Võ Huy Tấn còn gọi là Võ Huy Liễn, sinh năm Kỷ Tỵ (1749) tại làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Là một nho sinh thông minh trác tuyệt, năm 20 tuổi (1768), ông thi đỗ Giải nguyên cùng khoa với Phan Huy Ích dưới đời Lê Cảnh Hưng, tiếng tăm lừng lẫy một vùng. Ông được bổ làm Thị nội ở Viện Hàn lâm.
Năm Kỷ Dậu (1789), sau đại thắng quân Thanh, nội trị đã yên, vua Quang Trung tính đến việc đối ngoại nhằm hòa hoãn với triều đình nhà Thanh, tạm dẹp nạn binh đao để muôn dân an hưởng thái bình. Nhà vua chỉ dụ tìm người tài đức trong nước để lo việc ngoại giao. Có người tiến cử Võ Huy Tấn. Khi có lệnh vời, ông tìm cách lánh đi nơi khác vì lòng còn vương vấn nhà Lê. Vốn trọng người tài, vua Quang Trung lại tiếp tục cho vời lần nữa. Lần này, được thân phụ là tiến sĩ Võ Huy Đỉnh khuyên bảo nên ông vào kinh bệ kiến, được bổ chức Hàn lâm đại chế, tước Bá. Vừa nhậm chức thì nhà Thanh có thư sang. Ông liền được vua Quang Trung cử đi sứ.
Trong chuyến sứ trình sang Bắc quốc, ông tỏ ra là một người có tài ứng phó, có nhiều thơ văn thù ứng sắc xảo, đề vịnh tuyệt bút được vua Càn Long nhà Thanh khen ngợi, giới sĩ phu Mãn Thanh nể phục. Nói về tài ứng phó của ông, có thể chứng minh ra mẩu chuyện sau đây:
Một hôm ngồi trong công quán (tức nhà khách) ở Bắc Kinh, thấy cuốn sổ kê khai đồ cống của nước ta, Lại mục nhà Thanh gọi mình là Di quan (tức quan xứ mọi). Ông lấy làm bất bình liền hạ bút viết ngay 4 câu thơ vào cuốn quyển sổ:
‘’Di’’ tự tòng “cung’’ hữu đới “qua”
Ngô bang văn hiến trị Trung Hoa
Thần Kinh khâm tứ An- Nam quốc
Thử tự thư lai bất diệc ngoa!
Dịch nôm:
Chữ ‘’di’’ là hợp cung với “qua”
Nước ta văn hiến tựa Trung Hoa
Vua Tàu đã gọi An- Nam quốc
Dùng chữ “di’’ này hóa chẳng ngoa!
Khi xem bài thơ, các sĩ phu nhà Thanh rất hiểu thâm ý của sứ giả Việt Nam nhưng không làm gì được vì lời lẽ rất mềm mỏng, từ tốn.
Với thành tích đó, khi về nước ông được vua Quang Trung thăng Công bộ thượng thư. Nhà vua thực sự phục tài ông nên không lâu sau đó, lại cử ông đi sứ lần nữa. Chuyến đi sứ lần này hết sức quan trọng vì vua Thanh yêu cầu đích thân vua Quang Trung sang tiếp kiến. Trường hợp này quả là khó xử. Tuy nhiên, nhà vua đã có cách xử sự. Người cử một đoàn sứ giả thật hùng hậu gồm toàn những nhân vật tài ba như Ngô Văn Sở, Phan Huy Ích, Đặng Văn Chân, Nguyễn Tiến Lộc,... do Võ Huy Tấn đứng đầu, phò ‘’giả vương’’ sang Bắc quốc triều cống. ‘’Giả vương’’ là Phạm Công Trị, một vị triều thần có vóc dáng và diện mạo hao hao giống vua Quang Trung, được nhà vua chọn thay mình để cùng đi với sứ bộ.
Lần này nhà Thanh vời cho được vua Quang Trung sang, trước là để tỏ uy phong, sau là để dự Đại khánh mừng thọ bát tuần vua Càn Long. Vua Thanh cho đón tiếp sứ bộ rất trọng thể, cung phụng đặc cách. Sau đó lại mời đi thăm Đằng vương các, xây dựng từ thời nhà Đường nằm bên bờ sông phong cảnh thật hữu tình, là nơi du ngoạn nổi tiếng ở Giang Tây, từng được đại thi hào Vương Bột ca ngợi bằng một bài thơ tuyệt tác. Vị quan sở tại có yêu cầu sứ bộ ta vịnh thơ. Võ Huy Tấn cầm bút viết xong ngay. Lời lẽ có phần khiêm tốn nhưng tứ thơ thì thật cao sâu.
Làm xong nhiệm vụ, sứ bộ từ giã triều đình nhà Thanh lên đường về nước. Giả vương Phạm Công Trị được vua Càn Long ban cho áo mũ, cân đai và một vạn lạng bạc. Lại còn có bức chân dung do một danh họa Tàu vẽ và bài thơ vua Thanh thủ bút đề tặng. Võ Huy Tấn cũng được tặng nhiều vật kỷ niệm như bút long chương, mũ tam phẩm.
Ngoại giao thắng lợi, hai nước Việt- Hoa từ đó giao hảo, thân thiện. Vì có công lớn, Võ Huy Tấn được liệt vào hàng công thần, cùng với Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích chuyên lo việc bang giao. Vì thế ông rất được vua Quang Trung trọng đãi.
Năm Ất Mão (1795), Võ Huy Tấn được đặc cách phong Thượng trụ quốc thị trung, đãi chiếu Thượng thư. Năm Canh Thân (1800), ông mất sau một cơn bệnh hiểm nghèo, hưởng dương 51 tuổi. Tác phẩm chính để lại có bộ “Hoa Nguyên tùy bộ tập’’.
(Theo Báo Vĩnh Long)