Đã 25 năm trôi qua, nhưng bao ký ức bi hùng trong trận chiến không cân sức với quân Trung Quốc xảy ra ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) vẫn in sâu trong tâm trí những người lính đã tham gia cuộc tử chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo năm ấy. Họ đã chiến đấu, đã bị địch bắt, đã có giấy báo tử nhưng họ đã may mắn trở về.
Thà làm mồi cho cá chứ không thể chết dưới làn đạn Trung Quốc
Một trong những người lính trở về sau trận chiến 25 năm trước là cựu chiến binh Lê Minh Thoa, nguyên Hạ sĩ quan - Hải đội 1 thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân, sinh năm 1968, nguyên quán xã Bình An, huyện Tây Sơn, tỉnh Nghĩa Bình cũ, nay là tỉnh Bình Định; hiện sống tại TP Quy Nhơn.
Anh Lê Minh Thoa xem lại những kỷ vật trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988
Năm 1988, anh và các đồng đội được tăng cường sang tàu HQ - 604 làm nhiệm vụ chở hàng và đưa quân ra quần đảo Trường Sa. Ngày mùng 9 Tết, tàu HQ - 604 từ cảng Sài Gòn đi Cam Ranh bốc hàng và đưa quân ra đảo Gạc Ma (một đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa), chiều 13/3, tàu neo đậu cách đảo Gạc Ma khoảng gần 1km. Khoảng 17 giờ cùng ngày, tàu Hải quân Trung Quốc áp sát tàu HQ – 604, dùng loa đe doạ buộc ta phải rút lui. Sau đó, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy được lệnh tiếp cận đảo Gạc Ma, khẩn trương chuyển vật liệu xây dựng lên đặt mốc chủ quyền đúng vào lúc 12 giờ đêm ngay đêm đó.
Đến khoảng 5 giờ sáng ngày 14/3, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ phát hiện tàu Trung Quốc với vũ khí trang bị hiện đại đưa quân tiến sát. Chúng lao xuống giật cờ Tổ quốc ta cắm chủ quyền trên đảo. Lúc này, thuyền trưởng thừa lệnh anh em sẵn sang chiến đấu, quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, nhất định không chịu rút lui. Hai bên đánh nhau giáp la cà, giằng co, chúng nhổ cờ lên thì ta lại cắm lại. Cứ như vậy khoảng 1 giờ đồng hồ thì quân lính Trung Quốc nổ súng.
Trong trận chiến không cân sức, các chiến sĩ ta mặc độc quần đùi, áo may ô, trong khi kẻ địch được trang bị súng ống hiện đại nên nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta bị thương, hy sinh; tàu cũng bị bắn hư hỏng nặng, chìm tại khu vực đảo Gạc Ma.
“Khi đó, tôi bị thương cháy bỏng lưng, mắt cá chân bị trúng đạn nhưng cố gắng khắc phục sự cố cháy tàu. Tuy nhiên, nên phải thoát thân, trước khi còn tàu chìm xuống đại dương. Trong trận đó, cán bộ chiến sĩ ta hầu như hi sinh toàn bộ” anh Thoa nhớ lại.
Trước khi tàu HQ-604 chìm anh Thoa kịp nhảy khỏi tàu, vớ được hai trái bí xanh làm phao cứu sinh, nhờ vậy mà sống sót. Lúc này, lính Trung Quốc truy sát tận cùng. “Khi đó tôi không nghĩ là mình sẽ sống nhưng tôi thà làm mồi cho cá chứ không thể chết dưới viên đạn của lính Trung Quốc”.
Anh Thoa được đi nghỉ dưỡng ở Đồ Sơn sau khi trở về từ nhà tù Trung Quốc
Lênh đênh cả ngày trên biển, đến chiều cùng ngày thì anh bị tàu Trung Quốc bắt giữ, bị đánh đập dã man và anh cùng 8 đồng đội đến từ các tàu HQ – 605, HQ – 505 bị đưa về nhà tù Trung Quốc.
Chúng đưa các anh đến trạm thu dung tại bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông và nhốt biệt lập. “Khoảng 3 tháng đầu, chúng đánh đập dã man, bắt đi làm đường giao thông, những công việc nặng nhọc nhưng cả ngày chỉ được 3 cái bánh mì nhỏ như cái bánh bao. Do nhốt biệt lập nên mình cũng không biết các đồng đội sống chết thế nào, không biết tình hình đất nước ra sao...”.
Một người lính khác nằm trong nhóm 9 người bị Trung Quốc bắt giữ là cựu binh Trương Văn Hiền (SN 1968). Anh Hiền hiện sống tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, cũng là đồng đội với anh Thoa trên chuyến tàu HQ - 604.
Người lính hải quân Trương Văn Hiền
Trước khi nhận nhiệm vụ thiêng liêng nơi phía đông nam của Tổ quốc, anh Hiền mang hàm Trung sĩ. Trong chuyến ra Trường Sa làm nhiệm vụ xây dựng đảo, bảo vệ các đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao năm ấy có các tàu HQ- 604, HQ-505 và HQ-605. Anh Hiền đi trên chiếc tàu HQ – 604 cùng anh Thoa.
Anh nhớ lại, trong trận chiến bảo vệ đảo chìm Gạc Ma năm ấy, 64 chiến sĩ hải quân của ta đã anh dũng hy sinh. Riêng anh Trương Văn Hiền bị thương nặng, gãy một sườn bên phải, gãy cẳng tay trái, mắt trái không còn nhìn thấy rõ. “Sau khi bị thương, tôi vớ được tấm ván bám vào, sức rất yếu nên tôi để mặc cho sóng biển đưa đi, tôi xác định đường nào cũng chết” - anh Hiền nhớ lại phút sinh tử.
Anh Hiền bị thương trôi dạt trên biển nhiều ngày, không thức ăn, nước uống, miên man ngất lịm. Phía Trung Quốc sau đó đã vớt được anh cùng 8 đồng đội khác. Mãi đến năm 1991 các anh mới được trả tự do tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan.
Những “liệt sĩ” trở về
Sau trận chiến đó, cả 9 người lính bị Trung Quốc bắt giam đều có giấy báo tử, báo tin đã hy sinh và mất tích. 4 năm sau, Trung Quốc quyết định phóng thích tù binh cho Việt Nam qua đường cửa khẩu Bằng Tường. Các anh được trở về đoàn tụ với gia đình sau 4 năm làm "liệt sĩ".
Sau khi được tự do, hầu hết các đồng đội xin về quê, riêng anh Thoa tiếp tục phục vụ trong trạm sửa chữa Phòng kỹ thuật Lữ đoàn 125 đến 30/11/1996 thì xuất ngũ. Trở về cuộc sống đời thường, anh Thoa bôn ba khắp nơi từ Nha Trang rồi Sài Gòn chạy xe ôm kiếm sống. Thời gian này, anh lấy vợ rồi có 2 con. Vì cuộc sống khó khăn, sau khi sinh cháu thứ 2, vợ anh đã bỏ đi. Anh về Quy Nhơn sống cùng ba mẹ. Sau này anh đi bước nữa, có thêm một cháu trai. Hiện vợ chồng anh Thoa mở quán phở bò nhỏ ở TP Quy Nhơn để mưu sinh.
Anh Hiền đến giờ vẫn phải chịu đựng những cơn đau dai dẳng của các vết thương chiến tranh
Về phần anh Hiền, anh vào TP Buôn Ma Thuột sinh sống rồi lập gia đình. Hiện con trai lớn của anh đã là sinh viên, con gái út đang học lớp 2. Cuộc sống êm đềm nhưng những vết thương chiến tranh mỗi khi trái gió trở trời vẫn hành hạ anh đau nhói. Mỗi khi lên cơn đau, anh không thể ăn uống cũng không làm được việc gì, trong khi anh lại là trụ cột chính trong gia đình bởi con còn nhỏ mà vợ lại ốm yếu.
Anh Hiền cũng được phong tặng Huân chương chiến công hạng Ba nhưng do giấy tờ bị thất lạc sau một trận mưa lũ ở quê nhà Hà Tĩnh nên bây giờ anh gặp nhiều khó khăn khi làm lại giấy tờ xin trợ cấp. Cuộc sống khó khăn nên ngày kỷ niệm lần thứ 25 trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma này, anh chỉ biết xao xuyến ngoái nhìn về hướng đông nam, nơi các đồng đội ông đã ngã xuống, mà chẳng thể ra Đà Nẵng gặp mặt những đồng đội trở về.
Doãn Công - Viết Hảo