Năm nay đã bước sang tuổi 76, ở cái tuổi như ông đáng lẽ ra phải được nghỉ ngơi, được con cái chăm lo. Nhưng với ông Lê Văn Cam, ở xóm 10, thôn Đông Hạ, xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình, gần 20 năm nay ông vẫn miệt mài vào Nam ra Bắc, tìm kiếm những phần mộ liệt sỹ, rồi lại viết thư báo tin làm cầu nối cho thân nhân và các đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống nơi đất khách quê người vì độc lập tự do của đất nước.
Ông Cam đang tra lại thông tin về các liệt sỹ mà ông ghi chép được.
Năm 1959, ông Cam lên đường nhập ngũ và đóng quân tại Sư đoàn 320, cũng như bao người lính khác ông chiến đấu và chứng kiến biết bao cảnh sinh ly tử biệt, nhất là những đồng đội không may hy sinh phải nằm lại nơi đất khách quê người.
Sau 8 năm chiến đấu trong chiến trường, năm 1967 ông Cam được cử về để đi học. Nhận được lệnh từ chỉ huy ông Cam rời mặt trận cho đến khi hòa bình lập lại. Cũng từng ấy thời gian ông được sống bình yên và hạnh phúc với gia đình.
Nhưng cũng chính vì có thời gian tham gia chiến trường, từng trải qua biết bao nhiêu gian khổ, nên ông là người thấu hiểu nỗi khổ của những người lính. Nhiều đêm, không tài nào ông Cam nhắm mắt nổi khi nhớ đến quãng thời gian còn “nằm gai nếm mật” cùng đồng đội.
“Nhớ lại những ngày chúng tôi thay phiên nhau nằm gác, trông coi thi thể của một liệt sỹ đã hy sinh trước đó để sáng mai còn kịp đưa đi chôn cất. Trong đêm đông rét buốt anh em có dặn dò bảo nhau rằng: nếu sau này có ai may mắn sống sót trở về thì bằng bất cứ giá nào cũng phải tìm cho được những phần mộ của anh em không may hy sinh để đưa về quê nhà an táng cho tử tế ”, ông Cam xúc động cho biết.
Đến nay ông đã viết và gửi đi hơn 16 nghìn lá thư, giúp hàng nghìn gia đình liệt sỹ tìm thấy phần mộ của người thân.
Năm 1995, trong một lần nghe đài báo đưa tin đã quy tập được mấy trăm mộ liệt sỹ hy sinh ở chiến trường nước bạn Lào về nghĩa trang huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Nghe tin xong ông Cam quyết định hành trang lên đường vào Nghệ An tìm kiếm các phần mộ liệt sỹ như đã từng hứa với anh em đồng đội.
Với mong muốn tìm ra phần mộ của liệt sĩ tên Trịnh Bá Trân, quê ở Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, trước lúc hy sinh, liệt sĩ Trân đang làm nhiệm vụ ở bưu điện tỉnh Lai Châu. Sau khi ông hy sinh thì gia đình mất hoàn toàn tin tức.
Bắt xe vào thành phố Vinh rồi đạp xe thêm 70km đến nghĩa trang của huyện Anh Sơn cũng là lúc trời đổ mưa lớn. Mặc cho mưa gió ông tìm khắp nghĩa trang nhưng vẫn không thấy phần mộ của liệt sỹ Trịnh Bá Trân.
Đang lúc thất vọng, thì trong đầu ông chợt lóe lên ý nghĩ, có thể những phần mộ liệt sỹ nằm ở đây thân nhân của các anh không biết, nên ông lấy giấy bút ra ghi rõ lại rồi viết thư báo tin làm cầu nối cho các liệt sỹ và thân nhân các anh.
Ông Cam nhớ lại: “Đấy là lần đầu tiên tôi đến nghĩa trang cũng không biết thủ tục như thế nào. Lúc ấy không có máy ảnh, nên lấy giấy bút ghi được chừng 50 liệt sỹ thì có người ra ngăn cản”.
Đêm đấy ông vội vã quay trở lại trèo tường vào bên trong dùng đèn pin soi để ghi chép tiếp được thêm 280 liệt sỹ vì mệt quá ông thiếp đi lúc nào không hay biết, sáng tỉnh dậy vẫn thấy mình còn nằm cạnh những phần mộ.
Ông Cam tâm sự: “Để tiện cho việc tìm kiếm, sau lần ấy tôi về xã, huyện xin giấy giới thiệu rồi đến cả Sở lao động, nhưng họ cũng không cấp cho. Vì tôi ko phải gia đình liệt sỹ nên họ không thể cấp giấy giới thiệu để đi tìm mộ. Mãi cuối cùng tôi trình bày ra ý nguyện mình thì họ xem xét lại mới duyệt đấy chứ”.
Cứ thế, hết chuyến này đến chuyến nọ, mỗi chuyến đi của ông kéo dài nửa tháng đến hơn 1 tháng. Đến đâu ông cũng ghi chép cẩn thận vào một quyển sổ nhỏ, cất giữ vào trong ba lô. Gần 20 năm qua ông đã viết hơn 16.000 lá thứ gửi đi, cùng với 80 cuốn sổ ghi chép 27 nghìn thông tin về các liệt sỹ. Nơi xa nhất là nghĩa trang hải đảo Phú Quốc, gần nhất là nghĩa trang Tông Khao - Điện Biên…
Không phải lá thứ nào gửi đi cũng có người nhận, vì sai địa chỉ do tên xã, huyện, tỉnh đã có thay đổi. Tính đến nay đã có gần 8.000 lá thư hồi âm của thân nhân, con em liệt sỹ gửi về cho ông Cam thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc và được ông cất giữ cẩn thận, với ông đó là tài sản vô giá.
Gia đình ông cũng chẳng phải khá giả gì, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Mỗi chuyến đi của ông để tiết kiệm, ông mang theo màn, nước uống cơm nắm, đồ khô… Nơi nào gần thì ông đạp xe đạp, chỗ xa thì ông đi xe khách nhưng vẫn mang chiếc xe đạp đi theo. Biết việc làm của ông, năm 2008, có một nhà hảo tâm, đã mua tặng cho ông một máy tính và máy in để ông thuận tiện việc tìm kiếm thông tin các liệt sỹ.
Từ lúc có chiếc máy tính, ông đã đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Từ những chuyến đi và thông tin của ông, hàng nghìn gia đình liệt sĩ đã tìm thấy địa chỉ phần mộ người thân của mình. Có những gia đình mang tiền, mang quà đến cảm ơn nhưng ông Cam không nhận. "Tôi làm việc nghĩa tình với đồng đội tôi chứ không phải tôi đi làm ơn lấy tiền", ông Cam chia sẻ.
Đến nay tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ông vẫn tâm niệm, còn sống được ngày nào ông sẽ còn tìm kiếm thông tin về các liệt sỹ và gửi thư tiếp ngày đó. Với ông niềm hạnh phúc bây giờ là giúp được những người thân của các liệt sỹ tìm thấy phần mộ của họ an nghỉ.
Đức Văn - Duy Tuyên