* Bài viết của bác sĩ Đặng Phương Lan viết về ông nội - Giáo sư Đặng Văn Ngữ - nhân kỷ niệm 46 năm ngày mất của giáo sư (1/4/1967 - 1/4/2013).
Giáo sư Đặng Văn Ngữ
Tôi sinh ra ở Hà Nội khi chiến tranh vừa kết thúc. Có lẽ tất cả những ai đã từng sống những năm 70- 80 ở miền Bắc đều nhớ đến những kỷ niệm kham khổ, thiếu thốn đủ mọi mặt về điệu kiện sống, từ thức ăn, quần áo đến điện nước… Riêng với tôi, những ký ức về tuổi thơ chẳng để lại dấu ấn vất vả nào: tôi sống trong căn hộ tập thể chật hẹp cùng bố mẹ, cũng ăn nhiều lạc rang , đậu phụ với cơm, cũng đầy chấy trên đầu những mùa rét và rôm sẩy đầy người những tháng hè. Bọn trẻ con xung quanh tôi đứa nào cũng thế cả và đứa nào cũng vui vẻ la hét cười đùa cả ngày.
Cũng có thể vài lần tôi nhìn thấy mẹ buồn rầu lo lắng vì chuyện gì đó, nhưng lục lọi mãi trong ký ức tôi cũng chẳng thể tìm ra được hình ảnh đứa trẻ con nào mắc bệnh trầm cảm ít nói, hay đập chân khóc lóc với bố mẹ vì không được mua đồ chơi hoặc bỏ không ăn vì món ăn không hợp khẩu vị. Tôi chỉ nhớ trẻ con là cười toe toét và luôn hạnh phúc.
Khi bắt đầu đi học, các sách vỡ lòng, sách tập đọc nói nhiều đến khái niệm “ông bà”, tôi mới sực nhớ rằng mình không có cả ông lẫn cả bà. Ông bà thời đó đối với tôi chỉ là 4 bức ảnh trên bàn thờ đặt ở một nơi trang trọng nhất trong nhà, luôn có bộ đèn cúng, mấy bát hương và mấy cái cốc chén đẹp. Bố mẹ gọi tôi ra thắp hương cúng ông bà một năm hai lần vào những dịp giỗ, Tết. Tôi nhớ cứ mỗi lần giỗ ông nội, họ hàng lại đến rất đông. Ai cũng đứng khấn rất lâu trước bàn thờ, vẻ mặt kính cẩn, mắt ngấn đỏ…
Tôi thường cảm thấy vui những dịp đấy vì cảm giác đông đúc, được thưởng thức nhiều món bánh ngon của Huế - quê ông nội bà nội tôi - và được nghe người lớn nói chuyện.
Cấp một và cấp hai tôi học loại nhì nhằng, nhưng đến năm cấp ba tôi lại thi lọt trường chuyên Amsterdam, lớp Hóa. Theo công thức “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa…” hồi đó, tôi đăng ký thi Y mặc dù không có chút khái niệm, hoài bão gì về ngành y cả. Nhưng bố tôi, cô tôi và các ông bà trong họ hàng đều hài lòng với sự lựa chọn của tôi vì “nối nghiệp ông nội”. Trong khi đó, chính bản thân tôi còn rất mơ hồ về những điều ông nội đã làm.
Tôi không thích môn Sinh. Một lần tôi được ông Tôn Đức Lang - giáo sư đầu ngành gây mê mà bố tôi gọi là cậu ruột - gọi lên hỏi bài. Tôi nhớ ông chỉ hỏi những điều rât đơn giản như cấu trúc của ADN và quá trình nhân đôi của nó. Thấy tôi trả lời lúng túng, ông liền xé luôn một tờ lịch to treo tường, lấy bút màu đỏ và xanh vẽ ra mặt sau tờ lịch cấu trúc xoắn ốc của ADN rồi hình nó chia đôi, nhân đôi… Hình vẽ rất to, rất đẹp, rất rõ ràng và quá lô-gic. Thấy tôi vui mừng ra mặt, ông Lang nói: “Hồi trước, khi ông Ngữ - ông nội Lan dạy ông học, ông Ngữ cũng vẽ hình giải thích cho ông như thế này đấy. Người nào càng giỏi thì trinh bầy vấn đề càng dễ hiểu, dễ nhớ”. Có lẽ đấy là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy mình có ông nội, được ông nội giúp đỡ và hãnh diện vì ông.
Lấn thứ hai tôi được nhờ tên ông nội khi chỉ còn mấy tháng nữa là đến kỳ thi đại học. Đang ngồi học ở nhà bỗng tôi được ông Nguyễn Lân Dũng đến hỏi có muốn học thêm môn sinh cùng con trai ông ấy không? Sau này tôi biết ông Lân Dũng trước là học trò của ông nội tôi. Ông muốn trả ơn ông tôi phần nào bằng cách dạy tôi học.
Quá nửa thời gian dạy tôi, ông Dũng dành để kể về ông nội tôi là nhà nghiên cứu khoa học thế nào, người thầy tận tụy nhiệt tình với sinh viên ra sao… Tôi không còn thấy chán môn Sinh nữa. Tôi có thêm tự tin vì thấy trình độ tiếp thu, kiến thức của mình - cháu giáo sư Đặng Văn Ngữ - cũng chẳng hề thua kém con trai ông Lân Dũng, cháu Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân.
Khi thi vào trường Đại học Y khoa Hà Nội, tôi đạt điểm cao, được cử đi học tại trường ĐH Y khoa Budapest- Hungary mang tên Semmelweis - một bác sĩ được người Hungary tôn sùng như một vị thánh sống vì đã từng cứu biết bao sản phụ khi ông nhận ra rằng những con vi trùng gây bệnh mà mắt thường không thể nhìn thấy được phải được loại bỏ bằng cách rửa tay trong nước khử trùng (trước đó các bác sĩ khám bệnh đều không rửa tay!).
Thời đó Semmelweis đã bị giới Nhà thờ phản ứng kịch liệt, cho rằng đó là những tư tưởng phản lại Chúa. Sau này tôi mới biết rằng vào những năm 60, khi Việt Nam do chiến tranh phong tỏa còn chưa tiếp cận được những phát minh mới của khoa học mà ông Đặng Văn Ngữ đã dũng cảm giảng dạy cho sinh viên những kiến thức ngày nay đã được mọi người chấp nhận như một chân lý, như cấu trúc ADN, học thuyết di truyền của Menden, Morgan…. Những học thuyết mà thời đó bị coi là “những học thuyết phản động của tư bản, cần được loại bỏ”.
Càng ngày tôi càng khâm phục ông nội hơn vì tôi biết, làm anh hùng ở trận tuyến trực tiếp chống lại kẻ thù đã khó, chống lại những suy nghĩ ấu trĩ, cổ hủ càng khó vạn lần.
Từ năm 1991 đến năm 1997, tôi là sinh viên Việt Nam duy nhất ở trường Semmelweis. Những bạn bè lớp lớn thường gọi đùa “trường Y là một cái cối xay sinh viên”. Điều đó có phần đúng vì khối lượng kiến thức đòi hỏi sinh viên học thật khổng lồ. Phần lớn các sách dạy những bộ môn cơ bản đều theo sách của Đức, Anh, Pháp, Mỹ được dịch lại bằng tiếng Hungary hoặc do các thày cô dựa trên đó biên soạn lại. Thêm vào đó tiếng Hungary lại là một thứ tiếng khá khó. Tất cả sinh viên chỗ ký túc xá tôi ở đều học ngày học đêm. Tôi không phải loại “mọt sách”, không ngồi cả ngày trong thư viện nhưng đi thi bao giờ tôi cũng được điểm cao, nhiều bạn cùng lớp phải nể nang và có phần ghen tị.
Năm thứ năm, một vị giáo sư đầu ngành khuyên tôi nên làm một đề tài nghiên cứu nho nhỏ. Bắt tay vào làm mới thấy bao khó khăn. Đi thi có sách sẵn, cho dù có to mấy, nặng mấy nhưng nhồi được vào đầu là xong. Còn nghiên cứu, thí nghiệm, là tự mình phải tìm đọc tài liệu, tự nghĩ ra cách, tự đi xin vật liệu, tự làm, tự dọn dẹp và nếu thất bại sẽ tự hứng chịu.
Nhiều hôm tôi ở lại trong phòng thí nghiệm đến tận tối, trên đường về ký túc xá vừa đói, vừa rét, tôi chợt nhớ tới ông tôi đã làm nghiên cứu hàng chục năm, trong điều kiện khó khăn vật chất gấp bội, áp lực nặng nề về tâm lý. Điều gì khiến ông nội vượt qua được tất cả? Niềm đam mê khoa học? Tình yêu thương con người? Ước mơ được cống hiến? Tôi thật khó tưởng tượng ra được xã hội hiện nay còn tồn tại những người hội đủ được những phẩm chất này và mới thấm hiểu rằng, ông nội tôi hy sinh không chỉ là một mất mát lớn đối với gia đình tôi mà còn là tổn thất lớn đối với hàng triệu người bệnh.
Loay hoay mãi, cuối cùng tôi cũng hoàn thành xong “công trình nghiên cứu”. Luận án của tôi được giải nhất trong cuộc thi sinh viên. Hôm đi bảo vệ đề tài, được hội đồng chấm thi khen, tôi mừng thầm trong bụng nhưng bề ngoài làm ra vẻ thản nhiên: “Nghiên cứu thế này đâu có thấm thía gì. Hồi trước ông nội tôi là một nhà bác học, người đầu tiên tìm ra giống nấm nhả penicillin ở vùng châu Á, chỉ sau Flemming ở châu Âu ít lâu thôi. Việt Nam vì thế đã chế tạo và sản xuất kháng sinh cả gần nửa thế kỷ rồi và ông nội tôi đã cứu sống cho hàng trăm nghìn người”.
Mấy giáo sư sững người, quá ngạc nhiên khi nghe những lời nói đó từ một cô sinh viên Việt Nam, bởi phần lớn người Hungary chỉ biết Việt Nam có chiến tranh, nghèo đói, kém phát triển… mà không có khái niệm gì khác.
Tôi không đi theo con đường nghiên cứu của ông nội, nhưng gần chục năm học trên trường Y giúp cho tôi trân trọng, tôn kính những người làm khoa học. Tôi cũng hiểu, con người cần kiến thức để phân biệt được đâu là những giá trị thật và giả trong cuộc sống.
Tôi rất hãnh diện vì ông nội mình - một người ông tôi chưa bao giờ được gặp mặt nhưng luôn ở trong trái tim tôi.
Đặng Phương Lan
Budapest- Hungary