"Chào, chúng tôi đi đây", bức điện tín cuối cùng trước khi nhà giàn DK1/6 đổ sập, đã ám ảnh ông Phạm Ngọc Nam nhiều năm liền. Vượt qua khắc nghiệt của biển cả, những người thiết kế, thi công đã hoàn thành nhà giàn thế hệ mới, vững chãi như "khách sạn" giữa biển Đông.
Chủ nhiệm thiết kế nhà giàn nghẹn ngào khi nhắc đến những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên nhà giàn đã hi sinh. Ảnh: Hoàng Thùy.
Những chuyến đi dài ngày trên biển của đơn vị thiết kế, thi công công trình nhà giàn DK1 không phải lúc nào cũng sóng êm bể lặng. Hình như để thử sức người, biển có lúc nổi sóng khủng khiếp cùng với dông bão bất thường. Trong "Nhật ký đời biển - DK1" của mình, chủ nhiệm thiết kế Phạm Ngọc Nam có lần phải thốt lên: Gió cấp chín tàu lắc đảo đưa/ Sóng nhồi liên tục cực cùng chưa/ Ọe, nôn, lảo đảo say bạc mặt/ Hành hạ chưa thôi còn thụi mưa.
Có những hành trình bị say sóng, ông Nam và đồng đội ba, bốn ngày nằm liệt không ăn, chỉ nôn thốc nôn tháo. Khi nhìn thấy ngọn hải đăng Vũng Tàu, tất cả mọi người mừng "như sống lại giữa đêm thâu". Không chỉ có sóng biển, gió biển, bão biển, kẻ thù cũng luôn rình rập đơn vị thi công. Sau khi lao thẳng vào công trình ta đang thi công DK1/5,6 trước đó, đến đêm ngày 18, rạng 19/8/1993, một tàu nước ngoài không có cờ hiệu, không có đèn lại đâm vào DK1/6 làm công trình hư hại nặng. Sáu năm sau, ngày 21/12/1998 nhà giàn DK1/6 bị đổ.
Xúc động về dòng hồi ức những đồng đội đã hi sinh khi đang công tác trên nhà giàn, người chủ nhiệm thiết kế "mắt thần trên biển Đông" bùi ngùi cho biết, chính ở DK1/6, khi nhà giàn chao đảo rồi đổ, đồng chí Đỗ Quang Chương đã quấn cờ tổ quốc quanh mình, bám theo nhà giàn và hi sinh.
Tổng tham mưu Phùng Quang Thanh khi ấy biết tin đã rất cảm động và nói với các nhà thiết kế rằng, một người hi sinh cũng là mất mát to lớn, bởi gia đình họ mất con, và có thể đó là đứa con duy nhất, là niềm hi vọng của cả nhà.
Có những ngày biển động, tàu hoạt động trên biển đã vào nơi neo đậu an toàn, nhưng cán bộ làm việc ở nhà giàn DK1 vẫn kiên trì bám trụ. Từng đợt sóng giữ quăng quật, dồn lực vào chân nhà giàn như muốn nhổ cái "ngôi nhà" đang đơn độc giữa muôn trùng sóng nước. Nhà giàn nghiêng ngả, rung lắc, và có nơi không chống chọi nổi đã đổ vào lòng biển khơi.
Ông Nam trước công trình DK1 do mình làm chủ nhiệm thiết kế. |
Ông Nam bồi hồi kể, ông bị ám ảnh bởi bức điện tín cuối cùng của nhân viên thông tin Hoàng Văn Thủy từ DK1/6 về Sở chỉ huy Lữ đoàn 171 Hải quân lúc 3h45 phút ngày 13/12/1998. Anh chỉ nói vỏn vẹn một câu: "Chào! Chúng tôi đi đây!" khi nhà giàn đã chống chọi với sóng thần nhiều giờ và chuẩn bị đổ.
"Anh Thủy lênh đênh trên mặt biển và may mắn được tàu hải quân cứu sống, nhưng cũng có đồng chí đã mãi mãi nằm lại với biển khơi", vị chủ nhiệm thiết kế nghẹn ngào.
Tuy nhiên, vượt qua những khắc nghiệt, các chiến sĩ của đơn vị thi công tìm cho mình những giây phút vui vẻ, đầm ấm giữa mênh mông biển nước. Khi sóng cấp 4 không thi công đươc, tàu thả neo câu cá. Giữa biển Đông bốn bề là nước, chỉ có tiếng reo hò của đồng đội khi câu được nhiều vô kể các loại cá mú, thu, bò... Có những đêm rằm ở nhà giàn DK1, tất cả những người đang chinh phục biển khơi cùng nhau chiêm ngưỡng vẻ đẹp của "biển mượt êm dát bạc, ánh trăng dát ngà".
Ông Nam nhớ, sau những ngày làm việc vất vả, DK1 lại mở tiệc ăn mừng để xua tan đi nỗi nhớ đất liền. Tiệc ở DK toàn hải sản với gỏi, chả, nem, cá nướng, hấp, chiên, sốt, mắm nêm. Ở DK còn có rượu bào ngư, hải sâm, cá ngựa…đều là những thứ thu hoạch được từ biển. Thế nên: “Tiệc DK ai chẳng say mèm”.
Nhà giàn DK1 thế hệ mới được cải tiến so với thế hệ cũ và được gọi là "khách sạn giữa biển Đông". Ảnh: Hoàng Thùy. |
Ông Nam cười: "Cán bộ ở DK còn khác đời bởi không tiêu tiền, ở chốn không dân, không đi tu mà hóa sư thần". Ở đây, cứ ba đến năm tháng tàu từ đất liền mới ra cấp nước ngọt, lương thực, thực phẩm, thư, báo một lần. Những lúc đó, cán bộ, chiến sĩ mới thấy được sự gần gũi, thân thương của người dân đất liền với biển đảo".
Ở DK1, nơi đầu sóng, “mùa đông thét gào gió Đông Bắc, mùa hè hầm hập gió Tây rang, sóng thần, giặc giữ luôn rình rập” đòi hỏi lính DK phải dạ sắt gan vàng. Còn những người thiết kế và thi công, suốt năm cứ bồng bềnh trên biển, đi xây và giữ DK chỉ nguyện cầu cho trời yên biển lặng, để được góp công giữ toàn vẹn biển đảo nước nhà.
Mải miết với nhà giàn, với việc nước làm ông Nam quên đi việc nhà, việc của người chồng, người trụ cột gia đình. Những chuyến đi hàng tháng trời triền miên trên biển không một tin tức báo về, mọi việc trong nhà đều do bàn tay tảo tần của vợ ông, bà Vỹ - vừa chăm việc nhà vừa lo việc nước.
Chính vợ, con đã giúp sức cho ông thêm nghị lực, bền bỉ gần ¼ thế kỷ vì sự nghiệp công trình DK1, xây dựng thêm nhiều “khách sạn giữa biển Đông”, để hôm nay như ông đã viết: Từ DK ngắm Trường Sa/ Thấy đất Việt, biển Đông ta trập trùng/ Mỏ Rồng, Bạch Hổ, Đại Hùng/ Đông Sơn, Lan Đỏ, Lan Hồng - Dầu lên...