Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đã có biết bao nhiêu gia đình cống hiến công sức và xương máu của mình để bảo vệ Tổ quốc. Những hi sinh mất mát to lớn đó khó có thể có gì bù đắp nổi. Trong đó phải kể một gia đình có truyền thống cách mạng trong nhiều thế hệ nối tiếp nhau ở quê hương Đồng Khởi – Bến Tre. Kết thúc chiến tranh, gia đình này có tới 12 liệt sĩ anh dũng hy sinh trên chiến trường, và bây giờ trong đại gia đình ấy có đến 4 người được phong tặng anh hùng.
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Niềm đang trầm tư kể về những ngày tháng chiến đấu gian khổ
"Nước mắt mẹ không còn….”
Chúng tôi và Đại tá Trần Quốc Việt (Việt Liêm) Chủ tịch hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre đến thăm căn nhà tình nghĩa của Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Phạm Thị Đầy tại ấp 7 xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.
Nơi đây cũng là chốn thờ cúng linh hồn của 12 liệt sĩ đều là con cháu của mẹ Đầy. Trong hai cuộc kháng chiến đẫm máu, mẹ Đầy và chồng đã tham gia đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị, động viên nhiều con cháu ra trận đánh giặc.
Sau giải phóng, do tuổi già sức yếu vợ chồng mẹ Đầy đã qua đời. Hiện nay căn nhà giao lại cho người cháu nội bảo quản và thờ cúng ông bà. Mặc dù cả 5 người con của mẹ gồm 1 gái 4 trai đã lần lượt hi sinh trên chiến trường nhưng mẹ Đầy vẫn trung kiên với cách mạng.
Đại tá Trần Quốc Việt kể lại: "Mặc dù đau thương mất mát quá nhiều nhưng mỗi khi gặp, mẹ Đầy vẫn hay khẳng định với tôi rằng: "Tôi tuy không biết chữ nhưng tôi biết, không có gì làm lay chuyển được sức mạnh đoàn kết của dân tộc", quả thật là một người mẹ trung kiên".
Sau khi thắp hương cho các liệt sĩ tại nhà mẹ Đầy, Đại tá Trần Quốc Việt tiếp tục đến thăm nhà mẹ VNAH Nguyễn Thị Niềm (89 tuổi), là con dâu của mẹ Đầy. Mẹ Niềm hiện nay đang sống với người con gái tại một khu tập thể.
Bao nhiêu nếp nhăn trên mặt mẹ Niềm là bấy nhiêu nhọc nhằn đời mẹ đã đi qua. Thế nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, trong đôi mắt mẹ luôn ánh lên nét tinh anh và sức mạnh lạ thường dẫu mẹ đang ở độ tuổi xưa nay hiếm.
Thuở xưa, mẹ Niềm làm giao liên, rồi mẹ yêu và cưới ông Lê Văn Thảo sinh năm 1921. Ông Thảo tham gia cách mạng năm 1954 rồi hy sinh trên chiến trường Quảng Trị năm 1965 để lại cho mẹ chín người con 5 trai, 4 gái.
Mẹ Niềm tần tảo sớm hôm chỉ vì một lẽ đơn giản cho các con mẹ lớn khôn thành người. Mong mỏi là thế nhưng rồi giặc đến nhà, các con mẹ trở thành những người lính trên tuyến đầu chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Dù vô cùng lo lắng, bất an nhưng mẹ không ngăn cản mà động viên, tiếp thêm chí khí để các con vững tâm lên đường đánh giặc. Thế rồi, ba người con lớn của mẹ ra đi mãi mãi không về. Anh Lê Văn Lân hy sinh trong một lần đơn vị bị máy bay địch oanh kích.
Anh Lê Văn Long tham gia bộ đội địa phương, dù đơn vị đóng quân ở gần nhà nhưng từ ngày nhập ngũ chưa một lần anh được về thăm mẹ vì địch đang ráo riết dồn dân lập ấp chiến lược. Mỗi lần về nhà là mỗi lần hiểm nguy rình rập.
Sau này, mẹ mới được đồng đội của Lê Văn Long kể lại trường hợp anh hy sinh. Hôm đó anh được đơn vị cho về thăm nhà, nhưng khi về đến ấp 6 xã Phước Hiệp thì gặp đoàn xe lội nước của địch đến. Lê Văn Long yêu cầu đồng chí nữ du kích dẫn đường đi trước còn mình thì ở lại gài mìn chặn địch.
Khi mìn nổ cũng là lúc anh ngã xuống. Người con trai thứ ba là Lê Văn Ảnh hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Các anh hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Kể đến đây, mắt mẹ chợt chùng xuống: “Giá mà chúng nó để lại cho mẹ một đứa cháu…”.
Lặng lại một chút, mẹ bắt đầu kể về những năm tháng kinh hoàng trong cuộc đời mẹ. Đó là một buổi ngày 07/02 âm lịch của năm 1960, bọn lính ngụy lùng sục trong ấp, bắt 37 người bị tình nghi theo cách mạng.
Đến 7 giờ tối cùng ngày chúng lôi ra bắn chết hết 37 người. Trong đó có hai người em chồng của mẹ Niềm, còn người em gái ruột của mẹ cũng bị chúng tống giam.
Lúc đó ý chí sôi sục căm thù của gia đình mẹ lên tới đỉnh điểm, mẹ Niềm vận động chị em phụ nữ trong xã đi bộ hơn 20 cây số lên dinh tỉnh trưởng ngụy tại thị xã Bến Tre.
Anh hùng LLVT Khấu Trung Gương trong trang phục người lính |
Mẹ và các đồng chí đã đấu tranh suốt 10 ngày đêm liên tục, đòi chấm dứt hành động giết hại dân thường vô tội, đòi trả tự do cho các chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm trong ngục.
Mẹ Niềm lại kể cho chúng tôi nghe về một kỉ niệm trong ngày đầu tham gia cách mạng. Khi mẹ nhận được công văn của cấp trên giao nhiệm vụ thấy ngoài phong bì ghi: "kg Đc Niềm" nghĩa là kính gởi Đồng chí Niềm, nhưng vì lúc đó mẹ chỉ biết một ít chữ quốc ngữ nên tưởng nhầm là thư đe dọa gởi 1kg mìn để giết người.
Tối đến mẹ lận dao sau lưng băng qua vườn vào nhà người cháu họ hỏi: “Tại sau nó dám đe dọa tao hả mày, nó còn dọa ném 1 ký lô gam (kg) bộc phá đây nè, đọc coi”. Sau khi nghe người cháu đọc xong công văn mẹ nhẹ hẳn cả người và trở về nhận nhiệm vụ thực thi nhưng trong lòng mẹ vẫn ấm ức:
“Chính thằng Mỹ và bọn ngụy đã làm cho mình dốt chữ chứ không ai khác”. Ấy vậy mà đến ngày hòa bình mẹ có thể viết tay soạn thảo được công văn gửi cho các chị em phụ nữ.
Chiến tranh kéo dài và ngày càng cam go, tàn khốc. Vùng Phước Hiệp quê mẹ trở thành chiến địa với thế trận cài răng lược, ban ngày địch càn, ban đêm du kích trấn giữ, hai bên giành giật nhau từng thước đất hết sức căng thẳng.
Mẹ kể: "Hồi ấy mẹ làm giao liên, để đảm bảo bí mật thư mẹ đi mua dưa chuột khoét bỏ thư vào, sau đó nhét bùn rồi để ở dưới ghe chèo qua các trạm gác. Do kiểm soát rất gay gắt nên đi được hai ba lần thì mẹ lại thay đổi cách đưa thư kiểu khác.
Có lần đi bộ mẹ bị bọn Mỹ ngụy xét áo quần, ngay lập tức mẹ lại dấu thư vào bó tóc”. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước chồng và 3 con của mẹ Niềm đã hy sinh nhưng mẹ vẫn chung thủy trọn đời thờ chồng, nuôi dạy đàn cháu ăn học.
Mẹ nói với chúng tôi: “Chồng con mẹ trong hình hài của đất nước, đau thương mất mát đã qua, mẹ vẫn rất hạnh phúc vì những người thân của mình hy sinh không vô nghĩa". Năm 1994 cùng với mẹ Phạm Thị Đầy, mẹ Nguyễn Thị Niềm vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Người con anh hùng của đại gia đình anh hùng
Tạm biệt mẹ Niềm chúng tôi đến gia đình liệt sĩ mẹ VNAH Lê Thị Nhung, sinh năm 1924. Mẹ Nhung chính là con gái ruột của mẹ VNAH Phạm Thị Đầy. Trong kháng chiến chống Mỹ, cả 5 người con ruột thịt trong gia đình mẹ lần lượt ngã xuống trên chiến trường.
Và mẹ cũng hi sinh vào 1967 sau cuộc càng quét dữ dội của địch ở Phước Hiệp, Bến Tre. Mẹ bị trúng pháo khi đang triển khai cuộc họp cho chị em phụ nữ trong xã.
Người con duy nhất của mẹ Nhung là Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) Khấu Trung Gương, hiện đang thường trú tại ấp 1 xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Năm 1976, Khấu Trung Gương được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Khấu Trung Gương kể lại:
“Lúc đó tôi vừa bước qua tuổi 16, thấy cảnh nước mất nhà tan, cha mẹ và 3 anh em trai đều bị địch giết. Còn toàn bộ gia đình đã có 12 người hy sinh, ngồi nhà không yên nên tôi xung phong cầm súng ra trận bắn giặc và biệt xứ cho đến ngày giải phóng mới về”.
Từ 16 tuổi, anh Khấu Trung Gương gia nhập vào tiểu đoàn Đồng tháp 263 thuộc quân khu 8 cũ, đến năm 1969 tiểu đoàn này được chi viện cho Bến tre và đổi tên thành Tiểu đoàn 7 (D7) cho đến năm 1975. Trong những trận đánh đối đầu với giặc, anh kể lại có 2 trận đánh ghi dấu ấn sâu sắc nhất với anh.
Đó là trận đánh Ba Rày (1970) khét tiếng ở ấp 4, xã Cẩm Sơn, huyện Cai lậy, Tiền giang. Tại trận đánh này tiểu đoàn của anh Gương tiêu diệt trên 200 lính Mỹ ngụy, bắn chìm 26 tàu chiến Mỹ.
Sau đó, bọn Mỹ điên cuồng tăng cường đổ bộ thêm 2 lữ đoàn và trên 30 ngàn quả đạn pháo hòng khống chế bắt sống toàn bộ lực lượng của ta và biến vùng này thành vùng trắng.
Đêm hôm đó, Tiểu đoàn 7 của anh phải kiên quyết mở “đường máu” để thoát nhanh ra vùng giải phóng. Lúc bấy giờ bọn Mỹ đã phải thừa nhận 2 trận chúng bị thua ở Ấp bắc và Ba Rày là 2 trận chua cay nhất.
Vì chúng đã bị quân ta tiêu diệt một lúc 2 chiến thuật quan trọng của chúng mang tên "Phượng hoàng bay" và "Hạm đội nhỏ trên sông”.
Trận kế tiếp mà anh còn nhớ mãi là trận đánh với chiến thuật “Vây lấn bóp lòi”, lúc ấy anh Trung Gương là đại đội trưởng chỉ huy trực tiếp. Tại trận đánh này đại đội anh đánh sập 1 lô cốt, tiêu diệt được hai tên địch và bắt sống toàn bộ lính ngụy trong phân chi khu của địch tại Lương Quới, Giồng Trôm, Bến Tre.
Đến với gia đình Anh hùng LLVT Khấu Trung Gương hôm nay, khó ai có thể cầm được nước mắt, bởi những vết thương còn chìm trong cơ thể anh và biết bao hy sinh mất mát trong đại gia đình của anh. Ba trong sáu người con của vợ chồng anh bị bệnh tâm thần và bị bại liệt từ nhỏ vì bị nhiễm chất độc màu da cam của Mỹ.
Năm 1990, vì mắc căn bệnh hiểm nghèo xơ gan cổ chướng nên anh được nhà nước cho nghỉ hưu. Vợ anh chị Lê Thị Đắng phải bán tất cả những gì có thể bán được để mua 700 thang thuốc cứu chữa anh sống đến hôm nay.
Ngày về với cuộc sống đời thường, anh tự an ủi mình bằng chất đầy nghị lực: "Anh sống đến ngày hôm nay là hạnh phúc lắm rồi có vợ có con, còn biết bao đồng đội vĩnh viễn ngã xuống giữa chiến trường năm xưa, họ trở thành nhưng ngôi mộ vô danh. Trước khi chết họ vẫn chưa nói được một lời với cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè thân thích".
Thắp một nén nhang lên bàn thời Tổ tiên tại ngôi nhà đơn sơ của vợ chồng anh, trong giây phút thiêng liêng đó, chúng tôi cùng anh xin chân thành gửi những lời an ủi sâu sắc nhất của anh tới linh hồn của những đồng đội đã ngã xuống giữa chiến trường năm xưa để giành lấy hạnh phúc cho thế hệ hôm nay.