Phạm Ngọc Thảo - Oanh liệt trong thầm lặng (Kỳ 6)
25/12/2012 4:05
“Cái ông Phạm Ngọc Thảo này rất lạ.
Hồi đó nhiều người nghĩ ổng là cộng sản, nhưng lạ là không ai làm gì
được ổng. Ổng nói nhỏ nhẹ và rất thuyết phục, ai cũng nghe. Năm 1965,
tôi mà không ngăn cản thì ổng đã làm Thủ tướng rồi” - lời ông Nguyễn Cao
Kỳ nói với Thanh Niên.
Năm 1962, sau khi thôi làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa, sang Mỹ học một khóa
quân sự cao cấp, Phạm Ngọc Thảo được bổ nhiệm làm Thanh tra Ấp chiến
lược, trực thuộc Phủ Tổng thống. Thời gian này mối quan hệ giữa ông với
ông Trần Kim Tuyến và Huỳnh Văn Lang càng thân thiết. Với sức thuyết
phục mạnh mẽ của một nhà quân sự vừa có trình độ, vừa chân thành vốn có,
ông được nhiều sĩ quan có tinh thần dân tộc ngưỡng mộ.
Phạm Ngọc Thảo (giữa) chỉ huy đảo chính - Ảnh: LIFE
|
Trong những năm 1962 - 1963, giữa lúc phong trào Đồng khởi lan rộng ở
nông thôn, chính trường miền Nam Việt Nam trở nên rối ren. Gia đình họ
Ngô vừa cai trị độc tài, vừa muốn thoát khỏi sự can thiệp của người Mỹ,
tình hình này khiến cho phong trào đấu tranh của quần chúng ở đô thị
dâng cao. Người Mỹ thì muốn gạt bỏ gia đình họ Ngô để thay vào đó giới
lãnh đạo thân Mỹ nhằm biến miền Nam thực sự là một tiền đồn chống cộng.
Biết trước sau gì gia đình họ Ngô cũng bị người Mỹ lật đổ để dựng lên
một chính quyền nguy hiểm hơn, Phạm Ngọc Thảo cùng với Trần Kim Tuyến và
Huỳnh Văn Lang lên một kế hoạch đảo chính với mục tiêu “cải sửa” chế độ
nhằm vô hiệu hóa ý đồ của người Mỹ. Theo kế hoạch này, lực lượng đảo
chính sẽ vẫn giữ Ngô Đình Diệm làm tổng thống, chỉ buộc Ngô Đình Nhu ra
nước ngoài. Tuy nhiên, kế hoạch bị lộ, Trần Kim Tuyến bị đưa đi làm lãnh
sự ở Ai Cập. Ngô Đình Nhu không tin Phạm Ngọc Thảo tham gia kế hoạch
này, thứ nhất là ông Nhu không tin ông Thảo phản bội, thứ hai là ông
Thảo “không có quân”. Thực ra lúc đó ông Thảo đã được nhiều sĩ quan chỉ
huy ở Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, một số đơn vị biệt động quân, bảo an hậu
thuẫn. Cuộc đảo chính không thành chủ yếu do thành phần đảo chính không
phải là những người mà người Mỹ có thể nắm được.
Và như chúng ta đã biết, ngày 1.11.1963, một nhóm tướng lĩnh do Mỹ
bật đèn xanh, đã tiến hành đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Anh em
ông Diệm, ông Nhu bị chết thảm. “Hội đồng quân nhân cách mạng” (HĐQNCM)
do tướng Dương Văn Minh đứng đầu lên cầm quyền. Phạm Ngọc Thảo dù không
chủ động tham gia cuộc đảo chính này, vẫn được HĐQNCM cử làm tùy viên
báo chí, sau đó được cử sang Mỹ tu nghiệp. HĐQNCM cầm quyền được 2
tháng, đã bị tướng Nguyễn Khánh và tướng Trần Thiện Khiêm 2 lần “chỉnh
lý”, thâu tóm mọi quyền lực.
Lên cầm quyền, Nguyễn Khánh rút Phạm Ngọc Thảo về nước, cử làm giám
đốc báo chí, phát ngôn viên chính phủ, lúc này ông đã được thăng đại tá.
Mâu thuẫn giữa các tướng lĩnh trong giới cầm quyền ngày càng gay gắt,
Nguyễn Khánh tiếp tục loại Trần Thiện Khiêm, đưa ông tướng này đi làm
đại sứ tại Mỹ. Phạm Ngọc Thảo cũng được đưa sang Mỹ làm tùy viên văn
hóa, quân sự vào đầu tháng 10.1964. Ông đưa luôn vợ con sang (họ định cư
ở Mỹ cho đến ngày nay). Tuy nhiên, sau đó do nghi ngờ Phạm Ngọc Thảo,
nên cuối năm 1964, Nguyễn Khánh ra lệnh triệu hồi Phạm Ngọc Thảo về
nước, với ý đồ sẽ bắt ông tại sân bay Tân Sơn Nhất. Phạm Ngọc Thảo đã
khôn khéo không về đúng giờ bay dự định nên thoát. Có mặt ở Sài Gòn,
ông bí mật móc nối tổ chức lực lượng, kéo tướng Lâm Văn Phát và hàng
chục sĩ quan khác tiến hành cuộc đảo chính ngày 19.2.1965.
Điều kỳ lạ là lúc đó Phạm Ngọc Thảo, tuy là đại tá nhưng không cầm
quân và đang bị Nguyễn Khánh truy bắt, lại có thể tổ chức và chỉ huy một
lực lượng không dưới một sư đoàn làm binh biến (gồm các đơn vị thiết
giáp với 45 xe tăng và thiết giáp, các đơn vị địa phương quân, lực lượng
của Trường bộ binh Thủ Đức và chủ lực là trung đoàn 46 thuộc Sư đoàn 25
bộ binh). Cuộc binh biến do tướng Lâm Văn Phát cầm đầu về danh nghĩa,
còn thực tế do Phạm Ngọc Thảo tổ chức và chỉ huy, sau này người ta gọi
ông là “Tư lệnh hành quân 19.2”.
Chỉ trong 1 ngày, lực lượng đảo chính đã chiếm Bộ Tổng tham mưu, Bộ
Tư lệnh biệt khu thủ đô (trại Lê Văn Duyệt), Đài phát thanh Sài Gòn, bến
Bạch Đằng và sân bay Tân Sơn Nhất. Đáng tiếc là do một số sơ sót trong
hợp đồng tác chiến, Nguyễn Khánh đã được Tư lệnh Không quân lúc đó là
Nguyễn Cao Kỳ cứu thoát.
Chúng tôi có dịp gặp ông Nguyễn Cao Kỳ năm 2008. Hỏi về sự kiện này,
ông Nguyễn Cao Kỳ nói: “Cái ông Phạm Ngọc Thảo này rất lạ. Hồi đó nhiều
người nghĩ ổng là cộng sản, nhưng lạ là không ai làm gì được ổng. Ổng
nói nhỏ nhẹ và rất thuyết phục, ai cũng nghe. Năm 1965, tôi mà không
ngăn cản thì ổng đã làm Thủ tướng rồi”. Ngẫm nghĩ một hồi, ông Kỳ nhớ
lại: “Cuộc đảo chính diễn ra bất ngờ đến mức tôi không kịp mặc áo, chỉ
mặc may ô chui hàng rào thép gai ra lấy máy bay chạy về Biên Hòa. Sau đó
ông Thảo lên Biên Hòa gặp tôi, cùng đi có một đại tá Mỹ. Ổng thuyết
phục tôi ủng hộ quân đảo chính. Nói thật là tôi không ưa gì Nguyễn
Khánh, nhưng quân đội đánh nhau tôi không đồng ý. Tôi bảo các anh phải
cho quân về ngay doanh trại, đến 5 giờ chiều mà không rút quân tôi sẽ
cho máy bay ném bom”. Đó là lý do khiến cuộc đảo chính thất bại.
Tuy nhiên, Nguyễn Khánh cũng bị loại. Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ
và một số tướng lãnh được sự hậu thuẫn của người Mỹ đã lựa gió phất cờ,
họp Hội đồng tướng lãnh buộc Nguyễn Khánh từ chức và trục xuất ông này
ra nước ngoài với danh nghĩa là “đại sứ lưu động”, cử tướng Nguyễn Chánh
Thi làm chỉ huy chống đảo chính, ra lệnh cho Phạm Ngọc Thảo, Lâm Văn
Phát cùng 13 sĩ quan “đầu sỏ” tham gia đảo chính trong vòng 24 giờ phải
ra trình diện. Phạm Ngọc Thảo, tướng Lâm Văn Phát, trung tá Lê Hoàng
Thao (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 46) bỏ trốn.
Tháng 6.1965, Hội đồng tướng lĩnh giải tán chính phủ dân sự của Phan
Huy Quát, đưa tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc
gia (tương đương quốc trưởng), tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban
hành pháp trung ương (tương đương thủ tướng). Chính quyền Thiệu - Kỳ lập
tòa án quân sự để xử những người tham gia đảo chính. Phạm Ngọc Thảo bị
kết án tử hình vắng mặt, chúng treo giải thưởng 3 triệu đồng cho ai bắt
được ông.
Lúc này tuy ông phải lẩn tránh sự truy bắt của chính quyền, nhưng vẫn
còn nắm được 1 tiểu đoàn. Ông liên lạc với ông Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt
gặp ông và gợi ý ông ra chiến khu cho an toàn, có thể dẫn theo tiểu đoàn
này với danh nghĩa binh biến ly khai. Tuy nhiên, ông cho biết ông vẫn
còn có khả năng tổ chức đảo chính để ngăn chặn chính quyền quân phiệt
rước quân viễn chinh Mỹ vào gây tội ác. Ông Võ Văn Kiệt đồng ý.
Phạm Ngọc Thảo tiếp tục hoạt động bí mật ở Sài Gòn, cho xuất bản tờ
“Việt Tiến” để tập hợp lực lượng. Ông được các giám mục, linh mục, giáo
dân Công giáo cùng nhiều bạn bè trong và ngoài quân đội giúp đỡ, bảo vệ.
Còn Nguyễn Văn Thiệu, sau khi lên nắm chính quyền, thấy rõ Phạm Ngọc
Thảo là mối đe dọa nguy hiểm đến vị trí quyền lực của mình, nên quyết
tìm mọi cách tiêu diệt ông để trừ hậu họa. (còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
|