Phạm Ngọc Thảo - Oanh liệt trong thầm lặng (Kỳ 5):
Ông Thảo chụp trái lựu đạn đang xì
khói, lúng túng không biết xử lý làm sao. Nếu liệng ra bên ngoài thì
chết dân, liệng bên phải bên trái thì chết dàn thiếu nhi nhà thờ...
Hành động của Phạm Ngọc Thảo tại Bến Tre như thả tù chính trị và khôn
khéo lái các cuộc hành quân tảo thanh vào chỗ không người đã góp phần
quan trọng vào việc bảo tồn lực lượng cách mạng, tạo điều kiện mở rộng
cuộc Đồng khởi ở miền Nam. Nhưng đó là nhận định sau này, khi đã biết
Phạm Ngọc Thảo là người của ta. Còn lúc đó, nhận định của Tỉnh ủy Bến
Tre thì hoàn toàn ngược lại.
|
|
|
Ám sát ông Thảo là làm thiệt. Lựu đạn thối, có khả năng là có nội gián của địch trong công binh xưởng lúc kiểm tra lựu đạn
|
|
|
|
|
|
Chúng tôi đã gặp một trong hai người trực tiếp ném lựu đạn giết Phạm
Ngọc Thảo. Đó là ông Đặng Quốc Tuấn (Sáu Tuấn), sau này là Tỉnh ủy viên,
Bí thư Tỉnh đoàn, rồi làm Giám đốc Đài phát thanh - truyền hình tỉnh
Bến Tre cho đến khi về hưu. Người kia là ông Ngô Văn Thiều đã qua đời.
Hôm đó là ngày Quốc khánh VNCH 26.10.1961, một cuộc mít tinh lớn biểu
dương lực lượng được tổ chức tại Quảng trường An Hội, ngay đầu cầu Bến
Tre 1 chợ Vườn Hoa bây giờ. Người giao nhiệm vụ là ông Hai Trung, Tỉnh
ủy viên phụ trách Thị ủy. Nhiệm vụ ông Hai Trung giao trực tiếp cho ông
Thiều, đã thoát ly, cùng 5 trái lựu đạn, 3 trái nội hóa, 2 trái MK2 của
Mỹ. Ông Thiều giao nhiệm vụ lại cho ông Sáu Tuấn, lúc đó 17 tuổi, đang
học đệ tam (lớp 10). Mỗi ông cầm 1 trái lựu đạn MK2, 3 trái kia để ở nhà
ông Thiều. Ông Thiều đứng tại vị trí ngay trụ sở Báo Đồng Khởi bây giờ,
còn ông Sáu Tuấn đứng cách 10 m. Theo hợp đồng, ông Thiều ném trước,
ông Sáu Tuấn ném tiếp theo, ném xong chạy về tập kết tại nhà ông Thiều ở
thị xã.
Ông Sáu Tuấn kể: “Sau khi ông Thảo đọc diễn văn, lúc đó khoảng 8 giờ
30, tới phần diễu hành. Tất cả quan khách đứng lên nhìn ra phía diễu
hành. Ông Thiều liệng 1 trái, lựu đạn rơi cách ông Thảo 1,5 m, không
thấy nổ, tôi liệng tiếp 1 trái cách ông Thảo 5 m rồi bỏ chạy, cũng không
nổ luôn. Lúc đó bọn tôi bỏ chạy không để ý, sau giải phóng chị Nhiệm vợ
ông Thảo về Bến Tre gặp chúng tôi có nói lại mới biết lúc đó ông Thảo
chụp trái lựu đạn đang xì khói, lúng túng không biết xử lý làm sao. Nếu
liệng ra bên ngoài thì chết dân, liệng bên phải bên trái thì chết dàn
thiếu nhi nhà thờ. Đang không biết làm sao thì thấy khói dần dần mỏng
ra, ổng biết lựu đạn lép, nên nắm chặt luôn. Tôi chưa biết ông Thiều bị
bắt tại chỗ, nên chạy về nhà ông Thiều định lấy tiếp 3 trái còn lại. Rủi
cho tôi, tại nhà ông Thiều đã có mật báo dẫn người lên ém, tôi đến bọn
chúng giữ lại, chưa bắt ngay. Chúng vô nhà xét, lấy 3 trái lựu đạn và
chiếc cặp da đi học tôi để ở nhà ông Thiều, vì cái cặp da có dấu cây
súng trước đây tôi để trong cặp, nên tôi bị bắt, bị đánh tại chỗ. Tôi và
ông Thiều bị giam riêng. Do không lường trước là bị bắt nên chưa thống
nhất cách khai, vì vậy mỗi người nói một phách. 20 ngày sau, khi giam
chung mới thống nhất lại”.
Phạm Ngọc Thảo lúc làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa - Ảnh: LIFE
|
Sau khi bị bắt 1 tuần, ông Thảo có gặp hai ông. Lần đó, một cố vấn Mỹ
thẩm vấn, ông Thảo làm phiên dịch. Hỏi: “Tại sao là học sinh mà đi ám
sát tỉnh trưởng ngay tại ngày quốc khánh? Có phải cộng sản giao việc
không? Ai là người giao việc?”. Trả lời: “Do chính quyền độc ác, đàn áp
ức hiếp giết hại dân. Chúng tôi học tập gương của Phạm Hồng Thái, Nguyễn
Thái Học đứng lên đấu tranh, không liên quan gì tới cộng sản, không có
ai giao việc cả”. Ông Thảo dịch như thế nào ông Sáu Tuấn không biết. Ông
Thảo chỉ nói với hai ông: “Các em còn nhỏ, phải lo chuyện học hành,
chính trị là chuyện của người lớn, sau này lớn lên muốn làm gì thì làm”.
Lần thứ hai, ông Thảo đến hỏi thăm trước khi đưa về Chí Hòa.
Tháng 3 năm sau, Tòa án quân sự đặc biệt mở phiên tòa xử hai ông theo
luật 10/59, một đại tá tên Khoa làm công tố. Do có sự vận động của
phong trào yêu nước ở Sài Gòn, nên luật sư Trịnh Đình Thảo đến bào chữa
cho hai ông. Tuy nhiên, hai ông tự cãi là chính. Hai ông tố cáo sự tàn
bạo của chế độ và dõng dạc nói: “Tụi tôi không phải là Việt cộng, nhưng
nếu như được Việt cộng tổ chức làm như vậy tụi tôi cũng tham gia”. Hai
ông còn lên án phiên tòa vi phạm luật quốc tế, xử vị thành niên chưa tới
18 tuổi, đại tá Khoa rút gươm lệnh ra nói lớn: “18 tuổi là luật cộng
sản, Việt Nam cộng hòa xử 13 tuổi”. Do những gì cần cãi hai ông đã tự
cãi rồi, nên luật sư Trịnh Đình Thảo chỉ đề nghị khoan hồng.
Ông Đặng Quốc Tuấn - Ảnh: Nguyễn Khoa Chiến
|
Hai ông bị kết án mỗi người 20 năm tù, đưa về Chí Hòa, sau đó đưa ra
Côn Đảo, chung một chuyến với những người tù nổi tiếng Lê Quang Vịnh, Lê
Hồng Tư. Ngoài Côn Đảo, hai ông đấu tranh, chống chào cờ, được kết nạp
Đảng trong tù. Năm 1965, sau khi ông Thảo bị sát hại, bỗng nhiên hai ông
được đưa về Chí Hòa, lúc ấy anh em trong tù nhận định hai khả năng,
hoặc là được thả hoặc tăng án lên tử hình. Lúc đó 2 ông đã chống chào cờ
rồi, về Chí Hòa chúng chỉ yêu cầu hai ông chào cờ, nhưng hai ông dứt
khoát không chịu, mà chống chào cờ là tự nhận là cộng sản, nên dù ông
Thảo có là cộng sản đi chăng nữa thì tội của hai ông cũng không nhẹ đi
được, do đó sau 20 ngày chúng đưa trở lại Côn Đảo. Ông Thiều được thả
năm 1973, thoát ly lên chiến khu, sau giải phóng làm cán bộ Ban Tổ chức
Thành ủy TP.HCM, qua đời năm 1984 vì bệnh. Còn ông Sáu Tuấn đến ngày
giải phóng mới về.
Chúng tôi hỏi ông Sáu Tuấn: “Có phải 2 trái lựu đạn không nổ là do tổ
chức bố trí để ám sát giả?”. Trả lời: “Không có chuyện đó. Ám sát ông
Thảo là làm thiệt. Lựu đạn thối, có khả năng là có nội gián của địch
trong công binh xưởng lúc kiểm tra lựu đạn. Sau này ta đã bắt được một
ông. Làm cho lựu đạn không nổ rất đơn giản, chỉ cần nhúng sáp đèn cầy
vào tim cháy chậm, khi giật lửa cháy lên khiến cho sáp chảy ra bít ngòi
nổ”. Hỏi: “Tại sao Tỉnh ủy phải quyết giết ông Thảo?”. Trả lời: “Mãi sau
này mới biết ông Thảo có công lớn, chứ theo nhận định của Tỉnh ủy lúc
đó thì khi phong trào Đồng khởi đang lên mà ông Thảo lại thả tù, người
mới bắt thì đối xử tử tế, gom vào sân vận động giải thích rồi cho về
hết, làm nhụt ý chí chiến đấu của quần chúng. Đó là tên tỉnh trưởng mỵ
dân rất nguy hiểm, cần phải trừ khử”.
Vì giết ông Thảo mà ông Sáu Tuấn ở tù 14 năm, 17 tuổi vào tù, ra tù
31 tuổi. Bà Phạm Thị Nhiệm thỉnh thoảng về nước đến Bến Tre thăm lại
những kỷ niệm xưa, đều thăm ông Sáu Tuấn, bà nói: “Ngày xưa anh Thảo vẫn
nhắc đến tụi mày”. Các con ông Thảo cũng có về. Ông Tuấn nói con ông
Thảo một đứa sinh ở Bến Tre, một đứa khác vừa rồi về cưới vợ, nghe đâu ở
An Giang. (còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
|