ra sao. Bởi ở Tây Giang chỉ có duy nhất già là biết chế tác và biểu diễn đầy đủ các loại nhạc cụ truyền thống Cơ Tu”. Theo ông Liếc, để lưu giữ những làn điệu Cơ Tu, ông đã cho ghi âm lại tất thảy các làn điệu, quay phim tất cả những công đoạn chế tác nhạc cụ do già A Vel trình diễn, nhưng chừng đó thôi cũng chưa đủ, hiện nay, lớp trẻ Cơ Tu vẫn không mấy đam mê những nhạc cụ cổ truyền của dân tộc mình.
Ngay cả các con của già A Vel, cũng không có ai chế tác hay biểu diễn được bất kỳ một loại nhạc cụ nào. Trong căn nhà sàn nơi thung lũng ấy, một mình già khắc khoải một nỗi lo thất truyền.
Mai Thành Dũng