Nhưng ít ai biết rằng con người vĩ đại ấy lại vô cùng giản dị, gần gũi giữa đời thường với một tâm hồn hồn nhiên như cây cỏ, với một tấm lòng trong sáng tựa trăng sao.
Dấu chân nhỏ in trên đường lớn
Con người bé nhỏ ấy đã in dấu chân của mình trên khắp các nẻo đường từ Nam chí Bắc để đi tìm cây thuốc và tất cả những con đường ông đi đều dẫn đến một con đường lớn. Đó là con đường nghiên cứu khoa học.
GS Đỗ Tất Lợi bên cây thuốc “Trinh nữ hoàng cung”.
Tìm hiểu những tính năng chữa bệnh kỳ diệu của các loài cây cỏ không chỉ là một sở thích, một công việc chuyên môn mà đó thật sự là niềm đam mê không bao giờ vơi cạn trong trái tim nhà khoa học này. Ông đam mê đến nỗi mải vui với mấy cây thuốc trên rừng quên cả việc phải trở về đúng thời hạn công tác. Đã mấy lần ông bị cắt lương vì tội đi công tác quá lâu không chịu về. Thậm chí có người còn nói gở ông này khéo bị thú dữ ăn thịt rồi cũng nên.
Đứng trước một cây thuốc lạ, giáo sư như bị bỏ bùa mê, suốt ngày mải miết với nó để nghiên cứu các tính năng chữa bệnh. Sau mỗi chuyến đi, thứ mà nhà khoa học này mang về không gì khác ngoài những cây thuốc mà ông vừa tìm được. Đó chính là niềm vui, hạnh phúc của một con người không biết đến sự nghỉ ngơi.
Là một trong những giáo sư đầu ngành (là cây cầu nối giữa y học với y học cổ truền dân tộc) nhưng ông rất có lòng tin với những thầy lang chữa bệnh bằng mấy thứ lá cây mà người ta vẫn có ý khinh thường gọi là ông lang băm mụ lang vườn. Đi đến đâu ông cũng để ý tìm hiểu các phương thuốc chữa bệnh trong dân gian. Bởi vì với ông, đó là những kinh nghiệm quý báu, những bài thuốc hay được truyền từ đời này qua đời khác cần được giữ gì và phát triển. Với những bài thuốc dân gian đó, ông không chỉ ghi chép lại mà còn phân tích, lý giải dựa trên những tri thức dược học thế kỷ 20 nhờ thế mà thuyết phục được cả nền dược học phát triển của phương Tây.
Mỗi khi tìm ra tính năng chữa bệnh của cây, nếu có thể thì thế nào ông cũng thử nghiệm trên bản thân mình trước. Thấy có hiệu quả mới đưa ra kết luận. Khi nào có cơ hội, ông cũng thử nghiệm trên người nhà. Các con ông đã thuộc làu nhiều bài thuốc đơn giản nhưng hiệu quả từ cây cỏ có sẵn trong vườn. Trong nhà mà có ai bị cảm sốt, nếu là mùa đông, việc đầu tiên là ăn cháo tía tô, nếu mùa hè thì nấu nước đậu xanh để cả vỏ cho uống (vỏ đậu xanh là một vị thuốc trong Đông y tên gọi lục đậu y có tính năng giải độc rất tốt cho cơ thể) rồi mới tính đến việc chữa trị bằng thuốc.
Ông bà Đỗ Tất Lợi cùng 6 con (Ảnh chụp năm 1958).
Mối tình sắp đặt với người vợ thủy chung
Ông bà lấy nhau từ khi ông còn đang đi học đại học. Một hôm, cụ thân sinh của vị giáo sư tương lai bỗng nhắn tin gọi con trai về cưới vợ. Lúc ấy, ông cũng chỉ biết là về lấy vợ chứ không hề biết mình sẽ lấy ai, lấy người như thế nào và nhà cô ấy ở đâu. Thời bấy giờ, đa số đều do cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy như vậy nên cũng không lấy gì làm lạ. Tuy đến ngày cưới mới biết mặt nhau nhưng hai người đã gắn bó suốt 3/4 thế kỷ, trải qua bao biến cố trong cuộc đời, chỉ biết mang cái tình ra mà đối đãi với nhau.
Ai cũng thấy giáo sư luôn dành hết thời gian và sự đam mê cho khoa học, chỉ những người trong gia đình mới cảm nhận được tình yêu thương ông dành cho mọi người. Ở nhà khoa học này, sự mộc mạc, chân thành trong tính cách không bao giờ thay đổi ngay cả khi ông đã trở thành một giáo sư đầy danh tiếng. Vì thế, cách thể hiện tình cảm của ông cũng chỉ là một ánh mắt quan tâm, một nụ cười hiền hậu và một trái tim ấm áp tình người. Bà Bẩy, vợ ông kể: “Ông ấy chỉ thích nói chuyện chuyên môn thôi, ngoài ra chẳng biết nói chuyện gì đâu. Tôi với ông ấy mỗi người một việc cũng chẳng có mấy dịp ngồi nói chuyện nhưng nếu có cũng chỉ quanh quẩn chuyện cây thuốc. May mà tôi làm trong ngành dược chứ không cũng chẳng biết nói gì. Ấy thế mà càng ngày càng thấy thương”.
Ông vốn là người vô cùng dễ tính nhất là trong chuyện ăn mặc. Theo lời kể của người vợ hiền năm nay đã 92 tuổi của giáo sư thì ông thuộc tuýp người sao cũng được, chẳng bao giờ phàn nàn nửa câu về bất cứ chuyện gì. Món ăn truyền thống của gia đình là muối vừng, lạc rang và canh đỗ xanh cả vỏ. Sáng ra chỉ cần lót dạ củ khoai hoặc nắm cơm nếp là đủ năng lượng cho nhà khoa học bắt tay vào giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ.
Cả đời ông miệt mài với công việc, không lên rừng tìm thuốc thì cả ngày ông lại vùi đầu trong phòng thí nghiệm. Từ lâu, hình ảnh về một giáo sư, quần áo tuềnh toàng nhưng đôi mắt sáng và nụ cười tươi đã trở nên vừa quen thuộc, vừa thần thánh trong trái tim bao người. Bà Bẩy, vợ giáo sư kể lại: “Một lần ra sân bay đón chồng đi công tác Sài Gòn về mà vừa thương vừa giận. Nhìn ông ấy không khác gì một ông làm nghề bốc vác. Ăn mặc thì lôi thôi, nhếch nhác, áo sờn vai, quần sứt chỉ, trong khi đó, tôi đã chuẩn bị cho ông ấy đầy đủ quần áo mang theo để thay đổi mà ông ấy chỉ mải công việc không chịu thay. Người đâu mà không biết quan tâm đến chuyện ăn mặc của mình gì hết, suốt ngày chỉ thuốc với thang”.
Các con ông tuy nghịch ngợm nhưng chẳng bao giờ phải nhận đòn roi của bố. Ông cho rằng trẻ con vốn hiếu động nên nghịch ngợm là chuyện bình thường. Nhưng với chuyện học hành của con, ông lại rất nghiêm khắc. Chơi gì thì chơi nhưng phải học bởi vì chuyện học là chuyện không thể lơ là. 6 người con của giáo sư nay tóc đều đã điểm bạc nhưng vẫn luôn sống theo lời dạy của cha, giữ nguyên nếp nhà trên bảo dưới nghe, trên kính dưới nhường, anh chị em trong nhà phải yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, người đi trước dìu dắt người đi sau, sống với nhau cho trọn nghĩa vẹn tình.
Khi tiếng tăm GS Đỗ Tất Lợi đã lẫy lừng trong thiên hạ, cả trong và ngoài nước, không ít kẻ tìm đến tự nhận là đệ tử, xin ông làm chủ hôn, xin chụp ảnh chung... mượn tiếng thơm của ông để mưu cầu lợi nhuận cho mình. Nhưng vốn là một con người vô tư, ông chẳng bao giờ để ý đến những chuyện như thế. Bởi cả cuộc đời ông chỉ biết cống hiến cho khoa học mà thôi.
Những cống hiến đồ sộ và sự ghi nhận danh giá
GS Đỗ Tất Lợi chính là người đi đầu trong việc bắc cây cầu nối giữa y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc. Ôngcó tới 200 công trình khoa học lớn nhỏ trong đó công trình gây tiếng vang nhất là bộ sách " Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam " được xuất bản lần đầu năm 1962 với độ dày trên 1.200 trang khổ lớn, mô tả công dụng, thành phần hóa học, các hoạt chất chính cùng ảnh chụp của 750 loài cây thuốc, vị thuốc thuộc 164 họ, 77 vị thuốc động vật, 20 vị khoáng vật. Cuốn sách quý này đã được tái bản đến14 lần, mỗi lần tái bản đều được chỉnh sửa, bổ sung nên độ dày của nó ngày một tăng lên.
Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương (APPA) đã trao giải đặc biệt năm 2006 cho cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam do NXB Y học tái bản năm 2006.
Năm 1968, Hội đồng Khoa học Viện Hoá dược Leningrad (nay là Saint Petersburg) đã bỏ phiếu thuận 100% phong tặng đặc cách cho ông danh hiệu Tiến sĩ, không cần báo cáo và bảo vệ luận án.
Năm 1980, ông được phong hàm Giáo sư.
Năm 1996, ông vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên về khoa học công nghệ.
Ông được tặng Huân chương Độc lập hạng nhì 2001 về những cống hiến cho khoa học và đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
|
Dương Dung