Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 24/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Mối tình sâu đậm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp Mối tình sâu đậm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

(NguoiViet.de) Những lần được gặp và nói chuyện với các tướng lĩnh, các vị cán bộ đã từng làm việc cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được gặp gia đình Đại tướng, tôi đã được nghe họ chia sẻ tình cảm trân trọng của mình không chỉ với Đại tướng mà còn thể hiện sự quý mến đối với người phụ nữ đã cùng ông đồng hành từ những ngày sau Cách mạng Tháng Tám đến nay. Đó là Phó Giáo sư Lịch sử Đặng Bích Hà - phu nhân Đại tướng, người đã luôn ở bên ông qua bao khó khăn sóng gió của cuộc đời. 

Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

Mối lương duyên trời định

Đây là lần thứ ba tôi được đến thăm gia đình Đại tướng tại ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên tôi có thời gian nhiều hơn và tâm lý thoải mái hơn để ngắm nhìn ngôi nhà cổ kính với những hàng cây thơ mộng.

Không khoa trương, cầu kỳ, ngôi nhà bình dị như chủ nhân của nó nằm giữa một khu vườn rợp mát với những tán cổ thụ: những cây long não xum xuê gốc tới hai người ôm, những cây ngọc lan thơm mát...

Ngay trước phòng khách của gia đình, vẫn còn đó bộ bàn đá cũ do bộ đội Sư đoàn 308 tặng Đại tướng từ những năm 1980 được đặt cạnh bể cá, bên những giỏ hoa phong lan được chăm sóc cẩn thận, đung đưa những bông hoa rực rỡ.

Đã mấy chục năm nay, đó vẫn là nơi Đại tướng gặp gỡ, làm việc với các tướng lĩnh và cũng là nơi ngồi uống nước, đọc báo của vợ chồng Đại tướng vào những buổi sáng, là nơi hàn huyên, chuyện trò cùng con cháu vào những buổi chiều cuối tuần.

Mấy năm nay, khi sức khỏe Đại tướng có phần giảm sút, thói quen ấy không còn được thực hiện nữa, nhưng mọi người vẫn giữ nguyên cách bài trí ấy như là lời nhắc nhủ về những kỷ niệm của gia đình.

Khi ngồi ở đây, tôi cảm nhận được sự sâu lắng, bình yên của khu vườn, được nghe tiếng chim hót, tiếng nước chảy, tiếng cá quẫy,…và được thả hồn mình vào thiên nhiên, giúp đầu óc thư thái và có những suy nghĩ sáng suốt hơn.

“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,…”

 Điều đó thật đúng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình cụ Đặng Thai Mai. Hai người lớn lên tại hai miền quê khác nhau nhưng lại cùng có chung một chí hướng, một mục đích cao cả là đi theo tiếng gọi của lòng yêu nước, đứng lên đấu tranh đòi quyền tự do, bình đẳng.

Ngay từ những ngày Đảng Tân Việt mới đi vào hoạt động và có tiếng vang ở Trung Kỳ, Võ Nguyên Giáp đã có cơ hội được tiếp xúc với những cương lĩnh, chủ trương của tổ chức, từ đó ông đã quyết định hoạt động trong Đảng Tân Việt.

Tại tổ chức của Đảng Tân Việt, ông đã có cơ hội được gặp và làm việc cùng GS Đặng Thai Mai (cụ Đặng Thai Mai khi ấy vừa là thầy giáo, vừa tham gia hoạt động cùng Đảng Tân Việt, GS cũng là một trong những người đầu tiên sáng lập ra Hội Phục Việt - tiền thân của Tân Việt Cách Mạng Đảng).

Ngay từ những ngày mới gặp nhau, cả hai người đã rất tâm đầu ý hợp. Đến cuối năm 1929, cùng với Đảng Tân Việt, các tổ chức Đảng cũng phát triển mạnh mẽ ở cả Bắc và Nam Kỳ.

Giai đoạn này, Đảng Tân Việt cũng đã bắt đầu thể hiện những điểm yếu của nó và bị ảnh hưởng bởi Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng Chí Hội (Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên), vì thế Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai và Nguyễn Chí Diểu đã thành lập ra nhóm hạt nhân Cộng sản đầu tiên để cải tổ Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Sau đó cả hai người đều bị bắt giam vào nhà lao. Sau khi ra tù, Võ Nguyên Giáp bị chính quyền thực dân quản thúc tại quê nhà (Quảng Bình), cụ Đặng Thai Mai đã tìm cách đưa ông ra Vinh để cùng tìm việc làm và cùng gây dựng lại cơ sở, cũng như tìm cách bắt liên lạc với tổ chức.

Đến năm 1932, khi cụ Đặng Thai Mai tìm được việc dạy học ở trường Gia Long tại Hà Nội, cụ đã cùng Võ Nguyên Giáp ra Hà Nội dạy học kiếm sống. Những tháng ngày mới ra Hà Nội, cả hai người đều phải hết sức cố gắng, vừa lo kiếm tiền sống.

Võ Nguyên Giáp vừa lo học tiếp để thi đỗ tú tài rồi cùng về dạy ở trường Gia Long với cụ Đặng Thai Mai, sau đó cả hai cùng chuyển sang dạy tại trường Thăng Long. Thời gian tiếp sau, vừa hoạt động, Võ Nguyên Giáp vừa học tiếp đại học, ông tốt nghiệp cử nhân Luật - Đại học Đông Dương vào năm 1938.

Hai người ấy, bấy giờ không chỉ là bạn, là đồng chí mà còn là đồng nghiệp. Trong những năm 1936-1939, khi phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Đông Dương diễn ra mạnh mẽ, Võ Nguyên Giáp và cụ Đặng Thai Mai đã khởi xướng phong trào truyền bá chữ quốc ngữ rộng rãi trong cả nước.

Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên vợ và hai con

Rồi sau đó, cũng chính Võ Nguyên Giáp là người tổ chức các cuộc vận động quần chúng và báo chí để cụ Đặng Thai Mai trúng cử vào Viện Dân Biểu Trung Kỳ. Chính bởi mối thân tình đó mà Gia đình cụ Đặng Thai Mai coi Võ Nguyên Giáp như người thân trong nhà.

Còn Võ Nguyên Giáp cũng rất quý gia đình cụ Đốc Mai, những lần được về quê vợ cụ Đặng Thai Mai tại làng Quỳnh, được ăn những bữa cơm ấm cúng cùng gia đình, được nói chuyện cùng bố vợ cụ Đốc Mai là cụ cử Hồ Phi Thống, được chơi cùng hai người con của cụ Đốc Mai và được họ quý mến như một người anh cả.

Những ngày chưa tìm được việc làm ở Vinh, Võ Nguyên Giáp đã học thêm chữ nho với cụ Cử Hồ Phi Thống, rồi những lúc rảnh rỗi lại cùng cụ nói chuyện về thời cuộc, về những tấm gương, những bài học cứu nước của các vị tiền bối.

Những lần ấy, Võ Nguyên Giáp đã nhìn thấy hai cô bé tóc còn để chỏm, hay nghịch đất với nhau ngay trước sân nhà ông ngoại. Đó là cô Đặng Bích Hà và cô Đặng Thị Hạnh - hai người con gái đầu của cụ Đặng Thai Mai.

Dù còn nhỏ tuổi nhưng cô bé Bích Hà khi ấy đã tỏ ra là một cô bé thông minh, tinh nghịch và rất bướng bỉnh, cô không thích chơi đồ hàng hay búp bê như những bé gái khác mà cô chỉ thích chơi những trò chơi của con trai.

Có lần Võ Nguyên Giáp rủ cô đi ra Cửa Lò chơi nhưng cô bướng không chịu đi, đến khi bị Võ Nguyên Giáp quát: “Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn!”, cô không những không chịu mà còn lăn ra khóc, đợi tới khi Võ Nguyên Giáp dỗ dành rồi đền cho chiếc khăn thêu rất đẹp mới chịu nín.

Thời gian ở làng Quỳnh, rồi cả sau này khi mới ra Hà Nội, lúc nào Võ Nguyên Giáp cũng xem cô Bích Hà như một người em nên rất chiều và chăm em. Hơn nữa cô lại là người con lớn nhất của cụ Đặng Thai Mai nên đi đâu cũng được ba cho đi cùng.

Vì thế, suốt thời gian hoạt động và làm việc của Võ Nguyên Giáp từ 1931-1941, đây cũng là khoảng thời gian ông được sống cùng nhà với cô Bích Hà nhiều nhất. Khi mới ra Hà Nội, ngày nào đi luyện tập thể thao, ông cũng cho cô Hà đi cùng. Cô là một cô bé bướng bỉnh nhưng cũng rất biết nghe lời.

Mỗi lần đi tập, Võ Nguyên Giáp tập dưới sân còn cô thì đứng chơi quanh trên khán đài, đợi khi nào ông tập xong thì hai anh em lại đèo nhau về. Ngày ấy, trên đường đi, thi thoảng ông cũng kể cho cô nghe về cô Quang Thái (khi đó là người yêu và sau này là vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và cô lắng nghe rất chăm chú.

Ngày ấy, cả gia đình cô, nhất là cụ Đặng Thai Mai, rất quý cô Quang Thái và mọi người đều xem cô như người thân trong nhà. Sau khi cưới, Võ Nguyên Giáp ra ở riêng và tiếp tục hoạt động ở Hà Nội rồi sang Trung Quốc, còn cô Bích Hà học ở Hà Nội một thời gian, đến năm 1943 cô theo trường tản cư về Thanh Hóa cho đến năm 1945 mới quay về Hà Nội.

Trong suốt khoảng thời gian 10 năm ấy, tình cảm giữa hai người ngày càng gắn bó, đó là tình cảm trong sáng của người em gái với người anh trai. Không ai, kể cả cô và Võ Nguyên Giáp nghĩ rằng một ngày nào đó họ sẽ là vợ chồng.

Vì thế mới nói, giữa hai con người ấy dường như đã có một sự ràng buộc, một sợi dây vô hình nào đó đưa họ đến gần nhau mà các cụ ta thường hay gọi là “duyên số”. Từng bước trưởng thành của cô Bích Hà đều được Võ Nguyên Giáp dõi theo và luôn ở bên cạnh làm người động viên giúp đỡ.

Còn với Võ Nguyên Giáp, trong suốt chặng đường dài từ sau Cách Mạng Tháng Tám đến nay, qua những lúc thành công, vinh quang hay có lúc quanh co khúc khuỷu, cô Bích Hà vẫn luôn bên cạnh động viên ông với tâm hồn bình thản qua những lời giản dị và lạc quan.

Kỷ niệm thời thơ ấu

Tôi cứ mải mê suy nghĩ mà không hay biết phía sau, cánh cửa phòng khách đã mở ra, chị Hạnh Phúc - con gái Đại tướng mời tôi vào gặp cô Bích Hà.

Sở dĩ tôi gọi Phó Giáo sư Đặng Bích Hà là cô vì trước đây cô là Giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau thời gian giảng dạy tại trường, cô chuyển sang công tác tại Viện Đông Nam Á, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Những cuốn sách cô viết về lịch sử các nước Đông Nam Á đã giúp chúng tôi nhiều trong học tập và nghiên cứu.

Năm nay cô đã bước sang tuổi 85, dù sức khỏe có giảm sút nhưng cô vẫn giữ được trí óc minh mẫn, cách nói chuyện hóm hỉnh và đặc biệt nụ cười luôn nở trên môi. Hai cô trò mải nói chuyện về khoa, về trường, về các vị giáo sư đầu ngành của khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội mà suýt nữa tôi quên mất nhiệm vụ của mình nếu không nghe câu hỏi của cô: “Nào thế giờ em muốn hỏi gì?”

Tôi đánh bạo hỏi: “Dạ thưa cô, hôm trước em có đọc bài của cô Đặng Anh Đào trong cuốn “Võ Nguyên Giáp qua lời kể của những người thân”, cô ấy có nói đến chuyện lần đầu tiên Đại tướng ‘tỏ tình’ với cô là khi cô đang còn bé phải không ạ?”

Cô nói: “Ừ đúng, có chuyện đó thật!”. Rồi cô im lặng như để lục lại trí nhớ về một kỷ niệm đã xảy ra cách đây hơn 70 mươi năm. Đó là một câu nói vui trong một lần ông Giáp đèo cô đi chơi đến sân vận động Hàng Đẫy (khi ấy gọi là Septo) khi ông đi tập thể thao.

Lúc đó cô Hà mới 6 hay 7 tuổi. Chiều nào ông cũng chở cô đi cùng, nhưng có một hôm bỗng dưng ông nói với cô: “Anh sẽ cưới Hà bằng một đĩa xôi và một con gà”. Không ai ngờ câu nói đùa ấy hơn mười năm sau lại trở thành sự thật.

Vào cuối năm 1946, trước ngày toàn quốc kháng chiến, Võ Nguyên Giáp được lệnh lên chiến khu Việt Bắc còn gia đình cụ Đặng Thai Mai cũng tản cư về Thanh Hóa. Khi ấy, cụ Đặng Thai Mai được giao giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa.

Trước lúc chia tay, gia đình cụ Đặng Thai Mai đã đồng ý tổ chức lễ cưới cho Võ Nguyên Giáp và Đặng Bích Hà. Đám cưới của hai người được tổ chức rất giản dị, chỉ có gia đình nhà gái và khách mời thì chỉ có ông Trần Duy Hưng và bà Thục Viên (là Đại biểu quốc hội khóa đầu tiên) đến dự.

Ông Trần Duy Hưng khi ấy là Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội (hay còn gọi là Thị trưởng), ông là người chủ trì cho buổi lễ kết hôn,và do thời gian quá gấp nên ông đã mang theo cuốn sổ đăng ký kết hôn đến để vợ chồng Võ Nguyên Giáp làm thủ tục đăng ký ngay tại phòng khách nhà cụ Đặng Thai Mai trong buổi lễ.

Cho đến bây giờ, trải qua hơn 65 năm chung sống, cuộc sống với bao nhiêu lo toan bận rộn, nhưng với cô kỷ niệm đầu tiên ấy không bao giờ phai trong tâm trí.

Tình yêu từ sự cảm phục

Khi tôi hỏi cô có thể chia sẻ một vài cảm nghĩ về Đại tướng được không, cô chỉ cười mà không trả lời. Nhưng tôi đọc được trong nụ cười và ánh mắt ấy một niềm vui ấm áp khi nghĩ đến người bạn đời của mình. Người mà cô đã cảm mến và khâm phục từ những ngày thơ ấu.

Cô nói, cô không sợ khổ, không sợ khó khăn mà chỉ sợ nhất là “ngu dốt”. Và cả cuộc đời cô đã cố gắng không ngừng cho việc học tập và nghiên cứu, để những hiểu biết của mình không ngừng tiến bộ, hay chí ít thì cũng không bị lạc hậu hơn với thời cuộc.

Cô tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để đọc sách báo và suy nghĩ, đó cũng là thói quen mà cô ảnh hưởng từ cha và từ người chồng yêu quý của mình.

Những ngày cụ Đặng Thai Mai và người đồng chí Võ Nguyên Giáp của ông mới ra Hà Nội, Bích Hà đã được ở cùng cha. Hơn ai hết, cô hiểu những khó khăn vất vả của cha và người đồng chí của ông những ngày đầu ấy.

Đêm nào hai người cũng thức đến khuya để chấm một xấp bài dưới ngọn đèn điện nóng rực trong khi trời oi bức. Hai người đàn ông mặc áo may ô, mồ hôi nhễ nhại, nhưng cả hai đều hăng say làm việc, đôi mắt vẫn sáng ngời, nhanh nhẹn như chẳng hề có chút gì mệt mỏi.

Mặc dù công việc hết sức khó khăn, vất vả nhưng Võ Nguyên Giáp vẫn phải cố gắng vừa làm vừa học để luyện thi tú tài. Những ngày được chứng kiến Võ Nguyên Giáp cùng cha làm việc và học tập cô Bích Hà đã hết sức khâm phục và ngưỡng mộ người thanh niên tài năng ấy.

Bẵng đi một thời gian, khi Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rồi sau đó về Cao Bằng chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, Bích Hà không được gặp Võ Nguyên Giáp nhiều như trước.

Trong thời gian này, cô cùng với người em là Đặng Thị Hạnh cùng về học tại Sầm Sơn- Thanh Hóa mấy năm, sau đó về Hà Nội cô vừa đi học vừa tham gia phụ trách đội Thiếu nữ tiền phong nên cũng không có nhiều thời gian, thế nhưng hình ảnh về người anh Võ Nguyên Giáp luôn cần cù, chịu khó, vượt lên mọi khó khăn để học tập luôn thôi thúc cô cố gắng.

Đến năm 1945, khi hai người gặp lại nhau, lúc này Võ Nguyên Giáp đang phải gánh chịu một sự mất mát lớn, khi biết tin người vợ - người đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái đã bị bắt và mất trong nhà tù Hỏa Lò từ đầu năm 1944.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái thời trẻ. (Ảnh tư liệu)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái thời trẻ. (Ảnh tư liệu)

Từ sự kính phục và lòng quý mến, giờ đây cô tiểu thư Bích Hà lại có thêm một tình thương yêu, cô muốn được cùng ông chia sẻ mọi khó khăn, mất mát trong cuộc sống và được cùng ông đi trên một con đường, được cùng nắm tay ông vượt qua mọi khó khăn sóng gió của cuộc đời.

Hạnh phúc bình dị

Với cương vị là người Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân, là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ quốc phòng, từ khi đang còn đương chức cho đến khi về nghỉ hưu, ngày nào Đại tướng cũng rất bận rộn. Hết tiếp khách nước ngoài, đến tiếp các đoàn đồng bào từ các địa phương về thăm, rồi lại làm việc với các đồng chí lãnh đạo,…

Dù bận rộn là thế nhưng chưa năm nào Đại tướng quên ngày cưới của hai người. Hàng năm, cứ đến ngày 27 tháng 11, Đại tướng lại nhờ con gái mua cho một bó hoa hồng nhung - một loài hoa mà cô Bích Hà rất thích để tặng cô.

Sau này, khi nghe nói hoa hồng nhung chứa nhiều thuốc rất độc, lại không có mùi thơm như trước nữa, ông lại dặn con vẫn mua hoa hồng để ba tặng mẹ nhưng phải là hoa hồng có mùi thơm. Đến những năm gần đây, khi sức khỏe ngày càng yếu, hầu hết thời gian của Đại tướng là ở trong viện.

Hàng tuần cô vẫn vào thăm chồng, cùng ông chuyện trò. Hôm nào mệt cô không vào được, không thấy cô đâu thể nào ông cũng hỏi các con: “Mẹ thế nào?”. Khi nghe các con nói: “Mẹ vẫn khỏe, mẹ bình thường ạ!” thì ông mới gật gật đầu: “Bảo mẹ giữ gìn sức khỏe!”

Những năm tháng chiến tranh ác liệt, với cương vị là người Tổng chỉ huy quân đội, hàng ngày hàng đêm, Đại tướng luôn phải thức trắng để lo chiến sự. Thế nhưng Đại tướng luôn là người sống rất tình cảm.

Những lúc phải đi công tác xa nhà Đại tướng chưa bao giờ để vợ con phải có cảm giác lo lắng, hụt hẫng vì bị “lãng quên”, mà ông vẫn cố dành thời gian mấy phút để viết những dòng thư ngắn gọn gửi ra cho bà và các con để hỏi thăm sức khỏe và động viên tinh thần học tập, công tác.

Trong những lá thư ấy, có nhiều lúc con cái hỏi ông chuyện nọ, chuyện kia, có lúc ông giải thích, có lúc ông nói với chúng “các con đi hỏi mẹ, mẹ các con là người biết rất rõ”! Ông luôn tin tưởng ở bà, vì thế mà ông đã giao cho bà một trọng trách hết sức khó khăn là nuôi dạy con cái khôn lớn nên người.

Sau này khi các con đã trưởng thành, trong những bữa cơm gia đình Đại tướng thường nói: “Ba rất tin tưởng ở mẹ các con, nhờ có mẹ mà ba mới có thể yên tâm công tác”.

Đã hơn 65 năm trôi qua kể từ ngày bà theo ông đi trên cùng một con đường, cô tiểu thư Bích Hà chỉ biết có sách vở ngày nào giờ đã ngoài 80 tuổi. Mái tóc đã ngả hoa râm, đôi mắt cũng không còn tinh nhanh như trước nữa nhưng cô vẫn giữ thói quen chăm sóc chồng từ những sở thích nhỏ nhất.

Trước đây trong vườn có một cây bơ rất ngon, một loại quả mà Đại tướng rất thích ăn. Đặc biệt cây bơ ấy thường ra quả rất muộn, đúng vào dịp sinh nhật Đại tướng, nên năm nào cô cũng hái những quả to nhất, ngon nhất để dành cho ông.

Những năm gần đây khi cây bơ ấy không còn nữa, các con đã ươm một cây mới thay thế. Ngày ngày cô vẫn chăm sóc cho cây chóng lớn để cây sớm ra quả và cô lại hái vào để dành cho ông vào dịp sinh nhật như mọi khi cô vẫn làm vậy.

Một thói quen nữa của vợ chồng vẫn được cô Bích Hà gìn giữ dù mấy năm nay sức khỏe của cô đã yếu hơn trước. Đó là thói quen đọc sách báo hàng ngày. Đọc sách cũng là một trong những điểm chung gắn kết ông bà với nhau trong suốt cuộc đời.

Trước đây, cô quen và mến Đại tướng cũng là bởi cùng chung cái sở thích ấy… và nó trở thành điểm chung theo vợ chồng cô đến suốt cuộc đời. Dù cuộc sống có khó khăn, bận rộn, mỗi ngày gia đình cô vẫn dành ra một khoảng thời gian nhất định cho việc đọc sách báo và lúc rảnh rỗi lại cùng nhau đàm đạo, chuyện trò từ trong sách báo đến cuộc sống hiện tại.

Giờ đây, những bước chân đã không còn nhanh nhẹn như trước nữa, cô vẫn bước chậm rãi, thanh thản vào thăm nom ông trong viện. Hai mái đầu bạc, hai bàn tay nhăn nổi những nếp gân nắm chặt nhau thì thào trò chuyện.

Những câu chuyện, những cái gật, cái lắc đầu mà các con đều không hiểu không nghe rõ. Chỉ có ông bà là hiểu, là nghe thấy. Những câu chuyện ấy chỉ có những người sống cả đời bên cạnh nhau, chỉ có những người đồng cảm và hiểu rõ nhau hơn ai hết mới có thể biết rõ ngọn nguồn của nó.

Thế mới nói, giữa hai người yêu nhau, họ nói chuyện với nhau không chỉ bằng lời mà bằng ánh mắt, bằng sự thấu hiểu và thương yêu lẫn nhau, bằng những trải nghiệm mà họ đã cùng nhau vượt qua trong cuộc sống. Và tình yêu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phó giáo sư Đặng Bích Hà là như vậy, bình dị nhưng sâu đậm cho đến suốt cuộc đời.

  • Nguyễn Thị Hải

(Theo phunutoday)



  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66032094

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July