Phát súng trên cao nguyên nhằm vào Ngô Đình Diệm – Tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn của người chiến sĩ cách mạng vào ngày 22/2/1957 đã đi qua hơn năm thập kỷ, nhưng dư âm của nó vẫn còn mãi. Người chiến sĩ đó là người tử tù không số, nhân chứng lịch sử của những ngày cả miền Nam sục sôi phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang diệt ác để bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, đòi kẻ thù nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Genève- Mười Thương.
Nhận nhiệm vụ đặc biệt lúc 13 tuổi
Mười Thương tên thật là Phan Văn Điền, quê ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc- Nghệ An. Ông sinh ngày 18/8/1935 trong những năm tháng phong trào cách mạng đang sục sôi ở Nghệ An. Cha ông hy sinh trong đợt binh biến Đô Lương tháng 1/1941 khi ông vừa 6 tuổi. Năm 1945, ông bị lính Nhật bắt đưa vào miền Nam và bỏ lại ở Bà Rịa -Vũng Tàu. Ông đã tìm đến ở thuê cho một gia đình khá giả trong vùng. Được một năm, ông đã trốn đi theo kháng chiến khi vừa 10 tuổi.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông còn có nhiều tên gọi khác nhau như Đinh Dũng, Phạm Công Phú, Hà Minh Trí, Triệu Thiên Thương.
Phan Văn Điền và bà Nhã Nam (vợ) ra thăm Đại tướng Võ Nghuyên Giáp năm 1995 |
Tháng 8/1948, lúc đang là nhân viên Ban quân báo tỉnh Bà Rịa, thấy ông còn nhỏ nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát và rất gan dạ nên 3 đồng chí gồm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính tỉnh Hứa Văn Yến, Trưởng ban quân báo tỉnh Nguyễn Văn Bản, Trưởng ty Công an tỉnh Bà Rịa -Ba Thiên họp chung, giao nhiệm vụ đặc biệt cho ông là vào đồn Cao Đài ở ngã ba Bờ Đập (nằm giữa 3 xã Long Tân, Long Mỹ và Phước Hải, thuộc huyện Đất Đỏ và Long Điền của tỉnh Bà Rịa). Đây là vùng căn cứ kháng chiến của ta.
Phan Văn Điền được giao nhiệm vụ làm liên lạc đặc biệt giữa lãnh đạo kháng chiến tỉnh với thiếu úy Phạm Ngọc Chẩn (Trưởng đồn Bờ Đập) - người đã chấp nhận sẽ kéo hết Đại đội quân Cao Đài của đồn ra với kháng chiến để đánh Tây.
Nhiệm vụ thứ hai của ông là điều tra quân báo đồn Bờ Đập và các đồn đóng bao quanh vùng căn cứ kháng chiến, như đồn Phước Hả, đồn Nước Ngọt và đồn Ngã ba Lò Vôi để phục vụ cho việc tấn công tiêu diệt chúng sau khi quân Cao Đài đồn Bờ Đập kéo ra theo kháng chiến.
Nhận nhiệm vụ vào đồn được 2 tháng, với trí thông minh của mình, Phan Văn Điền đã hoàn thành việc điều tra quân báo và vẽ xong sơ đồ bố trí của các đồn. Thời gian này tên đồn phó đã bắt đầu nghi ngờ, hắn đã mật báo cho đệ nhị phòng Pháp tỉnh Bà Rịa. Pháp báo cho bộ tham mưu quân đội Cao Đài ở Tây Ninh.
Bộ tham mưa quân đội Cao Đài ở Tây Ninh lập tức ra lệnh bắt cả thiếu úy Phạm Ngọc Chẩn và Phan Văn Điền về Tòa Thánh Cao đài Tây Ninh. Sau hơn một tháng bị đánh đập, tra hỏi hết sức đau đớn nhưng cậu bé 14 tuổi vẫn kiên quyết khai như vỏ bọc ngụy trang từ đầu là “Trẻ mồ côi ở đợ chăn trâu ở ngoài đồng, gần đồn. Ông Chẩn dẫn quân tuần tra thấy bắt đem vào đồn. Biết tôi mồ côi nên giữ lại trong đồn để làm tạp dịch phục vụ bưng trà nước, giặt quần áo cho ông”.
Anh hùng LLVTND Phan Văn Điền, nguời mặc áo đen, cùng với ông Trần Quốc Hương, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương -người bạn tù của ông. |
Thiếu úy Chẩn thì cãi lại bọn điều tra: “Tên đồn phó tham ô bị Chẩn kỷ luật, thù oán Chẩn nên bịa chuyện báo lén cho Tây, báo lại cho quân đội Cao Đài, chớ gia đình tôi là đạo dòng (cha, mẹ đều lễ sanh). Anh ruột là trung tá Phạm Ngọc Trấn, Tư lệnh quân đội Cao Đài miền Tây, làm sao lại đi theo Việt Minh được”.
Một điều may mắn không chỉ cho ông Chẩn mà còn cả cho ông Điền, đó là Phạm Ngọc Trấn, Tư lệnh quân đội Cao Đài miền Tây lại là thầy dạy học trước kia của Trịnh Minh Thế (Tư lệnh quân đội Cao Đài miền Đông). Vì mối quan hệ đó và nể tình đồng nghiệp, Trịnh Minh Thế đã ra lệnh thả cả Chẩn và Phan Văn Điền. Từ đó, Phan Văn Điền mặc nhiên được ở trong một gia đình sĩ quan cao cấp Cao Đài. Hàng ngày ông nắm được rất nhiều tin tức qua mối quan hệ tiếp xúc giữa Phạm Ngọc Trấn với nhiều sĩ quan và chức sắc cao cấp của Cao Đài.
Ở trong một gia đình sĩ quan cao cấp Cao Đài với một vỏ bọc rất tốt, nhưng Phan Văn Điền luôn đáu đáu trong lòng là làm sao để liên lạc được với cách mạng bên ngoài. Đến năm 1949, Phan Văn Điền bắt liên lạc được với Công an huyện Châu Thành -Tây Ninh qua một gia đình cơ sở công an ở thị xã Tây Ninh.
Thấy vị trí của ông đang ở rất tốt, nên lãnh đạo Công an huyện động viên Phan Văn Điền tiếp tục làm tốt vai trò em nuôi trong gia đình Phạm Ngọc Trấn, để thu thập thông tin về tình hình nội bộ Cao Đài và các mối quan hệ giữa Cao Đài với Pháp và ngụy quyền.
Anh hùng LLVTND Phan văn Điền -hàng đầu, bìa phải gặp mặt các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày |
Giữa năm 1953, ông bị đệ nhị Phòng Cao Đài nghi ngờ theo dõi. Biết bị lộ, Công an huyện Châu Thành quyết định rút ông ra căn cứ. Năm 1954, Hiệp định Genève ký kết, tiễn đồng đội ra miền Bắc, ông được chọn ở lại trong ban địch tình Tỉnh ủy Tây Ninh để tiếp tục bám địa bàn hoạt động.
Những năm sau Hiệp định Genève, Ngô Đình Diệm ra sức khủng bố, trả thù những người kháng chiến. Chúng đánh phá hành loạt tổ chức Đảng, cơ sở cách mạng, bắn giết, bắt bớ tù đày hàng loạt cán bộ, đảng viên và gia đình có con em đi tập kết ra Bắc. Đàn áp các tôn giáo, đảng phái đối lập, gây ra vô vàn đau thương, tang tóc cho nhân dân miền Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng.
Trước tình hình đó, đảng viên và quần chúng khắp nơi sục sôi căm thù Mỹ, Diệm; yêu cầu Đảng cho phép vũ trang diệt ác để bảo vệ tổ chức Đảng, cơ sở cách mạng và bảo vệ phong trào đòi đấu tranh của nhân dân đòi địch thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève.
Từ thực tiễn bức xúc đó, Xứ ủy Nam Bộ đã đề ra “Đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam”. Chủ trương đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang diệt ác để bảo vệ Đảng, bảo vệ lực lượng cách mạng của quần chúng, từng bước đưa phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng phát triển lên cao trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.