|
Đại tá Tạ Quốc Hưng |
QĐND Online - Để thực hiện bài viết này, người đầu tiên tôi tìm gặp là Đại tá Nguyễn Văn Chuyên. Ông là người trực tiếp tham gia dẫn đường cho máy bay tiêm kích đánh địch và góp công vào nhiều trận bắn hạ máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Đã bước sang tuổi ngoại bát tuần, nhưng trông ông còn rất tráng kiện và minh mẫn. Được hỏi về những năm tháng hào hùng, sôi động khi quân và dân cả nước làm nên chiến thắng 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, đôi mắt người lính già ánh lên niềm tự hào:
- Hà Nội “Điện Biên Phủ trên không” thật sự là một mốc son chói lọi. Để đánh được B-52, chúng ta phải mất 3 năm, 3 tháng nghiên cứu cách đánh ở Quảng Bình. 3 tháng tập trung cao điểm nhất là tháng 8, 9, 10 với những sĩ quan dẫn đường “gạo cội” có kinh nghiệm dẫn bay, có độ nhạy cảm và tinh thần dám chịu trách nhiệm. Điển hình là các đồng chí: Lê Thành Chơn, Tạ Quốc Hưng, Lê Thiết Hùng, Hoàng Kế Thiện, Phạm Văn Khả, Hà Đăng Khoa, Trần Quang Kính, Đào Ngọc Ngư, Phạm Minh Cậy…Những đồng chí này có mặt ở tất cả các sở chỉ huy cả vòng trong lẫn vòng ngoài, sát cánh cùng phi công truy kích địch. Đêm mở đầu chiến dịch, tôi đang ở sở chỉ huy tiền phương Đô Lương. Sáng 19-12, thì được lệnh ra Hà Nội. Trên đường đi, do địch đánh phá ác liệt nên bị kẹt lại mãi đến trưa 22-12 mới về đến chùa Trầm. Đêm 24-12, tôi trực tiếp trực sở chỉ huy Quân chủng với cương vị Phó Ban dẫn đường. Nhưng vai trò của tôi lúc ấy là theo dõi, tham mưu chứ không trực tiếp dẫn bay.
Nói rồi ông đưa cho tôi địa chỉ người trực tiếp tham gia dẫn đường bay trong chiến dịch 12 ngày đêm. Đó là Đại tá Tạ Quốc Hưng. Trao đổi với chúng tôi tại nhà riêng nằm trên đường Tân Mai, TP Hà Nội, Đại tá Tạ Quốc Hưng cho biết:
- Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là công tác bảo đảm, trong đó có bảo đảm dẫn đường cho phi công truy kích địch.
Đến thời điểm bước vào chiến dịch 12 ngày đêm, ta đã có 8 năm kinh nghiệm chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ. Thế nhưng, khi vào cuộc chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ở chiến trường phía Bắc, chúng ta luôn có ưu thế về dẫn đường trực tiếp cho phi công. Khi vào chiến trường khu 4, chúng ta mới gặp dẫn đường đối kháng. Vì lúc này Mỹ đã đưa các tàu dẫn đường vào biển Đông, nên đã gây cho ta rất nhiều khó khăn. Từ đó, những trận không chiến trở nên vô cùng ác liệt. Mọi hoạt động của không quân ta ở đây đều bị địch theo dõi giám sát rất chặt chẽ. Khi máy bay của ta bay lên độ cao 2000 - 3000m, ngay lập tức tiêm kích địch từ các hướng cơ động đến, vây chặt. Trong khi đó, chúng ta thường hoạt động chiến đấu ban đêm là chủ yếu, nên phi công thiếu sự chỉ huy, dẫn đường trực tiếp từ mặt đất, dẫn đến mất đi những yếu tố chiến thuật có lợi ban đầu. Thêm vào đó, phi công ta thường phải hoạt động đơn lẻ nên dễ bị địch tập trung lực lượng tiêm kích đánh chặn, không cho tiếp cận B-52. Mục tiêu trọng yếu của chiến dịch là thành phố Hà Nội và Hải Phòng... trong khi đó hầu hết các sở chỉ huy cơ bản của các trung đoàn không quân lại nằm ở phía trong, nên bị nhiễu rất nặng. Dó đó không thể chỉ huy kịp thời và liên tục cho phi công vì thiếu các dữ liệu về địch. Chúng ta chỉ có duy nhất một sở chỉ huy vòng ngoài ở phía Tây Nam Hà Nội, nhưng do bị đánh phá thường xuyên nên cũng ảnh hưởng rất nhiều.
Để bảo đảm dẫn đường cho không quân đánh chặn đúng đối tượng B-52 thì vấn đề bảo đảm tình báo đủ và liên tục của ra đa là vô cùng quan trọng. Thông thường trên mỗi sân bay cơ bản có một đơn vị ra đa bảo đảm dẫn đường cho không quân chiến đấu và huấn luyện, nhưng khi chiến dịch tập kích đường không diễn ra, tất cả các sân bay đều bị đánh phá không chỉ một lần. Vì vậy, ta phải trực chiến ở những sân bay cơ động, không có ra đa bảo đảm cho dẫn đường. Cất cánh chiến đấu ban đêm, phi công phụ thuộc rất nhiều vào các thông báo của dẫn đường, nhất là các số liệu về địch. Thiếu các thông tin này, phi công sẽ rơi vào thế bị động. Mà trong không chiến, bị động thì khó giành được thắng lợi.
Kinh nghiệm được đúc rút từ chính những lần dẫn đường cho phi công đánh chặn vào các tốp B-52 giả. Và ngay sau chiến thắng vang dội của Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi đã nhận thấy: Từ cuộc tập kích đường không tháng 12-1972, các loại trang bị, vũ khí kỹ thuật cao đã được sử dụng phổ biến hơn nhiều. Một số trang bị, vũ khí mới xuất hiện như máy bay tàng hình, hệ thống cảnh giới báo động sớm AWACS, tên lửa hành trình, các thiết bị tác chiến điện tử… có thể sẽ làm thay đổi cơ bản nghệ thuật tác chiến của không quân. Điều đó đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác bảo đảm dẫn đường. Để đáp ứng được với chiến tranh tương lai, chúng ta cần giải quyết tốt 4 vấn đề cơ bản như: Bảo đảm thông tin tình báo kịp thời, chính xác; tổ chức hệ thống sân bay, sở chỉ huy vòng ngoài trên những hướng trọng điểm một các hoàn chỉnh; hiện đại hóa các phương tiện chỉ huy, tiến tới tự động hóa từng phần công tác chỉ huy; tăng cường huấn luyện diễn tập đối kháng.
- Báo đảm dẫn đường không chỉ là vấn đề đầu tư trang thiết bị mà là cả một nghệ thuật cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện. Trong đó con người là yếu tố cơ bản và quan trọng nhất, Ông kết thúc cuộc trò chuyện bằng những lời thật giản dị mà sâu sắc.
Bài, ảnh: Quỳnh Vân
Tin liên quan: Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"
Kịp thời phát hiện máy bay B-52
http://qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/406/406/406/208915/Default.aspx