Không thấy sử chép chuyện quý tộc họ Trần đi thi, nhưng sở học của những nhân vật như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nguyên Đán ... quả là đáng phục vô cùng. Đây chỉ xin theo Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 2 a-b và tờ 3 a) để kể riêng sở học của Trần Nhật Duật, người được coi là nhà ngôn ngữ học lỗi lạc ở cuối thế kỉ XIII đầu thế kỉ XIV:
"Nhật Duật thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi ở thôn Bà Già. Thôn này có từ hồi Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành. Vua Lý bắt được người Chiêm rồi cho về ở đấy, theo tiếng Chiêm mà đặt tên thôn là Đa-gia-ly, sau người đời gọi sai thành thôn Bà Già. Nhật Duật đến chơi, có khi đến ba bốn ngày mới về.
Nhật Duật lại hay đến chơi chùa Tường Phù, nói chuyện với nhà sư người Tống, ở lại lâu mới về. Người nước ngoài đến kinh sư, thường kéo đến nhà ông. Nếu là khách Tống thì ông kéo ghế ngồi gần, chuyện trò suốt buổi, nếu là người Chiêm hay người các dân tộc thì theo phong tục của họ mà tiếp đãi.
Đời Nhân Tông ( 1278 - 1293), sứ nước Sách-mã-tích (tức nước Tumasik, thuộc nhóm Mã Lai - Đa Đảo - ND) sang cống, (triều đình) không tìm được người phiên dịch, chỉ có Nhật Duật là dịch được. Có người hỏi ông vì sao biết tiếng nước họ, ông trả lời rằng thời Thái Tông (1225 - 1258), sứ nước ấy sang, nhân có giao du với họ nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ. Nhân Tông từng nói: "Chú Chiêu Văn (chỉ Trần Nhật Duật, vai chú ruột của vua Nhân Tông - ND) có lẽ là kiếp sau của người phiên lạc nên mới giỏi tiếng các nước đó". Hồi làm Tể tướng, ông thường qua nhà một người Tống là Trần Đạo Chiêu, nói chuyện với nhau hàng giờ không mỏi. Anh Tông biết chuyện, nói với ông rằng: "Tổ phụ là Tể tướng (Nhật Duật vai ông của Anh Tông nên Anh Tông gọi là tổ phụ - ND), Đạo Chiêu tuy là người Tống, nhưng đã có Hàn lâm phụng chỉ (chức quan lo phiên dịch - ND), há nên ngồi nói chuyện với hắn".
Theo lệ cũ, sứ Nguyên sang phải sai người biết tiếng để phiên dịch. Tể tướng không được nói chuyện trực tiếp với họ, làm thế để lỡ có gì sai sót thì đổ lỗi cho người phiên dịch. Nhật Duật thì không thế. Tiếp sứ Nguyên, ông thường nói chuyện thẳng với họ mà không mượn người phiên dịch. Khi sứ xong việc, về nơi nghỉ ngơi thì dắt tay cùng về, ngồi uống rượu vui vẻ như bạn quen biết. Sứ Nguyên hỏi ông : "Ông là người Chân Định (vùng thuộc tỉnh Hà Bắc cua Trung Quốc ngày nay - ND) tới làm quan ở đây chớ gì?". Nhật Duật ra sức cãi lại nhưng họ vẫn không tin, có lẽ vì hình dáng và tiếng nói của ông giống người Chân Định".
Lời bàn:
Ai từng học ngoại ngữ mới biết học ngoại ngữ khó như thế nào. Học một lúc thông thạo cả tiếng Trung Quốc, tiếng Mông Cổ, tiếng Chăm, tiếng Tumasik, tiếng các dân tộc ít người… như Trần Nhật Duật lại càng khó hơn. Học đến độ nói tiếng nước ngoài chẳng khác gì người nước ngoài, khiến không thể tin đó là người Việt học thông thạo đến độ có thể từ tiếng nước này mà suy đoán đúng được tiếng của nước khác cùng một ngữ hệ, thì cổ kim chẳng mấy ai được như Nhật Duật.
Tước Đại vương, chức Tể tướng, giàu không ai bằng ông, sang cũng chẳng ai bằng ông, và bận quốc gia đại sự chắc cũng chẳng mấy ai như ông, vậy mà ông vẫn ham học dám học và học giỏi. Điều cần nói thêm là Nhật Duật sống rất nghệ sĩ, trong nhà không lúc nào dứt tiếng đàn ca. Đọc sử, có người hỏi rằng : Nhật Duật học vào lúc nào mà giỏi thế. Ôi, cái sai khó sửa đã chứa đựng ngay trong câu hỏi này. Ở đời, chỉ nên hỏi nhau là học như thế nào chớ đừng bao giờ hỏi là học vào lúc nào. Tạo hóa có cho ai thêm riêng một giờ trong một ngày đâu.
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần