(HNHN)“Mặc kệ” trở thành tính cách đặc trưng của Hà Nội hiện tại của cả người tốt lẫn người xấu.
1. Sau năm 1954, Hà Nội có sự xáo trộn lớn, nhiều người vào Nam, nhiều người từ chiến khu về, nhiều cán bộ và sỹ quan lập nghiệp ở Hà Nội.
Có được hộ khẩu ở Hà Nội là cả một vấn đề, vì thủ đô cũng hạn chế sự gia tăng dân số. Dẫu vậy thì một lớp người mới từ miền Nam tập kết và từ các nơi khác có xu hướng định cư lâu dài và trở thành dân Hà Nội sau hòa bình. Ở Hà Nội cũng không ít người chuyển cả nhà đi khai hoang miền núi. Lớp người mới phần nhiều từ thanh niên đến trung niên: người chưa có gia đình thì lo lấy vợ lấy chồng Hà Nội, người có gia đình thì lo chuyển cả nhà về Hà Nội.
Những tư gia ở Hà Nội được phân chia lại, theo tiêu chuẩn một người /4m2. Từ năm 1954 - 1964, đất sân vườn ở các tư gia vẫn còn tương đối rộng, nhưng sau năm 1970, chúng bị chiếm hết do những căn nhà tư gia biến thành nhà tập thể và người ta lấn chiếm dần dần. Hình ảnh Hà Nội thay đổi trong từng căn nhà góc phố, các quan hệ hộ gia đình cũng trở nên căng thẳng, do nơi ở chật chội, bếp chung, nhà vệ sinh, nhà tắm chung, vòi nước chung, công tơ điện chung. Vừa thỏa hiệp vừa cãi nhau, sự lịch thiệp của người Hà Nội cũng suy thoái dần.
Phố Hà Nội với dãy biệt thự cổ, sau hòa bình biến thành nhà tập thể cho cán bộ ngoại tỉnh
2. Sự tăng dân số Hà Nội, bắt đầu với nhịp độ nhanh từ năm 1973, sau Hiệp định Paris về Việt Nam, và sau năm 1975, khi đất nước thống nhất. Số người di cư vào TP.HCM và miền Nam nói chung không làm vơi đi số người vào Hà Nội.
Bốn huyện ngoại thành bị thu hẹp đất nông nghiệp trông thấy, các khu vực đầm lầy Giảng Võ, Kim Liên, Trung Tự, Thái Hà, Ngọc Hà, Bưởi, Láng, các bãi sông Hồng như Phúc Xá, Phúc Tân... trở thành các khu chung cư mới, được xây dựng theo kiểu tập thể bốn năm tầng và nhà tạm cấp bốn nhanh chóng trở nên chật chội, và tất cả những khoảng đất giữa các nhà cao tầng cũng nhanh chóng bị lấn chiếm.
Sinh viên tốt nghiệp không muốn trở về địa phương, công nhân xây dựng định cư tại chỗ, bộ đội phục viên, những trường học và công sở mới xây dựng... từng đợt, từng đợt nhiều lớp người từ mọi miền di cư vào Hà Nội, hình thành một những tính cách Hà Nội theo kiểu mới, trong đó tính cách cơ hội, chụp giật nổi bật.
Những người mới vào Hà Nội không phải ai cũng có nhà ngay, nhiều trai tân phải kết đôi với những cô gái “quá thì” để có hộ khẩu Hà Nội, nhiều cô gái ngoại tỉnh xinh đẹp sẵn sàng lấy các chàng trai “hoi” nội thành. Năm năm tồn tại ở Hà Nội và có một căn phòng là thành công mỹ mãn.
Phố Tạ Hiền, Hà Nội. Ảnh Hans Peter Grumpe chụp năm 1991-1992
3. Trước khi có những căn nhà tập thể, quan hệ xóm giềng ở Hà Nội không khác mấy nông thôn, người ta qua lại nhau chơi thường xuyên. Nhưng sống trong nhà tập thể không ai biết ai, không ai thăm hỏi ai, cùng tầng có khóa chung, đóng cửa vào là không biết đến hàng xóm nữa. Đôi khi người ta cảm thấy như vậy còn tiện hơn lối quan hệ kiểu làng xã cổ phiền toái.
Ý thức công dân từ những năm 1975 cho đến nay giảm đi trông thấy, tất cả chỉ cần sạch nhà mình, quẳng rác ra đường, dắt chó sang cửa nhà hàng xóm ỉa, vòi nước công cộng chảy bao nhiêu cũng mặc kệ... không ai kiểm soát chất lượng đô thị ngày càng chịu sức ép của dân số quá lớn. Các căn nhà tha hồ xộc xệch và trở thành các chuồng chim, các cống rãnh ùn tắc, nhất khi trời mưa, các con đường sửa chữa theo kiểu cứ đổ cho cao dần lên (từ năm 1992 đến nay nhiều con đường đã cao hơn nhà đương thời tới 120cm), các hè đường chỗ nào cũng bấp bênh, lở loét, các mặt đường tuổi thọ chừng nửa năm là vênh váo.
“Mặc kệ” trở thành tính cách đặc trưng của Hà Nội hiện tại của cả người tốt lẫn người xấu.
Phan Cẩm Thượng(TT&VH)
|