QĐND Online - Chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ xinh xắn nằm trong ngõ 131/1 đường Bà Triệu, thành phố Huế, để gặp chị Hoàng Thị Nở, một nữ du kích trong tiểu đội 11 cô gái Sông Hương, từng tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1986.
Tiếp chúng tôi là người phụ nữ có gương mặt phúc hậu, giọng nói nhỏ nhẹ, chân tình và cởi mở. Bên ly trà Cung Đình Huế, chị kể: Sinh ra tại làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, trong một gia đình nông dân nghèo có bảy chị em, chị là con thứ tư. Năm 1966, khi vừa tròn 17 tuổi, chứng kiến sự đau thương mất mát quá lớn do tội ác của bọn Mỹ, ngụy gây ra cho những người thân trên mảnh đất quê hương, chị đã tình nguyện vào du kích xã. Chưa đầy một năm sau chị được tuyển chọn vào Tiểu đội nữ du kích 11 cô gái sông Hương.
“Mười một chị em ngày ấy mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách nhưng có một điểm chung là đều rất nghèo và đều tình nguyện tham gia cách mạng bằng tất cả niềm khát khao cháy bỏng và trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ”, chị Nở bồi hồi.
|
Chị Hoàng Thị Nở trò chuyện cùng tác giả.
|
Nhớ lại những ngày trực tiếp cầm súng tham gia các trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968, chị kể: Ngày 11-2-1968, đồng chí Hoàng Lanh, Bí thư Thành ủy Huế xuống trao đổi với chúng tôi rằng, các đơn vị chủ lực của ta đã đánh vào trong lòng thành phố Huế. Cấp trên cho biết, ngày 12-2, tiểu đoàn thủy quân lục chiến của Mỹ ở Phú Bài sẽ lên đánh ứng cứu giải vây cho đối phương. Nhiệm vụ của tiểu đội nữ du kích là phối hợp với các đơn vị bạn bẻ gãy đợt tấn công lần này của địch. Trong trận chiến đó, tiểu đội của chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt 120 tên địch ở ngã ba chợ Cống.
Nhưng trong trận chiến hôm đó, chị Nở bị thương ở đầu; bốn đồng đội của chị cũng anh dũng hy sinh khi tuổi đời đẹp nhất, đó là các chị: Đỗ Thị Hoa, Hoàng Thị Sau, Hoàng Thị Hết, Nguyễn Thị Diên.
Kể đến đây, chị Nở lại nghẹn ngào.
Vừa lật giở cho chúng tôi xem những kỷ vật của một thời trận mạc, chị Hoàng Thị Nở vừa kể tiếp: "Tết Mậu Thân năm 1968, tôi cùng đồng đội chiến đấu liên tục 20 ngày đêm bên bờ sông Hương. Cả ngày bám giữ chiến hào, mùi thuốc súng khét lẹt. Bánh tét, bánh chưng và quà tết được các bà các mẹ trong phố mang ra tiếp tế. Cảm động lắm chú ạ! Lúc đó, ai cũng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả và ước mơ tới một ngày đất nước hoàn toàn tự do độc lập, để được đón một cái Tết trong niềm vui hòa bình. Có sống trong những ngày gian khổ ác liệt đó mới thấy được giá trị của hai chũ TỰ DO chú à". Nói rồi, chị nhìn chăm chú vào chúng tôi như muốn gửi gắm một điều gì đó!
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tiểu đội nữ du kích mỗi người đảm nhiệm một vị trí công tác. Chị Hoàng Thị Nở được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính trị viên xã đội. Năm 1980, chị được chuyển qua công tác tại Hội Nông dân thành phố Huế rồi được giữ chức Chủ tịch Hội cho đến năm 2007 thì nghỉ hưu theo chế độ. Chị vừa được nhận huy hiệu 45 năm tuổi Đảng. Chồng chị, anh Nguyễn Công Xanh cũng là thiếu tá, từng công tác tại Ban CHQS Thành phố Huế nay cũng đã nghỉ hưu. Chị bộc bạch rằng, so với nhiều đồng đội, chị may mắn lắm rồi, bởi nhiều người cùng chiến đấu với chị hiện nay cuộc sống vẫn còn vất vả, con cái bị ảnh hưởng chất độc da cam…
Ngôi nhà của gia đình chị ở bây giờ, trước đây là hầm hào công sự. Cách nhà chị khoảng vài trăm mét là Bia chiến tích 11 cô gái sông Hương được xây dựng năm 2009.
Vợ chồng chị rất hạnh phúc với tổ ấm của mình. Hai cô con gái đã có ông ăn việc làm ổn định và đã lập gia đình. Chị thông báo với chúng tôi là đã…lên chức bà ngoại. Bây giờ dù sức khỏe không được tốt do những vết thương thường xuyên tái phát nhưng chị vẫn ước ao được gặp lại những chị em trong tiểu đội nữ du kích sông Hương ngày nào. Chị bảo, những nữ du kích trong tiểu đội còn sống đến hôm nay đều đã bước qua tuổi 65; mỗi người một hoàn cảnh. Nhưng dù ở đâu, làm gì họ cũng đều giữ được hình ảnh và truyền thống tốt đẹp của Tiểu đội 11 cô gái sông Hương huyền thoại.
Bài và ảnh: TRẦN ĐÌNH THĂNG