Các nhà khoa học đã khẳng định, Cao Lỗ là vị danh tướng đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Tại hội thảo khoa học “Cao Lỗ- Danh tướng thời dựng nước” do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức, các nhà khoa học đã khẳng định: “Cao Lỗ là nhân vật có thật trong lịch sử. Ông là vị danh tướng đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta”.
Đền thờ danh tướng Cao Lỗ tại Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội
|
Các tham luận trình bày tại hội thảo khoa học “Cao Lỗ - Danh tướng thời dựng nước” đã tập trung làm rõ những cứ liệu khoa học sau nhiều năm nghiên cứu và khẳng định rằng, Cao Lỗ là danh tướng có thật chứ không phải như nhiều người nghĩ ông là nhân vật chỉ có trong truyền thuyết.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với bối cảnh dựng nước thời Hùng Vương- An Dương Vương. Chuyện Rùa vàng giúp Vua xây thành Cổ Loa và cho lẫy nỏ để bảo vệ thành là chuyện hư cấu. Nhưng câu chuyện về chiếc nỏ của Cao Lỗ, người xưa từng gọi là nỏ Liên Châu là câu chuyện có thật.
Vũ khí bí mật quốc gia ấy có sức mạnh to lớn, nếu mất nỏ thần sẽ mất cả thiên hạ. Năm 1959, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng vạn mũi tên đồng Cổ Loa. Chủ nhân của mũi tên ba cạnh được xác định là của người Việt sống vào thời An Dương Vương. Cuộc khai quật của các nhà khoa học diễn ra trong thành nội của thành Cổ Loa còn tìm được lò đúc, khuôn đúc mũi tên đồng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận định: “Đây là bằng chứng thuyết phục nhất. Đó là khuôn đúc mũi tên ba cạnh, được đúc bằng khuôn ba mang và đã cải tiến. Trình độ đúc của người Việt lúc đó khá cao. Đây là những khuôn bằng đá, có thể đúc liên tục, khác hẳn với khuôn đúc bằng gốm”.
Câu chuyện về chiếc nỏ thần của Cao Lỗ cũng trở thành mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Gần đây, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử quân sự và Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á cùng với các nghệ nhân ở Hòa Bình đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, phục dựng thành công bước đầu chiếc nỏ của tướng Cao Lỗ sáng chế.
Điều quan trọng nhất để tạo nên sức mạnh của nỏ Liên Châu chính là kỹ thuật chế ra những chiếc lẫy nỏ có “chốt giữ liên hoàn” để có thể một lần bóp cò bắn ra nhiều mũi tên. Tác dụng của kĩ thuật này không những giết được nhiều giặc mà còn làm cho chúng khiếp sợ, hoang mang tinh thần. PGS TS Lê Đình Sỹ, Nguyên phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Nỏ Liên Châu bắn 1 phát trúng 10 mũi tên một lúc. Điều đó chứng tỏ sự hiện đại của nỏ Cao Lỗ. Khi xuất hiện nỏ thần của Cao Lỗ, lực lượng quân sự của An Dương Vương mạnh hẳn lên. Người ta gọi là đội quân cung nỏ của An Dương Vương do Cao Lỗ đứng ra huấn luyện. Trong lịch sử có nói ông đã tập hợp được 1 vạn người để dạy cách bắn cung tên”.
Giáo sư Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, Cao Lỗ là người có đóng góp lớn trong việc góp phần xây dựng nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa, sáng chế ra một vũ khí đầy uy lực thời bấy giờ mà nhân dân thần tượng hóa gọi là nỏ thần. Ông cũng là con người tiêu biểu cho trí tuệ, tài năng và những phẩm chất cao quý của người Việt.
“Đó là tinh thần trung kiên, một lòng vì nước vì dân, rất cương trực. Xuất phát từ trí tuệ của mình, nhìn ra sự thật và hết lời khuyên can Vua. Dù cho lời khuyên can đó cuối cùng bị từ chối nhưng khi đất nước bị lâm nguy, thành Cổ Loa bị vây hãm, ông vẫn tự nguyện trở về kinh thành Cổ Loa, cùng chiến đấu với quân đội của Vua Thục. Ông đã hi sinh tại chỗ (theo truyền thuyết của vùng Cổ Loa), hoặc chạy về quê hương (làng Đại Than, Bắc Ninh) và hi sinh tại đó” - Giáo sư Phan Huy Lê cho biết.
Ghi nhớ công ơn của tướng Cao Lỗ, người dân Đại Than (nay là xã Cao Đức), huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã lấy ngày sinh và ngày mất của ông là ngày 10/3 và ngày 4/4 âm lịch hàng năm làm ngày khai mạc lễ hội tại đền Cao Lỗ vương. Dòng họ Cao ở thôn Đại Than chính là con cháu của ông.
Thông qua những căn cứ lịch sử, tư liệu và khảo cổ học, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, những bằng chứng khoa học nghiên cứu về danh tướng Cao Lỗ đã góp phần làm rõ những băn khoăn của thế hệ sau về lịch sử thời kì cổ đại.
Hiện nay, nhiều nhà khoa học đang dốc sức tìm kiếm chữ viết của thời kì văn hóa Đông Sơn. Cũng đã có một số tín hiệu ban đầu nhưng vẫn là chưa đủ để có thể giải mã, xác lập nền tảng để thấy rằng thời kì đó có chữ viết. Chính vì điều kiện chưa có hoặc chưa tìm ra chữ viết đã khiến cho lịch sử được ghi nhận qua kí ức dân gian. Huyền thoại và truyền thuyết có thể được sáng tạo qua các thời kì lịch sử nhưng nó đều là phản ánh từ sự thật lịch sử.
Nếu chúng ta biết phân tích một cách khoa học sẽ tìm ra được cốt lõi lịch sử đó. Tất cả sự kiện và nhân vật lịch sử thời cổ đại được bao phủ bằng các bức màn huyền thoại và truyền thuyết. Nhưng cũng không vì thế mà nghĩ rằng chúng ta mất niềm tin vào sự thật lịch sử, bởi lẽ hai yếu tố ấy có mối liên kết với nhau.
(Theo VOV)