Dẫn đầu đoàn quân chủ lực từ miền Trung vào Nam nhận nhiệm vụ đánh chiếm dinh Độc Lập, đi song hành cùng đoàn xe tăng của Bùi Quang Thận, Đoàn Văn Ninh là nhân chứng sống của lịch sử chứng kiến tận mắt lá cờ đỏ sao vàng được đồng đội cắm tung bay trên dinh Độc Lập ngày giải phóng đất nước.
Ở tuổi 63, ông Ninh vẫn hăng say tham gia vào các hoạt động của địa phương.
Ra đi không hẹn ngày về
Tháng 11/1967, chàng trai quê Thanh Hóa Đoàn Văn Ninh từ biệt mẹ cha, xóm làng lên đường đánh giặc. Ông được biên chế trong Trung đoàn 66, Tiểu đoàn 7, Đại đội II. Chiến sự ở Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ vô cùng ác liệt, đơn vị của Đoàn Văn Ninh được đào tạo là bộ đội chủ lực đánh áp sát, thọc sâu vào những cơ quan, đơn vị đầu não của Mỹ - ngụy đóng quân trên địa bàn. Ai đã từng biết đến chiến dịch Khe Sanh hẳn không khỏi ái ngại trước sự tàn khốc và quyết liệt lúc bấy giờ. Đoàn Văn Ninh tham gia trận đánh đầu tiên trong đời mình lại ở ngay chiến dịch Khe Sanh năm 1968. Trước sự tấn công như vũ bão của bộ đội ta, quân giặc tháo chạy tán loạn. Tuy nhiên, bên ta không thể tránh khỏi sự thương vong.
Là một người lính mới lần đầu ra trận, chàng trai xứ Thanh Đoàn Văn Ninh đã dốc hết "máu lửa", ý chí và quyết tâm vào trận đánh. Đôi khi cái chết là một điều gì đó nhẹ nhàng, đơn giản như đứa trẻ đang say giấc ngủ nên sự hy sinh đối với những người lính trong mỗi trận đánh đều nhỏ bé vô thường. Sau trận Khe Sanh, Đoàn Văn Ninh bị thương phải lui về tuyến sau điều trị. Mới đánh một trận, còn chưa biết "mùi" của giặc nó như thế nào nay phải nằm bó gối một nơi chữa thương, Ninh cứ bồn chồn, day dứt. Mọi người khuyên Ninh nên về hậu phương không cầm súng thì cũng cầm cày tăng gia sản xuất, góp phần phục vụ cuộc chiến. Ninh không chịu, về nhà bây giờ coi như chấm hết đời lính, chấm hết chí làm trai ra đi cứu nước, mặt mũi nào mà nhìn bố mẹ, bà con lối xóm. Kiên trì chữa thương, cuối cùng các vết thương cũng dần lành sẹo, Đoàn Văn Ninh tiếp tục được cầm súng chiến đấu. Ở mặt trận nào cũng có mặt của ông, ông luôn là lá cờ đầu xung phong vào những tuyến lửa quan trọng.
Còn nhớ trận đánh năm 1974, suốt 7 ngày vào Quận lị Thượng Đức (Quảng Nam - Đà Nẵng). Đó là sào huyệt được cho là bất khả xâm phạm của chính quyền ngụy bởi xung quanh được bao bọc 9 lớp hàng rào thép gai luôn luôn có lính canh nghiêm ngặt. Một bên là dòng sông Vu Gia nước chảy cuồn cuộn, một bên là rừng rậm có bốt cao chót vót và một phía là cánh đồng lúa mênh mông không một bóng cây, không một hầm hào trú ẩn. Sau nhiều lần điều nghiên, quan sát và thăm dò đánh trực diện vẫn không thể tiêu diệt được nơi này, bọn địch dõng dạc tuyên bố "lúc nào sông Vu Gia chảy ngược" thì Việt Cộng mới chiếm được Thượng Đức. Cấp trên cử ba trung đoàn chủ lực áp sát đánh mục tiêu. Riêng đại đội do Đoàn Văn Ninh làm chính trị viên được chọn đánh trực tiếp vào đồn còn các đại đội khác tỏa ra xung quanh bao vây, hỗ trợ cánh quân chủ lực.
Tuy nhiên, trước sự đề phòng cao lại canh phòng nghiêm ngặt của quân địch, bộ đội ta vẫn chưa thể tìm được lối vào. Máu của các chiến sĩ đã đổ, buộc lòng đơn vị phải rút ra ngoài chờ khôi phục lực lượng. Hướng tiến công là từ phía cánh đồng lúa đang thì con gái, bọn giặc sẽ mất đề phòng. Từ cánh đồng lúa sẽ đánh thọc sâu nhưng bọn địch ranh mãnh đã huy động thủy quân lục chiến, đội quân nhảy dù yểm trợ quyết liệt, bộ đội ta phải đào công sự ngay cánh đồng lúa ẩn nấp chờ thời cơ. Những mảng lúa được cắt vuông khi người vừa chui lọt thì lấy vuông lúa ấy đậy nắp lại xem như không có gì. Nhưng được một ngày, những vuông lúa bị cắt chuyển sang màu vàng, từ trên bốt cao, giặc phát hiện liên tiếp nã súng, phóng đạn về phía ruộng lúa. Chúng tinh ranh tuyên bố "chỗ nào lúa vàng là chỗ ấy có Việt Cộng, chỉ cần cho xuống đó một trái lựu đạn là ổn".
Đoàn quân mang nhiệm vụ đặc biệt
Suốt mấy tháng mùa mưa ở miền Trung, Đoàn Văn Ninh cùng các đồng đội của mình phải ăn dầm nằm dề trên núi đánh chiếm với giặc từng gốc cây, ụ mối. Cơm chan đầy nước mắt và máu đã làm nên vẻ đẹp bất tử của những người lính trên những cánh rừng. Họ được viết thành thơ, được ca thành lời trong một số bài hát. Riêng Đoàn Văn Ninh được đồng đội tặng bốn câu thơ như chất chứa cả bầu trời tâm sự của người lính trẻ: "Đoàn Ninh làm giao thông liên lạc/ Có nụ cười đôi mắt tinh anh/ Khe Sanh mấy chuyến vào ra/ Vẫn mơ một chuyến Đông Hà dọc ngang". Câu thơ đúng với nỗi lòng đang khát hao cháy bỏng được xông pha vào tuyến lửa của mặt trận Thành Cổ mặc dù Khe Sanh khốc liệt chẳng kém.
Bám trụ chiến đấu không chịu lùi bước, ngày 29/3/1975, Đà Nẵng - thành phố lớn thừ hai ở miền Nam được giải phóng. Bọn giặc tháo chạy tán loạn, sông Vu Gia vẫn chảy xuôi hiền hòa mà bộ đội ta không phải mất nhiều sông sức dành lại. Niềm vui ngày giải phóng Đà Nẵng chưa trọn vẹn, đơn vị chủ lực của Đoàn Văn Ninh được lệnh tiến quân vào Nam với mục tiêu là dinh Độc Lập. Trên đường Trường Sơn hùng vĩ, đoàn quân với 4 xe vận tải chở đầy bộ đội tiến vào Nam với một khí thế Tổng tiến công mùa xuân như trẩy hội. Đoàn quân do Đoàn Văn Ninh làm chính trị viên dẫn đầu, dọc đường đi, ở đâu có giặc là ở đó đoàn quân dừng lại đánh cho chúng chạy tan tác. Trong lòng Đoàn Văn Ninh bấy giờ chỉ có lửa, ngọn lửa của ý chí tiến công.
Không chỉ có đoàn xe của Văn Ninh mà trên con đường mang tên Hồ Chí Minh ấáy, hàng đoàn xe nối đuôi nhau hướng vào Sài Gòn. Tiếng cười nói, tiếng chúc mừng, động viên nhau rôm rả thắm tình đồng chí đồng đội. Không mấy khó khăn để đoàn xe chở bộ đội chủ lực vào cửa ngõ Sài Gòn bởi lúc này, tán quân giặc đã "hồn bay phách lạc", chúng không dám bén mảng ra đường. Tới Hàm Tân (Bình Thuận), tất cả các chính trị viên, Trung đoàn trưởng hội ý xem trước địa hình Sài Gòn qua Sa bàn, lúc này, Đoàn Văn Ninh đã gặp Bùi Quang Thận trên đoàn xe tăng tiến vào Sài Gòn. Hội ý chớp nhoáng, các đơn vị tiếp tục hành quân làm sao cho thật nhanh chóng vào được nội thành Sài Gòn. Xe tăng và ô tô nối đuôi nhau đi xen kẽ để bổ trợ cho mọi tình huống. Đoàn xe của Đoàn Văn Ninh luôn sát cánh, đi cùng xe tăng của Bùi Quang Thận. Đến Hàng Xanh, do nhiều ngã rẽ quá nên đoàn xe lúng túng tìm đường nhưng chưa kịp hỏi thăm thì lực lượng biệt động thành đã có mặt kịp thời dẫn đường vào tận dinh Độc Lập.
Cả Sài Gòn vắng vẻ phủ tràn màu sương khói của súng đạn, chiếc xe tăng dẫn đầu mang số hiệu 390 nhanh chóng húc đổ cổng dinh Độc Lập. Từ trên chiếc ô tô vận tải yểm trợ cho đoàn xe tăng tiến vào dinh, Đoàn Văn Ninh nhìn rõ đồng đội của mình là Bùi Quang Thận nhảy xuống xe, cầm lá cờ của Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam cắm trên nóc dinh Độc Lập. Họ ôm nhau khóc như mưa, nước mắt hòa chung nụ cười hạnh phúc rạng ngời. Đoàn Văn Ninh cũng nhanh chóng cầm cờ chạy đi cắm trên Bưu điện Sài Gòn và một số trụ sở của ngụy nguyền. Người con miền Bắc lần đầu tiên được ngắm nhìn cảnh phố phường Sài Gòn về tay chính quyền, trong lòng ông cứ lâng lâng nỗi vui sướng không sao tả được. Lần đầu tiên trong đời được mang nhiệm vụ trọng đại tiến đánh dinh Độc Lập, Đoàn Văn Ninh cảm giác nao nao khó tả, niềm tự hào cứ len lỏi xâm chiếm toàn bộ trái tim ông. Ông ôm từng anh em, từng đồng chí của mình khóc vì hạnh phúc, khóc vì niềm vui đất nước toàn thắng.
Ngày đất nước thống nhất, Đoàn Văn Ninh cứ ngỡ mình như trong mơ vì vẫn còn sống để trở về quê hương. Cả tuổi thanh xuân, cả đời trai trẻ ông xông pha và hiến dâng cho cách mạng đến nỗi không có một ngày để chàng trai xứ Thanh này nghĩ đến chuyện tình duyên. Sau giải phóng, ông quay trở về quê hương và bất ngờ bén duyên với một người con gái. Gác súng, Đoàn Văn Ninh bắt tay vào tu sửa lại nhà cửa, vườn tược để bắt đầu lao động làm kinh tế cùng gia đình bé nhỏ của mình.
Buổi sáng ngày 30/4/1975, theo sau đoàn xe tăng tiến vào dinh Độc Lập, chính trị viên Đoàn Văn Ninh dẫn đầu đoàn xe gồm 4 ô tô quân sự chở bộ đội chủ lực được lệnh tiến thẳng vào bảo vệ dinh. Khi cánh cổng dinh Độc Lập bị chiếc xe tăng 390 húc đổ, lập tức Bùi Quang Thận cầm lá cờ của mặt trận giải dân tộc phóng miền Nam Việt Nam cắm trên nóc dinh. Cánh quân của Đoàn Văn Ninh cầm cờ tỏa ra các cơ quan, trụ sở đầu não của chính quyền ngụy như Bưu điện, ngân hàng... Chỉ trong phút chốc, cả đường phố Sài Gòn lấp lánh lá cờ đỏ sao vàng, quân dân hạnh phúc ôm nhau, nụ cười chan hòa cùng nước mắt. |