(HNHN) Vào thời Vua Lê Hy Tông, làng Kim Lũ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) có một chàng trai tư nghi trung hậu, trán cao, mũi thẳng, bên dưới bàn chân có một nốt ruồi đen, tai dày mà trắng hơn mặt. Đó là Nguyễn Công Thể, còn gọi là Nguyễn Công Thái.
Nguyễn Công Thể sinh tháng 10 năm 1684. Từ nhỏ đã rất thông minh, được thầy yêu mến, thường nói sau này sẽ thành tài lớn. Năm 19 tuổi (1703) Nguyễn Công Thể đỗ Giải nguyên, năm 32 tuổi (1715) đỗ Hội nguyên, thi Đình đỗ Đồng Tiến sĩ. Sau khi thi đỗ ông được trao chức giám sát Ngự sử đạo Nghệ An rồi giám sát Ngự sử đạo Thanh Hóa, tiếp theo lên chức đốc đồng xứ Hải Dương. Năm 1724 về kinh được trao chức Đông các học sĩ tri lai phiên và giữ nhiều trọng trách trong triều đình. Khi làm trấn thủ Sơn Nam đóng ở Doanh Vị Hoàng (tức thành phố Nam Định ngày nay), ông được dân ngưỡng mộ.
Khi đứng đầu Quốc Tử Giám, có lúc ông đã dùng tiền riêng trợ cấp cho giám sinh nghèo trong đó có Nguyễn Hồ Sinh, người phường Thịnh Quang (Hà Nội) sau đỗ tiến sỹ. Ông làm quan trong triều 40 năm, 5 lần đảm đang trọng trách (tham tụng) thờ vua trọn đạo giữ mình nghiêm chỉnh, trong sạch, cẩn thận và thẳng thắn. Những việc bàn bạc ở triều đình thì con cháu, anh em thân thiết cũng không được biết. Mỗi khi có công mà được phong đều dâng sớ khiêm nhường - Ông ở nhà tranh, các con đều đi bộ, được ruộng thì lại chia cấp cho làng. Năm 1720, bọn Thổ ty phủ khai hóa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) âm mưu lấn chiếm 120 dặm đất của các châu Thủy Vị, Vị Xuyên với dãy núi Tụ Long thuộc tỉnh Tuyên Quang là nơi có mỏ đồng khá lớn. Sau nhiều lần có quốc thư sang nhà Thanh, triều đình bên đó đồng ý trả đất. Năm 1727, ông đang giữ chức Đông các học sĩ được cử tới Nam Quan tiếp sứ thần Trung Quốc về thủ tục trao trả đất và xác định biên giới. Tả Thị Lang bộ binh Nguyễn Huy Nhuận cùng ông lên Tuyên Quang nhận đất cùng đặt mốc biên giới. Bọn Thổ ty muốn chiếm giữ mỏ đồng Tụ Long nên tìm mọi cách gây khó dễ và định nhập nhằng trong việc cắm đất. Chúng đã gian trá trỏ vào con suối sâu trong nội địa và gọi là sông Đổ Chú. Âm mưu này không qua được mắt ông, nên ông quyết định trèo núi, vượt đèo, qua các mỏ tìm ra sông Đổ Chú thật, rồi tranh luận ráo riết khiến quan nhà Thanh phải chấp nhận, bàn dựng bia đá ở hai bờ Nam - Bắc. Bia bờ Nam do Nguyễn Công Thể viết "An Nam quốc, Tuyên Quang trấn, Vị Xuyên Châu giới chỉ dĩ, Đổ Chú vị cứ. Ung Chính lục biên (1728) Cửu Nguyệt thập bát ngật, ủy binh bộ Tả Thị Lang Nguyễn Huy Nhuận tế triều Quốc Tử Giám Nguyễn Công Thể phụng chỉ lập thạch bi (Nước Nam trấn Tuyên Quang, châu Vị Xuyên lấy công Đổ Chú làm căn cư - đời Ung Chính thứ 6, tháng 9 ngày 18 ủy binh bộ Tả Thị Lang Nguyễn Huy Nhuận và Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Công Thể dựng bia đá). Từ đấy việc biên giới mới định và nhờ đó nhà Lê thu hồi được mỏ đồng Tụ Long.
Ông làm quan qua 4 triều vua Lê tới chức Tể tướng, Thượng trụ quốc, Kiều quận công. Đến lúc về hưu cũng chỉ có mấy gian nhà tranh vì ruộng vua ban ông chia hết cho dân làng xã.
Theo Infohanoi
|