Trong từng bờ kè, từng vách tường, mỗi con ốc vít ở Trường Sa hàm chứa tâm thế giữ nước của ông cha từ những người thợ xây đảo tưởng như vô danh.
Kỹ sư Trần Ngọc Hoàng ngày còn ở đảo Đá Tây. ảnh: nhân vật cung cấp.
Thợ xây kiêm thầy khí tượng
Trong số những người thợ xây đi xây dựng quần đảo Trường Sa thuở nào, có những anh kỹ sư trẻ của ngành giao thông âm thầm tạo dựng những ngôi nhà, cầu cảng, đèn hải đăng sừng sững.
Họ là những người thuộc Ban quản lý dự án Biển Đông (gọi tắt là Ban Biển Đông, một Ban QLDA của Bộ GTVT). Đó là một cái tên đẹp, gắn liền với biển đảo quê hương, nhưng tiếc, giờ không còn nữa vì đã sáp nhập với một số ban khác.
Cách đây 18 năm, Bộ GTVT lập Ban Biển Đông với nhiệm vụ chính là quản lý các dự án thuộc chương trình Biển Đông - Hải đảo. Ngay sau khi thành lập, 12 thanh niên trẻ của ban trở thành cầu nối dẫn dắt các đội thợ thi công ra đảo.
Công trường xây dựng nằm giữa biển, công tác chuẩn bị buộc phải kỹ lưỡng ngay từ trong bờ. Vật liệu mang đi không được thiếu, cũng không được thừa.
Cát, đá, xi măng… bọc trong nylon để tránh hơi mặn. Nhiều cấu kiện phải gia công từ trong bờ, lắp thử, rồi tháo rời, vận chuyển ra đảo. Có cấu kiện là thùng bê tông cốt thép cao 6m, rộng 10m, dài 30m, nặng tới 500 tấn/thùng cũng được đúc từ trong đất liền.
Đèn biển Tiên Nữ, một trong những công trình do Ban Biển Đông thực hiện đang trong quá trình xây dựng.
Thợ xây dựng ở đảo phải xây theo con triều; nước lên thì chuẩn bị, nước xuống thì ào xuống mà xây.
"Tháng ngày cực khổ, món ăn chính chỉ duy nhất là mì tôm. Có đợt vì ăn quá nhiều, mắt vàng, râu cũng lơ thơ, vàng úa như mì tôm" -Nguyễn Lưu Giang - Nguyên chánh VP ban QLDA Biển Đông
|
Hồi đó, kỹ sư Trần Ngọc Hoàng (Phó TGĐ Tổng Cty Đầu tư và Phát triển Đường Cao tốc Việt Nam) là Trưởng tư vấn giám sát công trình Đá Tây, kể: “Những ngày triều kiệt, bất kể là chỉ huy hay công nhân, giám sát hay thi công, phải xông vào. Làm cả đêm, đến 3 giờ sáng, cả đội 40 người lăn ra sàn bê tông ngủ. Mặt trời chiếu vào mắt, mới thức dậy về tàu”. Vì thế, kỹ sư xây dựng ở Trường Sa như anh Hoàng phải kiêm luôn vai trò của nhà khí tượng, nắm bắt thuỷ triều để điều hành công việc.
Hồi đó, nước ngọt là vấn đề rất nan giải. Mỗi khi mưa đến, những người thợ trẻ trầm mình trong mưa chăng nilông hứng nước. Ngày cần thúc tiến độ, còn phải dùng luôn nước ngọt tích trữ cho sinh hoạt để xây dựng.
Bởi thế, xây dựng ở đảo không có chỗ cho sự chần chừ mà phải luôn khẩn trương, sáng tạo. Chậm một chút sẽ vỡ kế hoạch cả ở trong bờ và ngoài đảo, lương thực sẽ hết, vật liệu sẽ hỏng, nhiệm vụ với ngành không hoàn thành.
Râu vàng úa như mì tôm
Anh Nguyễn Lưu Giang, Chánh văn phòng Ban QLDA số 6 (Tổng cục Đường bộ), từng là Chánh văn phòng Ban QLDA Biển Đông kể rằng, chỉ riêng chuyện đi biển thôi cũng đủ “nếm mùi đời”.
Theo đó, những người thợ phải ra đảo vào tháng 1-2, cuối mùa biển động để kịp đón mùa biển lặng-cũng là mùa có thể xây dựng ở đảo. Khi kết thúc một chu kỳ xây dựng trong năm, họ ra về lại đúng mùa sóng dữ.
“Về ăn uống thì khốn khổ bội phần. Tủ cấp đông thời đó không đảm bảo; đồ tươi chỉ bảo quản được 1-2 tuần; sau đó là tháng ngày cực khổ, món ăn chính chỉ duy nhất là mì tôm. Có đợt vì ăn quá nhiều, mắt vàng, râu cũng lơ thơ, vàng úa như mì tôm”, anh Giang nói.
Cuộc sống không ti vi, không đài phat thanh; các băng video, sách vở mang ra đọc hoài cũng hết; liên lạc với vợ con là một kỳ công. Cứ 2 tháng một lần, anh em được gọi về cho vợ con qua tổng đài ICOM ở trụ sở Bộ GTVT. Hẹn giờ lên sóng không khớp, sóng yếu, coi như cuộc hẹn bị hủy. Gặp rồi, phải bí mật về công việc ở đảo, chỉ hỏi dăm ba câu chuyện ở đất liền.
Cùng với quân đội, trong thời gian 13 năm hoạt động, Ban Biển Đông được giao thực hiện các dự án phát triển kinh tế biển ở khu vực Trường Sa: Tôn tạo đảo Đá Tây (gồm hệ thống nhà chỉ huy, nhà kho, sân bay trực thăng, hệ thống cung cấp xăng dầu, nước ngọt), Đèn biển Tiên Nữ, cụm cảng và đường trên đảo Phú Quý (khu vực hậu của quần đảo Trường Sa), hệ thống rađa cảnh giới biển tầm xa quốc gia phục vụ kiểm soát giao thông biển, cứu hộ, cứu nạn và chống cướp biển...
Giờ, mỗi khi nghe đến hai từ Trường Sa, những người thợ năm xưa cứ rưng rưng như nhắc tới quê hương, bản quán của mình. “Khi hoàn thành công trình cũng là lúc chúng tôi phải rời đảo. Nhìn công trình bao tháng ngày anh em gắn bó mà rơi nước mắt. Ước gì có ngày trở lại thăm” - anh Hoàng trầm tư.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương (lúc đó đang là Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Biển Đông - Hải đảo của Chính phủ), Thứ trưởng Bộ GTVT Bùi Văn Sướng, Tổng GĐ Ban Biển Đông Phan Đình Vinh... từng ra tận công trường động viên những người xây đảo.
|
Theo Sỹ Lực
Tiền phong