QĐND - Cuối tháng 9-1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh, quay lại tái chiếm Sài Gòn, âm mưu biến Việt Nam thành thuộc địa lần nữa. Đồng chí Trần Văn Giàu - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ gợi ý đồng chí Huỳnh Văn Nghệ, lúc đó là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến miền Đông quay về quê nhà Tân Uyên, lập chiến khu.
Tháng 11-1945, tướng Nguyễn Bình vâng lệnh Bác Hồ vào Nam, tìm gặp Huỳnh Văn Nghệ, trao ông chức Chỉ huy trưởng quân giải phóng Biên Hòa. Và tháng 12-1945, tướng Nguyễn Bình cũng về chiến khu này đặt Tổng hành dinh khu 7 tại Lạc An. Đến giữa năm 1946, chiến khu Tân Uyên được đổi tên thành chiến khu Đ, gắn liền với tên tuổi Huỳnh Văn Nghệ.
|
Tướng Huỳnh Văn Nghệ tại Chiến khu Đ. Ảnh tư liệu
|
Lúc này mới 31 tuổi, Huỳnh Văn Nghệ không chỉ đảm nhiệm chức vụ chỉ huy trưởng quân sự mà còn là phó chủ tịch kiêm ủy viên quân sự Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Biên Hòa. Thời cơ ấy cũng là thuận lợi để ông tổ chức các quận quân sự, thực chất là các cụm quân sự liên xã. Vào thời điểm ấy, sau khi thành lập các chi khu Tân Uyên, Cây Đào... giặc Pháp bắt đầu đánh nống ra, mở rộng lấn chiếm, thực hiện bao vây, chia cắt lực lượng của ta. Nhờ tổ chức quận quân sự, việc chỉ đạo xuống xã vẫn thông suốt, các hoạt động quân sự ở cơ sở vẫn được duy trì, tổ chức du kích vẫn giữ vững và lực lượng ngày càng phát triển.
Tháng 6-1946, Vệ quốc đoàn Biên Hòa mang phiên hiệu Chi đội 10. Chỉ trong vòng nửa năm, tất cả các LLVT trong tỉnh đã được quy về một mối. Huỳnh Văn Nghệ có thêm Nguyễn Văn Lung, Chi đội phó từ Long Thành về hỗ trợ. Rồi Phan Đình Công, từ Phòng chính trị khu 7 xuống, với chức danh Chính trị viên chi đội. Đến tháng 8-1946, các cơ quan tham mưu-chính trị của chi đội hình thành.
Là thủ lĩnh quân sự địa phương, do "thế thời phải thế", đồng chí Huỳnh Văn Nghệ chưa được đào tạo qua một trường quân sự nào. Ông học kinh nghiệm từ tướng Nguyễn Bình, nguyên Tư lệnh Đệ tứ chiến khu Đông Triều thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ông học qua các tài liệu tự tìm kiếm như “Binh pháp Tôn Tử”, “Kinh nghiệm du kích Tàu”, “Cách huấn luyện cán bộ quân sự”. Ông học ngay từ thực tiễn chiến trường. Khi Chi khu Cây Đào cho đóng bót Võ Sa (nay là xã Lợi Hòa, huyện Vĩnh Cửu), ông cử hai đồng chí Ba Trợn, Tư Bạch và một số chiến sĩ trá hàng, đến khi có thời cơ thì bót Võ Sa nổi dậy phản chiến, thu hết vũ khí, đạn dược và kéo hết quân ra, trở về với kháng chiến. Đòn "lấy gậy ông đập lưng ông" này làm rúng động hàng ngũ thân binh Pháp. Giặc Pháp từ đó cũng nghi ngờ, dè dặt trong việc tuyển mộ thân binh và ta có điều kiện thu hút thêm nhiều thanh niên trở thành tân binh Vệ quốc đoàn...
KIM CHUNG
|