Trong từ điển tiểu sử “Văn hóa thế kỷ XX” ghi: “Hồ Chí Minh là người khởi xướng và giương cao ngọn cờ giải phóng các dân tộc thuộc địa, trở thành người dẫn đường chủ chốt mặc nhiên thừa nhận và kính trọng của châu Á và của thế giới thứ 3”...
Nếu hiểu văn hóa là bao gồm những sáng tạo của con người để thích ứng với nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn, phát triển; văn hóa là hiểu biết làm người; hiểu biết xử sự, xử thế thì trong xã hội còn áp bức, bóc lột, bất công sự xử sự, xử thế đúng đắn nhất là làm cách mạng để xua tan bóng tối của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, của dốt nát, đói nghèo đang đè nặng lên cuộc sống của các dân tộc bị áp bức. Chính vì vậy, có thể nói, cái gốc của văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa cách mạng.
|
Cái gốc của văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa cách mạng. |
Người đã hiểu tầm quan trọng của văn hóa đối với con người, đối với xã hội. Người đau khổ trước sự áp bức, bất công và sự dốt nát, nhục nhã mà con người phải chịu đựng đang diễn ra trong xã hội. Đó là thực tế hun đúc nên ý chí tìm đường cứu nước, vừa là cốt lõi văn hóa, vừa là bản chất nhân văn để tìm kiếm lý luận cách mạng. Đó là sự lý giải đúng đắn nhất vì sao Hồ Chí Minh từ khi đi tìm đường cứu nước cho đến cuối đời, Người luôn đưa hết sức mình chiến đấu trên mặt trận văn hóa, kết hợp chặt chẽ văn hóa với cách mạng theo phương châm “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Chính vì thế, có thể nói, sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Hồ Chí Minh là cống hiến trọn đời cho độc lập dân tộc và ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Suy cho cùng, ở Người, sự nghiệp văn hóa cũng là sự nghiệp cách mạng, bởi hiểu cách mạng là sự tìm tòi sáng tạo và đấu tranh để thiết lập cái mới, thì đó cũng chính là một nội dung của nội hàm văn hóa.
Theo Hồ Chí Minh, con người sáng tạo và phát triển ra văn hóa, nhưng văn hóa cũng chính là mục đích cuộc sống của con người. Khi Người nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cũng là nói đến khát vọng và quyền sống của con người, đồng nghĩa với sự đấu tranh cho một nền văn hóa mà ở đó mỗi dân tộc, mỗi con người được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, quyết hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ; ý chí vươn lên “sánh vai cùng cường quốc năm châu”, đó là ý chí của một dân tộc có văn hóa; ý chí đó hun đúc nên nhà văn hóa cách mạng Hồ Chí Minh.
Điều đặc biệt ở Hồ Chí Minh là tư tưởng, chính trị của Người luôn được thể hiện ở sự thuyết phục, giáo dục, cảm hóa để đi vào lòng người bằng văn hóa. Người nhìn thấy sức mạnh của cách mạng từ lực lượng quần chúng được tập hợp với mục tiêu nhân văn cao cả độc lập, tự do, hạnh phúc. Thật là vĩ đại với một chính trị đời thường, chính trị dân gian, cũng là chính trị hiện đại kết tinh được trí tuệ của loài người với tinh hoa của dân tộc.
|
Là sản phẩm của lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh đã phát huy truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam; là sản phẩm của thời đại, Hồ Chí Minh đã tiếp nhận có chọn lọc văn hóa phương Tây nói riêng, văn hóa nhân loại nói chung, mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Người đã kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống văn hóa của gia đình, quê hương, dân tộc với tinh hoa của văn hóa nhân loại để biến thành vũ khí sắc bén cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mình và giải phóng các dân tộc khác cùng chung số phận. Người đã tìm thấy mẫu số chung và cũng là điểm hội tụ của văn hóa, đó là giải phóng tận gốc cho con người, chứa đựng tính nhân văn cao cả và thấm đượm tình đoàn kết, hữu nghị “năm châu bốn biển đều là anh em”.
Là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo dục lịch sử, tác giả của hơn 200 bài thơ, hơn 2.000 bài báo, nhiều chuyện ngắn, văn chính luận mang hơi thở của cuộc sống, của thời đại, Hồ Chí Minh đã thật sự gieo ánh sáng văn hóa, ánh sáng cách mạng cho quần chúng nhân dân. Chỉ có tầm văn hóa Hồ Chí Minh thì mới có được điều đó, khi đất nước đang có nguy cơ “ngàn cân treo sợi tóc”, đã phát động toàn dân đứng lên chống giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm. Người coi dốt nát cũng là một loại giặc, thậm chí đặt chống giặc dốt trước giặc ngoại xâm.
Người cho rằng, có xóa mù chữ, nâng cao trình độ dân trí thì mới có kiến thức để bảo vệ nền độc lập và xây dựng cuộc sống mới. Cuộc vận động xây dựng đời sống mới do Người phát động với những nội dung cụ thể như: tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; chống mê tín dị đoan, tết trồng cây, rèn luyện thân thể, người tốt, việc tốt… thật sự là nền tảng vững chắc để giữ vững chính quyền trong thời kỳ trứng nước. Khi dân đã làm chủ, đã có chính quyền thì việc đưa văn hóa đi sâu vào cuộc sống nhân dân, vào tâm lý của quốc dân, dùng văn hóa mới để “sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ”, đó cũng là nét độc đáo của văn hóa cách mạng Hồ Chí Minh.
Hiện nay, chúng ta đang tiến hành cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nội dung, tính chất của cuộc vận động vừa là sinh hoạt chính trị, vừa là sinh hoạt văn hóa phong phú. Noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mọi người ra sức nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và các tệ nạn xã hội, hướng tới chân, thiện, mỹ. Cuộc vận động có ý nghĩa góp phần đưa văn hóa cách mạng Hồ Chí Minh vào cuộc sống một cách thiết thực.
Tin tưởng rằng, với việc cụ thể hóa được những chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức Hồ Chí Minh thành nội dung phấn đấu, rèn luyện thiết thực, không hình thức, sẽ tạo nên sự chuyển biến tốt hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách, lối sống. Đó cũng là mục tiêu chúng ta đang hướng tới để xây dựng con người sống có văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa trong xã hội theo tư tưởng văn hóa cách mạng Hồ Chí Minh.
H.D
theo hà tĩnhonline