|
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trao quyết định thăng quân hàm thiếu tướng cho bà Hà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
|
Nhà ba vị tướng
Nếu tính từ khi Bác Hồ khai sinh ra quân đội, đến nay cả nước mới có 4 nữ tướng. Bà Nguyễn Thị Định là nữ tướng đầu tiên (năm 1974), đã quy tiên năm 1992.
Còn lại ba vị, gồm Thiếu tướng Nguyễn Hồng Giang, nguyên Chính ủy Bệnh viện 108; Thiếu tướng Hồ Thủy, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng và Thiếu tướng Lê Thu Hà.
Riêng quân hàm thiếu tướng, lại là nữ, cũng gợi bao nhiêu sự tò mò cho người viết. Lại là nữ tướng thời bình, chỉ cầm dao (mổ xẻ) càng gợi trí tò mò hơn.
Nhưng muốn gặp chị, cũng chẳng dễ, chúng tôi phải qua cửa giấy tờ, xin phép Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, chị mới đồng ý cho gặp. “Nguyên tắc trong quân đội là thế, làm gì cũng phải có kỷ luật, phép tắc…”, chị nói.
Thấy chúng tôi tò mò về quân hàm thiếu tướng, chị bảo: “Thì mình cũng như bao người phụ nữ khác, cũng bình thường thôi. Phụ nữ bây giờ có các điều kiện để tiến bộ như nam giới. Ở nước mình, nữ tướng còn hiếm nhưng ở các nước không hiếm đâu. Ví dụ như ở Trung Quốc, Mỹ nữ tướng có hàng chục. Ở mình còn hiếm nên được nhiều người để ý”.
|
Thiếu tướng Lê Thu Hà. Ảnh: Phong Cầm.
|
Người phụ nữ vẫn có công việc riêng, cuộc sống, sự nghiệp riêng, nhưng quan trọng nhất vẫn phải giữ được hạnh phúc gia đình. Về đến nhà, bất cứ người phụ nữ nào cũng vẫn cần giữ thiên chức của mình. Người thành công phải là người đạt được một cuộc sống gia đình êm ấm, một hậu phương vững chắc làm điểm tựa tinh thần
Nữ tướng Lê Thu Hà
|
Câu chuyện của nữ tướng Lê Thu Hà, đưa chúng tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chị sinh năm 1957, trong một gia đình quân nhân, mẹ là bác sỹ quân y công tác ở Bệnh viện 108 (nay đã nghỉ hưu), cha chị là Trung tướng Lê Hai, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, cùng thời với Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Thượng tướng Nam Khánh... Đặc biệt hơn, chồng chị cũng là một vị tướng, Thiếu tướng Vũ Huy Nùng, hiện là Phó giám đốc Học viện Quân y.
Nữ tướng Lê Thu Hà là chị cả trong gia đình chỉ có hai chị em gái. Nên chị “vừa là con gái, lại vừa là con trai”. Năm 2007, chị được phong phó giáo sư. Đến 2009, chị được phong hàm Thiếu tướng. Năm 2010, chồng chị cũng được phong hàm Thiếu tướng, thế là ngôi nhà nhỏ, chỉ có sáu người nhưng có đến ba vị tướng.
Ngày đeo lon tướng về nhà, cảm giác của chị thế nào? “Rất khó tả, tôi thành niềm vinh dự, tự hào của cả gia đình. Ba tôi thì khỏi phải nói, ông không có con trai, khi ấy tôi như đứa con trai mà bấy lâu ông kỳ vọng”.
Nữ tướng tâm sự: “Cảm giác, giây phút nhận quân hàm thiếu tướng thật thiêng liêng, thật vinh dự. Tôi nghĩ đến những thế hệ cha ông, những đồng nghiệp lớp trước, những hy sinh xương máu đã xây đắp nên ngày hôm nay. Tôi tự hào là thế hệ nối tiếp của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 anh hùng”.
Đi lên từ sự học
|
Gia đình thiếu tướng Lê Thu Hà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
|
Cha là Trung tướng Lê Hai, quê Thanh Oai (Hà Tây cũ) người trải qua hai cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam. Nên, luôn biền biệt.
Mẹ là bác sỹ quân y ở Bệnh viện 108. Từ nhỏ, Thu Hà đã theo mẹ vào bệnh viện, nên sớm tiếp xúc với nghề y. Hình ảnh người mẹ với chiếc blouse trắng miệt mài vì công việc đã in đậm trong tâm trí cô từ đó. Học xong cấp ba, Hà thi vào Học viện Quân y, mong muốn theo nghề của mẹ.
Chị là một trong những học viên xuất sắc được ở lại trường, với tấm bằng tốt nghiệp bác sỹ nội trú. Công tác 10 năm ở trường, chị thi đỗ nghiên cứu sinh với điểm thủ khoa và được sang học ở Bungari. Năm 1996, về nước với tấm bằng tiến sỹ y khoa, chị về Bệnh viện 108 công tác cho đến nay.
Công trình khoa học mà chị tâm đắc là đề tài hợp tác quốc tế theo nghị định thư với Ấn Độ về lọc màng bụng ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối năm 2004.
Khi đó chị còn là chủ nhiệm khoa Thận - Khớp. Thời điểm này, trong Quân đội, chỉ Bệnh viện 108 ở Hà Nội và Bệnh viện Quân y 175 thành phố Hồ Chí Minh có máy lọc máu cho bệnh nhân suy thận mạn. Bệnh nhân là quân nhân ở nhiều đơn vị, nhiều địa phương khác nhau đều phải tập trung về Hà Nội để lọc máu.
Cuộc sống của người bệnh rất khó khăn buộc phải gắn liền với bệnh viện, xa gia đình, đơn vị. Có nhiều bệnh nhân trong nhiều năm đã không thể về nhà ăn Tết.
Với phương pháp lọc màng bụng, bệnh nhân có thể thực hiện tại nhà (sau khi đã được nhân viên y tế tập huấn đầy đủ), không phải đến bệnh viện hàng ngày. “Thực ra kỹ thuật này không mới, thế giới làm rồi, ở bệnh viện dân y cũng làm rồi nhưng trong quân đội không ai muốn làm, còn nhiều ý kiến trái chiều”.
“Đã áp dụng thành công trên lâm sàng, nhưng không phải đưa ra làm đại trà ngay được, chúng tôi còn phải thuyết phục Cục Quân y về tính pháp lí và an toàn của phương pháp điều trị mới này. Tôi đã cam kết trước đồng chí cục trưởng Cục Quân y xin chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu xảy ra vấn đề xấu và đề tài đã được triển khai”, Thiếu tướng Hà nhớ lại.
Cho tới nay, đã nhiều năm trôi qua, lọc màng bụng đã thành thường qui tại Bệnh viện 108. Nhìn những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối lọc màng bụng ổn định sức khỏe, được sống cùng gia đình, duy trì được công việc, chị và các đồng nghiệp như được tiếp thêm được nguồn động viên khích lệ trong công việc. Với đề tài trên, năm 2011 chị và các đồng nghiệp đã được Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng giải thưởng “Phụ nữ sáng tạo”.
Con đường sự nghiệp của vị nữ tướng Lê Thu Hà tưởng chừng như một con đường bằng phẳng nhưng thực tế, đó là hơn 30 năm miệt mài nghiên cứu và phấn đấu gian khổ. Chị tâm sự: “Mỗi thành công trong sự nghiệp của người phụ nữ là không đơn giản. Trong gia đình, thiên chức phụ nữ phải vẹn toàn, lại vẫn tiếp tục phấn đấu cống hiến cho công việc được giao. Để có được những thành công người phụ nữ phải nỗ lực phấn đấu, hi sinh vất vả hơn nam giới rất nhiều”.
Theo Bá Kiên - Phong Cầm
Tiền phong